16:22 10/12/2022

Phát triển bền vững nhờ quản trị công ty tốt

Hồng Vinh

Những công ty có nền tảng quản trị tốt, dễ dàng lấy lại đà phục hồi và phát triển bền vững sau những biến động của thị trường như đại dịch Covid-19 hay khủng hoảng kinh tế...

Quản trị công ty hướng đến phát triển bền vững ngày càng được nhiều doanh nghiệp chú trọng.
Quản trị công ty hướng đến phát triển bền vững ngày càng được nhiều doanh nghiệp chú trọng.

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam. Năm 2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực quản trị công ty. Tuy nhiên, để nâng cao nền tảng quản trị công ty cho các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài một hệ thống pháp luật đầy đủ hình thành một nền tảng quản trị công ty tốt và hiệu quả, thì bản thân từng doanh nghiệp, từng thành viên hội đồng quản trị và từng thành viên thị trường phải có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ, đạo đức nghề nghiệp và ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của quản trị công ty đối với từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

TĂNG CƯỜNG NHẬN THỰC VỀ ESG

Tại Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 5 (AF5) do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) và Báo Đầu tư tổ chức ngày 9/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh rằng trong bối cảnh phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, quản trị công ty tốt đóng vai trò thiết yếu quyết định cho sự năng động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên diện rộng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro ESG (môi trường, xã hội và quản trị); khai thác tốt hơn những đóng góp quan trọng của các cổ đông, chủ nợ, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp hoặc cộng đồng, sự thành công lâu dài của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về ESG tại Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 5 (AF5).
Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về ESG tại Diễn đàn thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 5 (AF5).

“Nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty tốt đối với nền kinh tế nói chung và sự phát triển, ổn định hiệu quả của thị trường chứng khoán, ngay từ khi thành lập thị trường, Bộ Tài chính đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền phổ biến kiến thức, xây dựng khung pháp lý tạo nền tảng cho việc tiếp thu và áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty. Đặc biệt là việc áp dụng các nguyên tắc tốt nhất về quản trị công ty theo các tiêu chuẩn của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) cho công ty niêm yết”, Thứ trưởng Chi nhấn mạnh.

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, quản trị công ty không đơn thuần là việc tuân thủ các quy định của pháp luật, vượt lên trên sự tuân thủ, quản trị công ty đang được coi là một trong ba thành tố quan trọng của phát triển bền vững của doanh nghiệp, là thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Quản trị công ty gắn liền với quản trị hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon đi cùng với thực thi trách nhiệm xã hội - tích hợp ESG cần được đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, và bắt đầu chuyển từ nhận thức sang hành động của hội đồng quản trị.

Ngoài ra, quản trị rủi ro chống biến đổi khí hậu gắn với quản trị công ty tốt sẽ tạo ra hiệu ứng cho các vấn đề xã hội. ESG không chỉ là một xu hướng tất yếu trên toàn cầu mà là những vấn đề then chốt đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế, bà Thanh đã chỉ ra, doanh nghiệp thực thi tốt ESG sẽ là cơ hội để phát triển nhanh và mạnh hơn trong tương lai. Hơn bao giờ hết, ESG đang được đề cập một cách đầy đủ, rõ ràng và liên tục trên mọi phương diện. Trong đó, yếu tố quản trị công ty đặc biệt được coi trọng khi thị trường chứng kiến những công ty có nền tảng quản trị tốt đang lấy lại đà phục hồi và phát triển bền vững sau hai năm của đại dịch. Các bên liên quan của doanh nghiệp sẽ nhìn vào ESG như một cánh cửa dẫn đến tương lai doanh nghiệp.

