11:53 21/12/2023

Hải quan truy thu hơn 730 tỷ đồng, thêm hàng trăm doanh nghiệp rơi vào dạng rủi ro cao

Ánh Tuyết

Thông qua kế hoạch kiểm soát rủi ro, toàn ngành hải quan truy thu số tiền thuế khoảng 731 tỷ đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu tập trung ở rủi ro khai sai mã số HS, mức thuế suất. Hàng trăm doanh nghiệp trong một số ngành hàng như: gạch men, thiết bị vệ sinh, thép không gỉ cũng bị xác lập có dấu hiệu rủi ro cao...

Cơ quan hải quan xác định 625 doanh nghiệp trọng điểm trong hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh, luồng vàng.
Cơ quan hải quan xác định 625 doanh nghiệp trọng điểm trong hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh, luồng vàng.

Tổng cục Hải quan cho biết năm 2023, kế hoạch kiểm soát rủi ro của ngành hải quan được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, tập trung vào 7 loại rủi ro trọng tâm, trọng điểm và 12 loại rủi ro khác cùng một số mặt hàng.

Qua báo cáo của các đơn vị, tính đến cuối quý 3/2023, toàn ngành phát hiện 8.253 vụ vi phạm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022 (7.335 vụ) đối với 19 loại rủi ro nêu trên, trị giá hàng vi phạm ước tính khoảng 7.776 tỷ đồng, trong đó nhiều mặt hàng chưa xác định được trị giá. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 219 tỷ đồng, số tiền thuế truy thu khoảng 731 tỷ đồng.

 

"Các vi phạm chủ yếu tập trung ở các loại rủi ro được xác định là trọng tâm tại kế hoạch cụ thể như: rủi ro về khai sai mã số HS và mức thuế suất (2.900 vụ). Tiếp đó, rủi ro về số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa có 1.265 vụ; rủi ro trong hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu (1.122 vụ); rủi ro trong quản lý hàng hóa quá cảnh, chuyển cửa khẩu (256 vụ)…"

Tổng cục Hải quan.

Một số cục hải quan tỉnh, thành phố có tổng số vụ vi phạm phát hiện, bắt giữ lớn như: Hải Phòng: 2.031 vụ; TP. Hồ Chí Minh: 1.114 vụ; Bình Dương: 865 vụ vi phạm; Lạng Sơn: 655 vụ; Đồng Nai: 453 vụ; Hà Nội: 428 vụ.

Trong đó, tập trung các loại rủi ro như: rủi ro về khai sai mã số HS và mức thuế suất; rủi ro về số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa; rủi ro trong hoạt động gia công sản xuất, xuất khẩu; rủi ro trong quản lý hàng quá cảnh, chuyển cửa khẩu; rủi ro trong hoạt động hủy, sửa tờ khai hải quan, khai bổ sung.

Thông qua các vụ vi phạm trên, Tổng cục Hải quan nhận thấy, các đối tượng ngày càng manh động, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp để che mắt các cơ quan chức năng.

Theo đó, các đối tượng lợi dụng loại hình quá cảnh, không phải kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu nhập để khai sai hoặc khai thiếu số lượng, trọng lượng hàng hoá; hoặc trộn lẫn nhập hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng phải có giấy phép, hàng phải kiểm tra chất lượng với các loại hàng khác để thẩm lậu từ các nước vào Việt Nam hoặc xuất khẩu đi các nước.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu đa số được miễn kiểm tra, không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa; xuất khẩu thiếu so với khai báo, nhập hàng hoá cấm nhập khẩu, hàng hoá nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa vi phạm chính sách.

Thậm chí có đối tượng làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như: giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng và giấy chứng nhận kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng để trốn tránh việc thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu. 

Cùng với việc triển khai đồng bộ kế hoạch kiểm soát rủi ro, trong năm 2023, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) tập trung thu thập thông tin, phân tích địa bàn kiểm soát rủi ro đối với mặt hàng, loại hình có dấu hiệu rủi ro cao như: kiểm soát rủi ro trong quản lý hàng hóa quá cảnh, vận chuyển độc lập, qua công tác xác định trọng điểm lựa chọn 2.673 container hàng quá cảnh để soi chiếu, phát hiện 72 lô hàng quá cảnh vi phạm.

Cục Quản lý rủi ro cũng rà soát, báo cáo Tổng cục Hải quan về tình hình rủi ro, kết quả kiểm soát rủi ro đối với hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam sang Lào và Campuchia và tham mưu ban hành công văn gửi 13 cục hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm liên quan đến hoạt động quá cảnh hàng hoá.

"Thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách 53 doanh nghiệp và 83 mặt hàng bách hóa tiêu dùng có rủi ro cao đối với mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu để áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro theo tuyến, địa bàn được phân công đối với các doanh nghiệp rủi ro cao", Tổng cục Hải quan nêu rõ.

Đồng thời, kiểm soát rủi ro đối với hàng nhập khẩu có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, tập trung phế liệu nhập khẩu, với việc theo dõi cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu đối với 328 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Qua đó, xác định 91 doanh nghiệp có rủi ro cao trong hoạt động nhập khẩu phế liệu, đề xuất xử lý vướng mắc phân luồng đối với 02 doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá liên quan đến chuyên đề phế liệu.

Cơ quan hải quan cũng tăng cường thu thập thông tin, xác định trọng điểm đối với một số mặt hàng có dấu hiệu lợi dụng tờ khai luồng xanh, luồng vàng để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp.

Theo đó, cơ quan hải quan xác định 43 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao đối với mặt hàng sợi; 97 doanh nghiệp rủi ro cao mặt hàng gạch men, 71 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thiết bị vệ sinh, 40 doanh nghiệp mặt hàng thép không gỉ; đồng thời, phát hiện 241 lô hàng luồng xanh, vàng vận chuyển qua cảng biển có vi phạm.

 

Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) tập trung hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh, luồng vàng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong năm 2023, xác lập 653 doanh nghiệp có rủi ro cao và 625 doanh nghiệp trọng điểm trong hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh, luồng vàng trong hoạt động xuất nhập khẩu để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp.