09:27 26/02/2010

Giá than tăng và dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp than, điện

Hoàng Xuân

Các doanh nghiệp ngành than sẽ được hưởng lợi thế nào và doanh nghiệp ngành điện sẽ bị tác động ra sao?

Giá điện chịu nhiều tác động từ giá than.
Giá điện chịu nhiều tác động từ giá than.
Các doanh nghiệp ngành than sẽ được hưởng lợi thế nào và doanh nghiệp ngành điện sẽ bị tác động ra sao, nếu giá bán than cho ngành điện sẽ tăng lên như đề xuất của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)?

Trong báo cáo phân tích ngành than, điện cập nhật mới nhất vào ngày 24/2/2010, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã phân tích khá đầy đủ những ảnh hưởng này.

Cuối năm 2009, TKV đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đề nghị tăng giá bán than cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kể từ 1/1/2010, với mức giá đề xuất mới được tính bằng mức giá than xuất khẩu trừ 10%. So với giá bán trước đó thì đây là một mức tăng đáng kể (than cám 4, cám 5 tăng trên 100%), và điều này sẽ có ảnh hưởng đến ngành điện.

Đầu năm 2010, Chính phủ cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép tăng giá bán điện, bắt đầu từ 1/3/2010. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể của cả giá điện và giá than chưa được quyết định.

Công ty khai thác than sẽ thêm lợi nhuận

Theo nhóm phân tích của SSI, nếu việc này được thực hiện, nhìn từ góc độ ngành thì năm 2010, ngành than sẽ có khá nhiều yếu tố tích cực.

Về mặt sản lượng, TKV đặt chỉ tiêu tiêu thụ 43 triệu tấn (tương đương với sản lượng năm 2009), trong đó xuất khẩu giảm còn 18 triệu tấn, tiêu thụ trong nước tăng lên 25 triệu tấn so với năm ngoái.

Về mặt giá cả, theo đại diện của TKV, giá than xuất khẩu ước tính tăng khoảng 20% so với giá xuất khẩu năm 2009, giá bán than trong nước theo lộ trình cũng sẽ tăng lên.

Vậy liệu các công ty khai thác than có được hưởng lợi? Ở thời điểm hiện tại, định mức lợi nhuận (trên chi phí định mức) dự kiến cho năm 2010 là 3% (bằng với mức đã điều chỉnh cho năm nay). Với sản lượng không thay đổi nhiều so với năm ngoái, thì lợi nhuận dự kiến cũng không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, với diễn biến tích cực của giá bán than thì khả năng TKV nâng định mức lợi nhuận lên 3,5-4% (như đã nâng từ 2% lên 3% trong năm nay) là khá cao, ảnh hưởng tích cực lên lợi nhuận các công ty và cổ phiếu các công ty niêm yết.

Tăng giá than bán cho điện chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực lên lợi nhuận của các công ty khai thác than, do mức tăng 28% so với giá hiện hành cũng là mức tăng đáng kể. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành than, điều này có thể không thể hiện ngay vào lợi nhuận của các công ty trong quý I hoặc quý 2/2009, do TKV vẫn sẽ áp dụng định mức lợi nhuận 3% trong 2 quý này. Tuy mức giá tăng này có thể sẽ dẫn đến việc TKV nâng định mức lợi nhuận cho các công ty, nhưng điều này sẽ không được thực hiện cho đến cuối năm 2010.

Ngoài ra, các công ty than còn được hưởng lợi từ một số yếu tố khác bao gồm:

(1) Giá than xuất khẩu được kỳ vọng tăng khoảng 25-30% so với mức giá trung bình năm 2009 (TKV đã quyết định nâng mức giá than xuất khẩu tối thiểu lên 31% bắt đầu từ tháng 1/2010).

(2) Giá than bán cho các hộ  tiêu thụ lớn trong nước khác như xi măng, giấy, phân bón đã được điều chỉnh theo giá thị trường đảm bảo không thấp hơn giá xuất khẩu quá 10%.

(3) Cũng có một số khả  năng giá than bán cho điện sẽ tăng một lần nữa để tiến tới điều chỉnh giá than bán cho điện theo giá thị trường (theo văn bản 244/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ). Lần tăng giá than bán cho điện này có lẽ chỉ là lần tăng đầu với mức tăng vừa phải để đảm bảo không gây tác động quá lớn lên nền kinh tế nói chung.

Tóm lại, những yếu tố trên sẽ có tác động tích cực và nhiều khả năng sẽ dẫn tới các công ty than vượt mức lợi nhuận do TKV điều chỉnh tăng định mức lợi nhuận cho cả năm 2010.

Tỷ suất lợi nhuận công ty điện sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều

Nhìn dưới góc độ ngành điện thì EVN sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá mua điện từ các công ty nhiệt điện than sẽ tự động điều chỉnh tăng tương ứng với giá than tăng trong khi đó giá bán điện cho các hộ tiêu dùng điện lại được thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định (sẽ có độ trễ).

Đối với các công ty nhiệt điện than, do giá bán điện cho EVN của các công ty nhiệt điện than đã tính đến biến động của giá nhiên liệu đầu vào nên khi giá than tăng, giá bán điện cho EVN cũng sẽ tăng tương ứng. Vì vậy thực tế tăng giá than sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty này.

Đối với các công ty phát điện, thì giá bán lẻ điện tăng sẽ không có tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty này. Tuy nhiên, giá than tăng dẫn đến giá bán điện của các công ty nhiệt điện than (PPC, NBP) cho EVN tăng do biến động giá nhiên liệu đầu vào được phản ánh trong giá bán cho EVN. Giá than cao hơn vì vậy cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty.

Đối với những công ty đang đàm phán lại hợp đồng bán điện (PPA) mới với EVN (như Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC-HOSE), Thủy điện Thác Bà (mã TBC-HOSE), Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH-HOSE), thì việc tăng giá bán lẻ điện sẽ giúp giảm áp lực EVN giảm giá bán điện của các công ty này.

Đối với các công ty điện lực (như Điện lực Khánh Hòa, mã KHP-HOSE) là các công ty phân phối điện cho người tiêu dùng cuối cùng, quyết định tăng giá bán lẻ điện của Chính phủ sẽ dẫn tới doanh thu bán điện của các công ty này tăng. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận có biến động hay không còn phụ thuộc vào giá mua điện từ EVN (EVN mua điện từ các công ty phát điện và bán lại cho các công ty phân phối điện). Giá điện bán lại cho các công ty phân phối điện được thoả thuận giữa các công ty đó và EVN.

Tóm lại, giá bán lẻ điện và giá than tăng sẽ có khả năng ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận các công ty điện lực (trong trường hợp doanh thu bán điện tăng không cùng tốc độ với giá vốn hàng bán tăng), nhưng sẽ không có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận biên của các công ty phát điện.