18:27 24/11/2022

Vụ AIC: Chiêu thức lập “quân xanh”, “quân đỏ” để thông thầu

Đỗ Mến

Cơ quan tố tụng đã làm rõ các pháp nhân đóng vai trò “quân xanh”, “quân đỏ” giúp AIC gian lận thầu.

Lực lượng CSCĐ làm nhiệm bảo vệ trong quá trình khám xét tại trụ sở Công ty AIC. Ảnh: TTXVN
Lực lượng CSCĐ làm nhiệm bảo vệ trong quá trình khám xét tại trụ sở Công ty AIC. Ảnh: TTXVN

Ngày 24/11, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC) cùng 35 bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại dự án Bệnh viện Đồng Nai.

Cơ quan tố tụng xác định, bà Nhàn có vai trò chủ mưu, trực tiếp thực hiện loạt hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu như móc nối với quan chức là ông Trần Đình Thành – Bí Thư Tỉnh ủy, Đinh Quốc Thái – Chủ tịch UBND tỉnh, Bồ Ngọc Thu – giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phan Huy Anh Vũ – giám đốc Bệnh viện Đồng Nai.

Để AIC trúng thầu, bà Nhàn đã trực tiếp/chỉ đạo nhân viên đưa tiền cho những người này với số tiền 43,8 tỷ đồng. Mặt khác, bà Nhàn chỉ đạo các phó Tổng giám đốc của AIC là Hoàng Thúy Nga, Trần Mạnh Hà và nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn để tạo điều kiện cho AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỷ đồng.

Viện kiểm sát truy tố bà Nhàn về tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Các ông, bà gồm Thành, Thái, Vũ, Thu bị truy tố về tội Nhận hối lộ.  

Đặc biệt, cơ quan tố tụng cũng làm rõ các pháp nhân đóng vai trò “quân xanh”, “quân đỏ” giúp AIC gian lận thầu.

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Mopha do Nguyễn Thị Tích là giám đốc, trong đó bà Nhàn góp 70% cổ phần. Công ty này có ngành nghề chính là thu gom rác thải nhựa. Thực chất mọi điều hành công ty do bà Nhàn chỉ đạo.

Nhân viên AIC đã lập hồ sơ dự thầu đứng tên Công ty Mopha để tham dự 5 gói thầu. Nguyễn Thị Tích ký hợp thức các hồ sơ dự thầu trên để làm “quân xanh” cho AIC và công ty “quân đỏ” khác (Công ty BMS và Công ty Thành An Hà Nội) trúng thầu.

Ngoài ra, bà Nhàn còn nhờ cháu ruột là Nguyễn Thị Sen đứng tên giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường. Mục đích công ty này được thành lập làm “quân xanh” cho AIC trúng gói thầu số 52.

Cũng theo cáo trạng, Lê Thị BíchThủy là giám đốc Công ty TNT, chuyên bán buôn máy móc, thiết bị y tế. Thủy đồng ý với Nhàn làm “quân xanh”, “quân đỏ” cho AIC. Thủy chỉ đạo các nhân viên phối hợp với AIC làm hồ sơ dự thầu để Công ty TNT tham dự 11 gói thầu dự án, trong đó Công ty TNT làm “quân xanh” của 10 gói thầu, làm “quân đỏ” trúng 1 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 112 tỷ đồng.

Sau khi AIC trúng thầu, Công ty TNT được giao thi công xây lắp gói thầu số 07, bán 22 thiết bị y tế cho AIC để cung cấp vào dự án. Cơ quan tố tụng xác định, Thủy hưởng lợi hơn 3,5 tỷ đồng.

Tương tự, Nguyễn Đăng Thuyết là Tổng giám đốc Công ty Thành An Hà Nội đã hợp thức các hồ sơ dự thầu, đóng vai trò là “quân đỏ” 2 gói thầu số 71,74 và làm “quân xanh” cho 3 gói thầu số 63,65,67.

Còn Đỗ Mỹ Hạnh là Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa. Với mục đích bán thiết bị y tế cho dự án thông qua AIC nên Hạnh đồng ký và chỉ đạo nhân viên ký 13 bảng báo giá để làm căn cứ xác định giá các chứng thư thẩm định theo mức giá của AIC. Sau khi AIC trúng thầu, Công ty Cát Vân San bán 42 thiết bị y tế và thu lợi hơn 1,2 tỷ đồng.

Với hành vi ký báo giá, Huỳnh Tuấn Anh – giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân hưởng lợi hơn 643 triệu đồng. Các bị can Ngô Thế Vinh, giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh trang thiết bị Nha khoa Việt Tiên, Nguyễn Văn Bằng – giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tâm Hợp đồng ý làm “quân xanh” cho AIC.

Trong dự án này, Nguyễn Công Tiến là giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá Đồng Nai đã ban hành 15 chứng thư thẩm định giá.

Tuy nhiên, theo cáo buộc, Tiến chỉ đạo Ninh Văn Sơn sử dụng các báo giá do AIC cung cấp. Tiến và Sơn không làm việc độc lập, không khảo sát giá thị trường, không kiểm chứng thông tin báo giá. Các bị can chỉ dựa vào các báo giá “khống” để ban hành chứng thư thẩm định.

Trong khi đó, Trung tâm tư vấn xây dựng Đồng Nai được chỉ định làm nhà thầu tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ gói thầu của gói thầu số 52 cũng xảy ra sai phạm. Các bị can Nguyễn Thị Nhung (phó giám đốc), Cao Thị Tám – trưởng phòng Tư vấn đấu thầu… có dấu hiệu “cài thầu”, tạo lợi thế cho AIC.

Mặt khác, các bị can thuộc Trung tâm này còn ban hành văn bản lùi ngày phát hành chứng thư thẩm định giá trình chủ đầu tư phê duyệt nhằm hợp thức hồ sơ.

 

Các bị can đang bỏ trốn gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc AIC), Nguyễn Thị Tích, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Đăng Thuyết, Đỗ Mỹ Hạnh, Ngô Thế Vinh.

Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, phát thư kêu gọi họ ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Trường hợp các bị can này không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử.