Thời gian gần đây, nhiều công ty rơi vào khủng khoảng, suy thoái, tranh chấp nội bộ kéo dài… được cho có nguyên nhân sâu xa từ tồn tại, yếu kém về quản trị công ty. Ông có đồng tình với đánh giá đó?
Tôi cũng đã nhiều lần cảnh báo thực trạng rất đáng báo động nêu trên. Quản trị công ty yếu kém sẽ dẫn đến không kiểm soát được xung đột lợi ích, một cổ đông lớn sẽ chi phối toàn bộ hoạt động của công ty dẫn đến hoạt động kinh doanh nhiều rủi ro, thiếu bền vững, cổ đông nhỏ bị lạm dụng và chiếm đoạt lợi ích,… đều là nguyên nhân làm cho tranh chấp nội bộ kéo dài và dẫn đến sụp đổ của doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, quản trị công ty tốt không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro nêu trên, mà còn trực tiếp mang thêm lợi cho doanh nghiệp, tăng tính bền vững trong kinh doanh và sức chống chịu với các rủi ro.
Báo cáo đánh giá quản trị công ty niêm yết trong năm 2019, 2020 cho thấy mức trung bình lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị tốt cao hơn mức trung bình lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị kém hơn. Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) khuyến nghị rằng các khủng hoảng có thể tránh khỏi và quản trị công ty tốt là một cách để ứng phó tốt với khủng khoảng và đi lên bởi vì bản chất của quản trị công ty đã bao gồm hệ thống quản lý rủi ro và ứng phó với rủi ro.
Trong nhiều năm, trình độ quản trị công ty nước ta so với một số nước trong khu vực ASEAN đều thấp hơn, thưa ông?
Khi nói về quản trị công ty thì cần phải tính đến cả hai yếu tố là khung khổ pháp luật về quản trị công ty và thực tiễn quản trị công ty tại doanh nghiệp.
Xét về mặt pháp lý, có thể nói, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản trị công ty, hướng tới tiệm cận chuẩn mực quản trị công ty tốt theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế tốt. Cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán cũng được hoàn thiện nội dung về quản trị doanh nghiệp.
Theo đó, Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về quản trị công ty đại chúng và công ty niêm yết. Cùng với nỗ lực cải thiện khung khổ pháp lý, thì thúc đẩy thực hành quản trị công ty tốt theo thông lệ quốc tế cũng đã được đẩy mạnh. Bộ nguyên tắc quản trị công ty Việt Nam theo thông lệ tốt nhất đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và IFC biên soạn và công bố tháng 8 năm 2019.
Nếu so sánh riêng Việt Nam thì mức độ quản trị công ty nói chung được ghi nhận có cải thiện và có những tiến bộ theo thời gian. Tuy nhiên, đánh giá chung trong nhiều năm qua mức độ thực tế quản trị công ty ở nước ta còn thấp so với nhiều nước khu vực và trên thế giới và luôn ở mức thấp nhất trong 6 nước, bao gồm: Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines và Indonesia.
Từ thực tiễn cho thấy ở nước ta một thách thức rất lớn trong quản trị đó là khoảng cách giữa thực tiễn thực hành quản trị công ty so với yêu cầu của pháp luật. Nói cách khác, thách thức lớn nhất là làm thế nào để biến khung pháp lý tốt thành quản trị doanh nghiệp tốt trên thực tiễn.
Theo ông, điều gì khiến các doanh nghiệp Việt Nam “ngại” nâng cao năng lực quản trị công ty?
Nếu nhìn sâu hơn vào bức tranh quản trị có thể thấy trình độ, mức độ quản trị công ty cũng có sự khác biệt và chênh lệch rất lớn giữa các doanh nghiệp với nhau. Đơn cử như cùng là doanh nghiệp niêm yết, có những doanh nghiệp có trình độ quản trị vượt xa so với doanh nghiệp niêm yết khác và nằm trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu trong khu vực. Vì vậy, vấn đề lớn nhất hiện nay là nhận thức về quản trị công ty tốt. Cụ thể ở đây không phải là nhận thức chung chung về quản trị công ty mà đòi hỏi nhận thức đầy đủ, được đào tạo chuyên nghiệp và trang bị kiến thức đủ để thực hành quản trị công ty tốt.
Ngoài ra, còn thiếu động lực để thúc đẩy quản trị tốt – ví dụ chưa có đòi hỏi mạnh mẽ của khách hàng, bạn hàng, nhà đầu tư, cổ đông... Tiêu chí về quản trị công ty tốt dường như chưa phải là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư, cổ đông cân nhắc, tính toán trong việc thiết lập quan hệ kinh doanh, mua cổ phiếu của doanh nghiệp. Chưa có nhiều các định chế trung gian, như: tổ chức, hiệp hội về bảo vệ cổ đông nhỏ, hiệp hội nghề nghiệp về thúc đẩy quản trị tốt ở nước ta. Thực tiễn quốc tế cho thấy các định chế trung gian này đóng vai trò quan trọng trong giám sát, tạo sức ép và nâng cao nhận thức, đào tạo chuyên môn, cung cấp nhân sự cho quản trị công ty tốt.
