12:30 26/04/2021

Khủng hoảng chip có thể kéo lùi tăng trưởng, đẩy cao lạm phát ở Mỹ

Goldman Sachs cho rằng trong năm nay, khan hiếm con chip có thể trở thành một dạng "thuế lạm phát" ở Mỹ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty.

Tăng trưởng kinh tế có thể giảm tốc và lạm phát có thể tăng lên ở Mỹ do tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện bán dẫn (con chip) đang diễn ra trên toàn cầu - một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng chip này, bao gồm nhu cầu tăng vọt và các nút thắt cổ chai về nguồn cung các sản phẩm chip dùng cho mọi mặt hàng từ ô tô cho tới TV và màn hình máy tính. Chưa kể, các nhà sản xuất sử dụng con chip cho sản phẩm của mình còn phải tích trữ lượng chip đủ dùng trong vài tháng, phong trường hợp nguồn cung gián đoạn.

Với vai trò của con chip trong các hoạt động kinh tế Mỹ, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs lo ngại rằng cuộc khủng hoảng chip có thể gây ảnh hưởng lan rộng trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo báo cáo trên, trong phần lớn thời gian của năm 2021, khan hiếm con chip sẽ trở thành một loại “thuế lạm phát”, kéo theo giá cả tăng tới 3% ở những mặt hàng bị ảnh hưởng. Vì vậy, lạm phát ở Mỹ có thể tăng thêm tới 0,4 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm.

 

Khủng hoảng chip khó có thể khiến kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh. Tuy nhiên các chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng thiếu chip có thể khiến các hoạt động kinh tế Mỹ giảm 0,5-1%.

“Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy tình trạng thiếu cung chip có ảnh hưởng tương đối khiêm tốn đến tăng trưởng GDP và lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng này là một lý do nữa để tin rằng lạm phát lõi ở Mỹ sẽ vững ở mức khá cao trong năm nay”, chuyên gia kinh tế Spencer Hill của Goldman Sachs nhận xét.

Khủng hoảng chip khó có thể khiến kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo tăng bùng nổ trong năm nay, nhưng Goldman Sachs cho rằng ảnh hưởng vẫn sẽ ở mức đáng chú ý. Các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng thiếu chip có thể khiến các hoạt động kinh tế Mỹ giảm 0,5-1%.

“Thiết bị bán dẫn chỉ chiếm khoảng 0,3% sản lượng kinh tế Mỹ, nhưng lại là đầu vào sản xuất quan trọng của 12% GDP”, ông Hill nói, nhấn mạnh rằng khủng hoảng chip có thể khiến sản lượng ô tô của Mỹ giảm 2-6% trong năm nay.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà máy ô tô ở Mỹ đã phải cắt giảm sản lượng vì không có đủ con chip. Hãng Stellantis NV nói sẽ tạm thời cho công nhân nhà máy sản xuất xe Jeep ở Detroit nghỉ việc. Hãng Volvo cũng nói vấn đề chip sẽ khiến hãng phải đóng cửa một số nhà máy cho tới khi vấn đề được giải quyết.

Bất kỳ sự gián đoạn nào trong ngành sản xuất con chip cũng sẽ trở nên ngày càng rõ rệt. “Khi thế giới có sự kết nối lớn hơn, tự động hoá cao hơn và xanh hơn, mỗi đơn vị tăng trưởng GDP sẽ chứa một hàm lượng thiết bị bán dẫn cao hơn. Các mạnh tích hợp đang trở thành hàng hoá đầu vào ngày càng phổ biến của các hoạt động kinh tế”, chuyên gia kinh tế Rory Green của TS Lombard phát biểu.

Ông Green thậm chí gọi con chip là một loại “dầu thô mới”, xét đến ảnh hưởng toàn cầu mà sự gián đoạn nguồn cung chip có thể gây ra.

“Sự thiếu hụt nghiêm trọng thiết bị bán dẫn hiện nay, tình trạng gây ngưng trệ hoạt động sản xuất ô tô ở nhiều nơi, cho thấy tốc độ và quy mô của những thay đổi đang diễn ra”, ông Green nói. “Con chip vốn luôn là một phần quan trọng của ngành sản xuất và trong các thiết bị điện tử tiêu dùng, nhưng việc sử dụng con chip đang ngày càng mở rộng sang hoạt động giao thông-vận tải và các dịch vụ kỹ thuật số”.

Ông Hill của Goldman nói rằng ảnh hưởng lạm phát của khủng hoảng chip có thể sẽ không kéo dài, vì nguồn cung chip nhiều khả năng sẽ được cải thiện vào cuối năm nay và trong năm 2022. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này “là một lý do nữa để tin rằng lạm phát lõi ở Mỹ sẽ ở mức cao trong năm nay”, ông Hill nói.