06:00 26/12/2022

Góc khuất nghề thẩm định viên nhìn từ vụ AIC

Đỗ Mến

Giám định viên phải tuân thủ các nguyên tắc về tính độc lập trong chuyên môn nghiệp vụ; tính trung thực, khách quan song nhiều trường hợp, thẩm định viên tiếp tay cho sai phạm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thẩm định giữ vai trò cực kỳ quan trọng vì đây là dịch vụ không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường.

Dịch vụ thẩm định xuất phát từ nhu cầu khách quan về việc xác định giá trị của tài sản gồm tài sản hữu hình, tài sản vô hình, tài sản tài chính và trên cơ sở đó, các bên tham gia giao dịch có thể thỏa thuận với nhau, giúp các giao dịch về tài sản thành công.

Theo quy định, giám định viên phải tuân thủ các nguyên tắc về tính độc lập trong chuyên môn nghiệp vụ; tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá.

Song trong thời gian qua, hoạt động tố tụng xét xử ghi nhận nhiều trường hợp thẩm định viên tiếp tay cho sai phạm vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

CHƯA NHẬN THỨC RÕ RÀNG VỀ NGÀNH NGHỀ THẨM ĐỊNH VIÊN

Trong vụ án Công ty cổ phần Tiến Bộ (viết tắt là AIC) gian lận thầu đang được Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử, nhiều thẩm định viên phải “đáo tụng đình” do vi phạm quy định về đấu thầu.

Theo đó, năm 2013, Nguyễn Công Tiến thành lập Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới. Tiến và Ninh Văn Sinh, chuyên viên thẩm định đã thực hiện thẩm định giá 16 gói thầu cho Bệnh viên Đồng Nai. Tiến và Sinh thực hiện 15 chứng thư thẩm định giá.

Quá trình tố tụng, Tiến thừa nhận sử dụng báo giá của AIC. Trong khi quy định là buộc thẩm định viên phải trực tiếp thẩm định giá theo giá thị trường.

Lời khai của Tiến cho thấy thẩm định viên bị hạn chế nguồn thông tin nên buộc phải sử dụng báo giá của AIC.

Còn Ninh Văn Sinh cho rằng bị cáo được đào tạo nghề cơ khí, sau đó làm thẩm định. Bị cáo này cho rằng bản thân không có trình độ chuyên môn nên được ông Tiến hướng dẫn.

“Công việc của tôi là nhập, soạn thảo chứng thư. Đến khi cơ quan điều tra phân tích việc nhập dữ liệu người ta đưa sẵn là không đúng. Sau này tôi đi học thẩm định giá thì biết việc này không được làm khi chưa thông tin kiểm chứng”, bị cáo Sinh khai và thừa nhận bản thân chưa có nhận thức rõ ràng về ngành nghề này.

SAI PHẠM VÌ CẢ NỂ CHỦ ĐẦU TƯ

Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai được chủ đầu tư – tức Bệnh viện Đồng Nai chỉ định làm tư vấn quản lý gói thầu xây lắp và gói thầu thiết bị y tế chuyên môn. Ngoài ra, Trung tâm còn làm nhà thầu tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu của gói thầu số 52.

Theo cáo buộc, Nguyễn Thị Nhung, Phó giám đốc trung tâm đã giao cho Cao Thị Tám, trực tiếp thực hiện thẩm định hồ sơ mời thầu, và kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu.

Hồ sơ mời thầu gói thầu số 52 (thiết bị) có nêu “hợp đồng tương tư”. Việc đưa hợp đồng tương tự không đúng với tính chất của gói thầu đang xét là không đúng với hướng dẫn tại Mục 1 Chương 3 Thông tư 05/2010/TT- BKH ngày 10/2/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong khi đó, hồ sơ thể hiện 3 hợp đồng tương tự của Công ty AIC không có máy DSA, chỉ đáp ứng về giá trị không đáp ứng được tính chất của gói thầu, hạ thấp tiêu chí, có dấu hiệu “cài thầu” tạo lợi thế cho nhà thầu.

