15:41 20/12/2023

Kinh doanh khấm khá, lợi nhuận trước thuế các "ông lớn" nhà nước vượt kế hoạch 66%

Ánh Tuyết

Năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn quản lý ước đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính EVN), vượt 66% kế hoạch. Trong đó, một số tập đoàn tiêu biểu đạt kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận, có tập đoàn thoát lỗ sau nhiều năm trầy trật. Tuy nhiên, nếu tính số lỗ của "ông lớn" ngành điện lực thì mục tiêu lợi nhuận không đạt kế hoạch đề ra...

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vượt sản lượng khai thác, doanh thu và lợi nhuận đạt được cao nhất trong lịch sử
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vượt sản lượng khai thác, doanh thu và lợi nhuận đạt được cao nhất trong lịch sử

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Đánh dấu tròn 05 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn, nhiều "ông lớn" nhà nước sau khi chuyển về Uỷ ban quản lý chứng kiến hoạt động kinh doanh khởi sắc, một số dự án trọng điểm quốc gia dần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

LỢI NHUẬN VƯỢT KẾ HOẠCH NẾU KHÔNG TÍNH "ÔNG LỚN" NGÀNH ĐIỆN LỰC

Nhìn lại chặng đường năm 2023, lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn cho rằng tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng tác động mạnh hơn tới kinh tế toàn cầu. Nhiều nền kinh tế lớn đối mặt với tăng trưởng thấp, thậm chí rơi vào suy thoái.

Cùng với đó, lạm phát dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, hệ thống ngân hàng, nợ công, nợ của doanh nghiệp đều tiềm ẩn rủi ro. Chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, hàng rào nhập khẩu gia tăng. Trong bối cảnh bấp bênh, đầy biến động này, doanh nghiệp bị đẩy vào khó khăn, khả năng tiếp cận tài chính bị thắt chặt. 

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp chủ động thích ứng, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Cùng với đó, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được ban hành và bước đầu thẩm thấu vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, giữ vững vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, 19 tập đoàn, tổng công ty do Uỷ ban quản lý duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn thông tin về về kết quả sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty.
Lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn thông tin về về kết quả sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty.

Đáng chú ý, thông tin tại hội nghị về kết quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn, cho biết trong năm 2023, tổng doanh thu Công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.135.743,61 tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023 và bằng 96,57% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam), bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế. 

Tuy nhiên, nếu tính cả "ông lớn" ngành điện lực, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 28.661,32 tỷ đồng, mới hoàn thành 89,39% kế hoạch năm 2023 và bằng 133,19% cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu. Còn lại 04 tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (VRG), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Cùng với đó, 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế, riêng Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch.

Do những khó khăn khách quan, một số  tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò trọng yếu như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Vietnam Airlines... làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận của 19 Tập đoàn, Tổng công ty.

Bên cạnh đó, 19 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252,01 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách nhà nước là Mobifone, Vinafood 1.

Điểm danh một số doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2023, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh so với những năm trước, lãnh đạo Uỷ ban nêu rõ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vượt sản lượng khai thác, doanh thu và lợi nhuận đạt được cao nhất trong lịch sử. Tập đoàn cũng đạt tỷ lệ giải ngân cao khi hoàn thành thực hiện đầu tư 8.773 tỷ đồng/9.006 tỷ đồng, tương đương 97% kế hoạch đầu tư;

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành kế hoạch năm trước 2 tháng.

Cùng với đó, Petrolimex nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu 24/24 cho hệ thống phân phối của Petrolimex tại các địa bàn trọng điểm, bảo đảm an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng dầu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm 2023, Petrolimex cũng là doanh nghiệp tiên phong và duy nhất đã triển khai thành công việc phát hành hoá đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng tại tất cả 2.700 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc kể từ 01/7/2023, góp phần xác lập một thị trường kinh doanh xăng dầu lành mạnh hơn, công khai minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Đặc biệt, với sự nỗ lực trong thực hiện tái cơ cấu, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, đến năm 2023, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) có lợi nhuận sau nhiều năm liên tiếp trong tình trạng thua lỗ. 

NHIỀU DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM TẤP NẬP TRIỂN KHAI

Thông tin tại hội nghị cũng cho thấy nhiều tập đoàn, tổng công ty triển khai hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông có đóng góp không nhỏ trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế, góp phần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ

Nổi bật là Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công hai gói thầu Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với “hệ sinh thái kinh tế hàng không”, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, khánh thành dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; việc đưa vào khai thác an toàn máy bay phản lực hiện đại A321 được coi là dấu mốc quan trọng trong ngành hàng không Việt Nam, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, liên kết quốc tế.

Với ưu thế thời gian bay nhanh chóng, tần suất hàng ngày, Vietnam Airlines tin tưởng sẽ là cầu nối hiệu quả để đưa du khách và các nhà đầu tư đến vùng đất Tây Bắc một cách thuận tiện, rút ngắn thời gian, cũng như giúp cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa dễ dàng hơn, “chắp cánh” cho ngành du lịch và kinh tế Điện Biên phát triển.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mở tuyến liên vận đường sắt quốc tế Thạch Gia Trang - Yên Viên. Tuyến vận chuyển mới này đánh dấu sự nỗ lực kết nối của các doanh nghiệp vận tải thuộc VNR và các doanh nghiệp của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc trong việc tổ chức đoàn tàu chuyên tuyến chạy thẳng giữa thành phố Thạch Gia Trang - tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và thành phố Hà Nội (Việt Nam), giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đồng thời, mở ra cơ hội để mạng lưới đường sắt Việt Nam với kết nối với mạng lưới đường sắt xuyên Á và kết nối Á - Âu thông qua đường sắt Trung Quốc.