15:22 16/12/2023

Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng tới 44 "ông lớn" FDI, Bình Dương cải cách để giữ chân vốn ngoại

Ánh Tuyết

Theo tính toán, có khoảng 44/4.000 "ông lớn" FDI tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương chịu tác động khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu thực thi đầu năm 2024. Khi đó, số doanh nghiệp FDI này có thể đóng thêm 2.000 tỷ đồng/năm vào ngân sách nhưng các ưu đãi thay thế cũng cần được gấp rút nghiên cứu...

Với vị thế “sếu đầu đàn” trong thu hút FDI, Bình Dương đang nghiên cứu cách thức hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp để đón đầu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Với vị thế “sếu đầu đàn” trong thu hút FDI, Bình Dương đang nghiên cứu cách thức hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp để đón đầu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương và Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị "Xúc tiến đầu tư 2023 - Chiến lược thu hút FDI Bình Dương bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu".

Bình Dương là địa phương tiên phong phối hợp với Viện Quản trị Chính sách khảo sát đồng bộ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn để phát triển chiến lược thu hút FDI trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp có hiệu lực.

CHƯA CÓ ƯU ĐÃI THAY THẾ ĐỂ GIỮ CHÂN "ĐẠI BÀNG"

Trong 35 năm, Việt Nam thu hút được hơn 525 tỷ USD vốn đăng ký và hơn 260 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Điều này cho thấy lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam với những chính sách toàn cầu cần triển khai chiến lược thu hút FDI mới để tiếp tục củng cố lợi thế cạnh tranh.

Là một địa phương luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu về thu hút FDI, tại Bình Dương hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, với gần 4.200 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,2 tỷ USD, trong đó, khu vực châu Á chiếm trên 75% tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh.

Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bình Dương là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước và luôn khẳng định ưu thế hấp dẫn trong thu hút FDI. Bài học thành công của Bình Dương là sự quyết liệt triển khai những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu công nghiệp kiểu mới, khu công nghiệp xanh, "trải thảm đỏ" mời gọi nhà đầu tư nước ngoài.

Bình Dương cũng phối hợp để nghiên cứu báo cáo khuyến nghị chính sách của Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển về thuế suất tối thiểu toàn cầu, góp phần ban hành những quyết sách có lợi nhất cho đất nước.

 

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương và Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cho thấy, hiện Bình Dương có hơn 4.000 doanh nghiệp FDI, trong đó, có 44 doanh nghiệp FDI có khả năng chịu sự tác động của nghị quyết này và giúp ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được Quốc hội thông qua mới đây sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 01/01/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024. 

Theo đó, các công ty đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu Euro hay 850 triệu USD trở lên trong 2 năm của 4 năm gần nhất sẽ bị đánh thuế 15%.

Mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.

Theo tính toán tác động của chính sách này đến địa bàn tỉnh Bình Dương, dự kiến có 44/4.000 doanh nghiệp FDI có khả năng chịu sự tác động của nghị quyết. Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu Euro không chịu sự tác động của nghị quyết và tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư với mức thuế suất ưu đãi đang được hưởng.

Toàn cảnh Hội nghị "Xúc tiến đầu tư 2023 - Chiến lược thu hút FDI Bình Dương bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu".
Toàn cảnh Hội nghị "Xúc tiến đầu tư 2023 - Chiến lược thu hút FDI Bình Dương bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu".

Tuy nhiên, thông tin tại hội nghị cho thấy hiện vẫn chưa có đánh giá tổng thể về hệ thống các ưu đãi cần bổ sung nhằm khuyến khích đầu tư, gồm các ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp phi thuế để có phương án thay thế sau khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tức là nghiên cứu những ưu đãi đầu tư khác phù hợp để “giữ chân” cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam và gia tăng vị thế của các nhà đầu tư đang có.

Vấn đề đặt ra là chính sách phi thuế sẽ được đề xuất ra sao, điều kiện nào để hấp dẫn dòng vốn FDI nói chung, đặc biệt là dòng vốn FDI chất lượng cao hơn, giúp doanh nghiệp Việt tham gia liên kết sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

TẠO ĐỘT PHÁ VỀ CẢI CÁCH, TẠO THÊM QUỸ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ

Trong bối cảnh Việt Nam thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu, doanh nghiệp cả nước nói chung và ở Bình Dương nói riêng hiện gặp nhiều khó khăn. Tích lũy của doanh nghiệp trong nhiều năm dần cạn, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động hoặc thậm chí phải ngừng hoạt động.

 

“Đại diện chính quyền địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số. Tỉnh cũng cần tăng tốc triển khai toàn diện hơn, thực chất hơn các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính”, đại diện CIEM đề xuất.

Gợi mở một số giải pháp cải cách để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, coi đây là giải pháp trợ lực đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Người đứng đầu các cơ quan cần trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan. Hoạt động đối thoại, trao đổi với nhà đầu tư, doanh nghiệp cần đảm bảo thực chất, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp chứ không chỉ để lắng nghe.

Trước biến động chính trị và kinh tế thế giới, doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục phải chống chọi với các tác động bất lợi chưa từng có, áp lực và thách thức vẫn đè nặng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp hơn bao giờ hết cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ cải cách của Chính phủ và sự đồng hành của chính quyền địa phương.

Kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước cho thấy cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và có giá trị nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng. Đây cũng là thời điểm để tạo đột phá về cải cách, qua đó, giúp địa phương và nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, để cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện giữ chân các nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và tiếp tục thu hút đầu tư mới, Chính phủ phải xử lý đồng bộ nhiều vấn đề.

Bà Cúc cho rằng cần thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. Đồng thời, thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu này một cách hợp lý, đúng mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Cùng với việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư, phải rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà Bình Dương cũng như  kinh tế nước nhà.