Tuy nhiên, quá trình thẩm định, Nhung và Tám đã không báo cáo chủ đầu tư, không làm rõ, để loại trừ sự không phù hợp của hồ sơ mời thầu mà vẫn trình, ký hồ sơ mời thầu, ký Tờ trình Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời thầu, vi phạm Điểm a Khoản 1 Điều 72 Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về nội dung thẩm định hồ sơ mời thầu, đánh giá và báo cáo đánh giá sai năng lực kinh nghiệm của nhà thầu, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Kết quả, Công ty AIC không đủ năng lực kinh nghiệm nhưng vẫn được xét trúng thầu, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 12,1 tỷ đồng.

Nhung khai nhận, khi cơ quan điều tra triệu tập, bị cáo mới phát hiện mình làm sai khi ký báo cáo thẩm định. “Công trình có quy mô lớn, áp lực tiến độ nhiều, bị cáo có rất nhiều việc. Khi ký báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu, bị cáo tin tưởng cấp dưới nên không kiểm tra. Sự việc đáng tiếc xảy ra, bị cáo rất lấy làm tiếc và buồn, xin chịu trách nhiệm về việc ký sai của mình”, bị cáo Nhung khai thêm.

Ngoài ra, khi thực hiện tư vấn quản lý gói thầu từ 64-79, mặc dù phát hiện kết quả đấu thầu vượt mức đầu tư, tăng dự toán nhưng Nhung và đồng nghiệp không báo cáo chủ đầu tư để tạm dừng tổ chức đấu thầu, báo cáo cấp có thẩm quyền mà vẫn ban hành văn bản lấy lùi ngày so với ngày phát hành chứng thư thẩm định giá trình chủ đầu tư phê duyệt với mục đích để hợp thức hóa hồ sơ phê duyệt dự toán.

Cơ quan tố tụng xác định, hành vi này trái quy định tại Khoản 1 Điều 7, Điều 11 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP; Khoản 2 Điều 12 Luật Đấu thầu và Điều 70 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 148 tỷ đồng.

Nhắc đến sai phạm này, Nhung thừa nhận có sự “cả nể’ chủ đầu tư. “Chủ đầu tư đã thuê các bị cáo để làm đúng phát luật nhưng vì sao chủ đầu tư yêu cầu ký lùi ngày là ký ngay”, chủ tọa vặn hỏi.

Nhung khai nhận: “Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành không yêu cầu giá thẩm định phải có trước khi đấu thầu. Trung tâm có lỗi thôi chứ không thực hiện việc hợp thức hóa hồ sơ cho chủ đầu tư”.

“SIẾT” ĐIỀU KIỆN THẨM ĐỊNH VIÊN

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, cả nước có 431 công ty thẩm định giá. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nóng, đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiến hành rà soát và đến nay chỉ còn 279 công ty thẩm định giá hoạt động cùng 1.460 thẩm định viên về giá được phép hành nghề.

Theo Bộ Tài chính, hiện tiêu chuẩn tiêu chuẩn của thẩm định viên về giá được quy định tại Điều 34 của Luật giá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy, quy định trên nảy sinh một số vấn đề bất cập. Do đó, Bộ Tài chính đã dự thảo Luật giá sửa đổi và trình Quốc hội củng cố. Dự thảo luật sửa đổi hoàn thiện có 9 nhóm nội dung lớn trong đó có việc “siết” điều kiện đối với thẩm định viên.

Đơn cử như pháp luật chưa quy định thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo phải là thời gian làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá với nhiệm vụ công việc liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá.

Nhiều trường hợp đã làm việc 36 tháng nhưng không phải tại các doanh nghiệp thẩm định giá và công việc không liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá. Vì vậy, mặc dù những trường hợp này đủ điều kiện cấp thẻ thông qua các kỳ thi nhưng chất lượng chuyên môn cơ bản không đáp ứng được ngay các nghiệp vụ thẩm định giá.

Bên cạnh đó, cùng với việc tăng cường quản lý chặt khâu cấp thẻ, phải chú trọng nhiều hơn cho việc củng cố kiện toàn các điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động của thẩm định viên.