PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội nghị
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay. Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế: ra đời từ những năm đầu của thập kỷ 40, thuốc kháng sinh là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người như dùng không đủ liều, quá liều, không phù hợp với căn nguyên gây bệnh và lạm dụng kháng sinh trong y tế, trong nông nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Chi phí y tế, tác động kinh tế, xã hội cũng như gánh nặng bệnh tật và tử vong do kháng thuốc ngày càng tăng. Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại Châu Âu: số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm, Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động đến kinh tế, xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ đô la/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ đô la/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.
Hội nghị có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, đại biểu trong nước và quốc tế
Thời gian qua, Bộ Y tế cùng các Bộ liên quan đã phối hợp triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc. Các kết quả đạt được như: tổ chức định kỳ tuần lễ truyền thông Phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam vào tháng 11 hằng năm; xây dựng hệ thống giám sát kháng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh; ban hành và khởi động đề án kiểm soát kê đơn và kháng thuốc theo đơn; tăng cường sử dụng thuốc an toàn hợp lý hiệu quả; hoàn thiện các quy chế chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; quy trình kỹ thuật trong khám, chữa bệnh…. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các đối tác phát triển là WHO, FAO, CDC, OCCRU… đang tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc từ nay đến năm 2020 (Kế hoạch năm 2013 mới chỉ có sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cụ thể hóa vào chương trình kế hoạch hàng năm của từng Bộ, Ban ngành, các đơn vị từ Trung ương đến địa phương. Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc. Hiện nay WHO và FAO đang nỗ lực hỗ trợ các bộ, ngành liên quan của Việt Nam trong thực hiện kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc kháng sinh.