Khẳng định các chỉ số báo cáo về ESG và phát triển bền vững đang dần trở thành tiêu chí tất yếu để các quỹ đầu tư quyết định việc đầu tư của mình, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital, cho rằng: “Quản trị là một vấn đề lớn và chúng tôi đặc biệt chú trọng yếu tố này. Nhiều công ty Việt Nam gặp phải những vụ việc không như mong muốn trong năm nay. Một trong những nguyên nhân là chưa đủ tập trung vào vấn đề quản trị doanh nghiệp. Để quản trị tốt, cần nhiều yếu tố như cách đưa ra quyết định, cách đo lường rủi ro, làm thế nào xây dựng kế hoạch. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng, từ biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường. Việc phổ biến và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ESG cần phải được tăng cường hơn nữa thông qua thảo luận, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức.”

GIA TĂNG CƠ HỘI VÀ UY TÍN DOANH NGHIỆP

Sự phát triển của Vinamilk là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này đã tập trung vào các hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đóng góp cho xã hội từ cách đây hơn 20 năm. Qua các đánh giá, báo cáo hằng năm, ban Lãnh đạo Vinamilk nhận ra rằng việc thực hành ESG mang đến nhiều cơ hội hơn, từ những lợi ích về tài chính như mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư, hay những giá trị kinh tế lâu dài như duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, đảm bảo uy tín và nâng cao vị thế thương hiệu.

Trong suốt chiều dài hoạt động, Vinamilk đã bổ sung những nguyên tắc và chương trình hành động như ban hành bộ quy tắc ứng xử, thực thi các quy trình, chính sách về phát triển bền vững. Đến nay, hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp đều được cụ thể hóa hơn 95% bằng các quy trình, chính sách trên hệ thống điện tử. Hiện tại, các nhà máy của Vinamilk cũng đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như năng lượng mặt trời, biomass… Kết quả là, từ trang trại đầu tiên đạt chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu Global GAP năm 2014 tại Nghệ An, Vinamilk đã xây dựng 13 trang trại đều đạt chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn EU organic. Tất cả các tiêu chuẩn này đều quan tâm đến khía cạnh bền vững, thân thiện môi trường.

Đại diện Vinamilk cho biết, từ năm 2012, doanh nghiệp đã làm việc với tổ chức tư vấn để lập báo cáo phát triển bền vững, chuẩn mực hóa báo cáo thông qua các nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Hằng năm, báo cáo này được kiểm toán bởi công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và đầy đủ. Đây cũng là cơ sở tham chiếu cho các mục tiêu và thực hành phát triển bền vững tại công ty. Năm 2021, điểm đánh giá ESG đạt được 90%, cao hơn mức trung bình của ngành khoảng 30%.

Ngoài Vinamilk, Morningstar Sustainalytics cũng vừa đánh giá ESG tổng thể của VinFast là 23,3, thứ hạng thuộc bậc cao so với các công ty ôtô điện trên thế giới.

Bên cạnh cơ hội tiếp cận dòng vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế thì một số ngân hàng như Standard Chartered cũng cam kết cho vay hay thế chấp với lãi suất ưu đãi nếu doanh nghiệp chứng minh được hoạt động ESG bằng dữ liệu, số liệu rõ ràng.

 
Các doanh nghiệp niêm yết đạt giải thưởng đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS).
Các doanh nghiệp niêm yết đạt giải thưởng đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS).

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Ban tổ chức đã công bố và vinh danh các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đạt giải thưởng đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS). Theo đó, điểm quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện từ mức 23,7% năm 2012 lên mức 45,4% năm 2021.

Trong đó, 50% doanh nghiệp tập trung vùng điểm từ 35,4-50,9% và có phân hoá lớn về điểm quản trị công ty trong nhóm 25% công ty dẫn đầu. Kết quả kỳ ACGS 2021, TOP 3 doanh nghiệp niêm yết Việt Nam có điểm quản trị công ty tốt nhất trong kỳ đánh giá ACGS 2021 bao gồm Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần FPT và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk. Đặc biệt, Việt Nam có một doanh nghiệp vào danh sách tài sản đầu tư giá trị của ASEAN là Vinamilk (lần thứ hai liên tiếp Vinamilk đạt danh hiệu này).