Gần đây vẫn còn tình trạng phổ biến nhiều doanh nghiệp nhằm đối phó, tuân thủ các yêu cầu quy phạm hơn là tự nguyện cam kết nâng cao quản trị công ty vì chính lợi ích của công ty, doanh nghiệp. Báo cáo đánh giá quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam năm 2020 đã cho thấy trung bình các doanh nghiệp chỉ đạt 59% điểm cho phần Tuân thủ.
Theo Báo cáo kết quả Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch (CBTT&MB) năm 2020 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà nội, các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn, tỷ lệ đạt điểm dành cho các tiêu chí tuân thủ là 62,08%. Thậm chí có ý kiến cho rằng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp, chưa đủ để đảm bảo tính tuân thủ.
Với bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước có nhiều khó khăn… các doanh nghiệp cần chuẩn bị như thế nào về quản trị công ty?
Quản trị công ty tốt không chỉ giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với khủng khoảng mà còn là yếu tố quan trọng trong xu thế kinh doanh bền vững và môi trường. Khảo sát về khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng khoảng Covid-19 công bố tháng 11/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, đã cho thấy rằng năng lực quản trị doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp ứng phó khủng khoảng (32,9% doanh nghiệp), sau đó mới đến các yếu tố khác như thị trường, quy mô doanh nghiệp,…
Gần đây chúng ta bàn nhiều về khái niệm về ‘ESG’ trong kinh doanh, gồm: Môi trường – xã hội – quản trị và đây là xu thế kinh doanh tất yếu. Kinh doanh không còn chỉ là lợi nhuận mà phải hướng đến bền vững và trong 3 yếu tố đó có quản trị. Điều này cho thấy quản trị công ty ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong phát triển kinh doanh bền vững.
Xét từ góc độ doanh nghiệp, rõ ràng, hơn ai hết bản thân doanh nghiệp cần hiểu rằng họ có vai trò quan trọng trong thực hành quản trị công ty tốt vì lợi ích của chính mình. Xa hơn nữa, doanh nghiệp không chỉ thực hiện đúng và đủ quy định của luật mà còn phải hướng tới áp dụng quản trị theo thông lệ quốc tế tốt, ở mức cao hơn luật vì đáp ứng đòi hỏi của thị trường về kinh doanh bền vững trong bối cảnh, xu hướng kinh doanh mới.
Để cải thiện chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp, theo ông vai trò Nhà nước sắp tới đây như thế nào?
Vấn đề lớn nhất hiện nay và thách thức nhất trong thời gian tới đây là làm thế nào để biến khung pháp lý tốt thành quản trị doanh nghiệp tốt trên thực tiễn. Nói cách khác, việc nâng cao chất quản trị công ty và thúc đẩy thực hành quản trị công ty tốt là một thách thức cho nước ta và cần nhiều nỗ lực hơn nữa đảm bảo các doanh nghiệp thực hành một cách thực chất các hoạt động quản trị tốt bên cạnh các qui định luật pháp tốt. Như trên đã nêu thì có nhiều yếu tố cả chủ quan, khách quan; cả nội tại và bên ngoài; cùng rất nhiều chủ thể, bên liên quan khác nhau có ảnh hưởng đến thúc đẩy thực hành quản trị công ty tốt.
Do đó, để có quản trị tốt thì không chỉ trông chờ duy nhất vào vai trò của Nhà nước. Tôi nhấn mạnh lại rằng cổ đông lớn, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong quản trị công ty tốt vì lợi ích của chính mình. Cổ đông, nhà đầu tư, bạn hàng, khách hàng,… cần phải nâng cao nhận thức về quản trị công ty để hình thành tiêu chí cân nhắc khi thiết lập quan hệ kinh doanh, đầu tư, mua bán cũng vì lợi ích của chính mình.
Đối với Nhà nước, trong thời gian tới đây thì nên ưu nên tập chung nhiều hơn nỗ lực vào thúc đẩy thực hành quản trị công ty tốt. Các cơ quan thực thi pháp luật cần giám sát chặt chẽ, kịp thời để đảm bảo sự tuân thủ đúng, đầy đủ quy định về quản trị công ty.
Về lâu dài, việc tạo động lực bền vững để quản trị tốt của công ty là cần thiết. Cần xem xét để có chính sách thuận lợi cho hình thành và phát triển của các chế định trung gian, như hiệp hội nghề nghiệp người quản lý công ty, tổ chức đào tạo, phản biện,… về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư, quản trị công ty tốt. Cần thiết lập thêm một nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở tiêu chí quản trị công ty tốt trong việc xây dựng và thực thi chính sách, để từ đó tạo ra động lực để doanh nghiệp thực hành quản trị tốt.
VnEconomy 24/01/2023 08:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam