19:06 01/02/2023

Ngành thuế đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm thu ngân sách trong quý 1

Ánh Tuyết

Thu ngân sách do ngành thuế quản lý tháng 1 ước đạt 165.700 tỷ , tăng 4,4% cùng kỳ với nhiều khoản thu, sắc thuế đạt khá và duy trì đà tăng. Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tập trung nhận diện rõ rủi ro khách quan và chủ quan, chủ động đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm...

Nhiều rủi ro từ tình hình kinh tế thế giới và rủi ro trong quản lý thuế sẽ gây thách thức đến việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách ngành thuế.
Nhiều rủi ro từ tình hình kinh tế thế giới và rủi ro trong quản lý thuế sẽ gây thách thức đến việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách ngành thuế.

Thông tin về tình hình thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý, Tổng cục Thuế vừa cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước đạt 165.700 tỷ đồng, đạt 12,1% so với dự toán pháp lệnh, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2022.

NHIỀU KHOẢN THU LỚN GIỮ ĐÀ TĂNG

Theo đó, thu từ dầu thô ước đạt 5.300 tỷ đồng, bằng 12,6% so với dự toán, tương ứng 167,7% so với cùng kỳ năm 2022; thu nội địa ước đạt 160.400 tỷ đồng, bằng 12% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,1% so với cùng kỳ năm 2022. 

Cũng theo Tổng cục Thuế, so dự toán, có 8/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 8%); trong đó, một số khoản thu lớn như: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 13,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 14,1%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 14,8%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 8,1%; thu phí, lệ phí ước đạt 10,2%; thu cổ tức, lợi nhuận còn lại ước đạt 22,8%; thu khác ngân sách ước đạt 32,8%...

Bên cạnh đó, có 11/19 khoản thu đạt dưới 8% như: thu lệ phí trước bạ ước đạt 7,2%; tiền sử dụng đất ước đạt 6,0%; thuế bảo vệ môi truòng ước đạt 3,1% do thực hiện Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ước đạt 4,4%; tiền bán nhà ước đạt 5,2%; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 2%...

Một số khoản thu lớn đạt khá so với dự toán và tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ. Nguồn: Tổng cục Thuế.
Một số khoản thu lớn đạt khá so với dự toán và tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ. Nguồn: Tổng cục Thuế.

So với cùng kỳ, có 6/19 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tăng 15,3%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước tăng 18,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước tăng 21,1%; thu từ hoạt động xổ số ước tăng 25,3%...

TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NHIỀU DỊCH VỤ THUẾ ĐIỆN TỬ

Về cải cách quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, đã và đang triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Đồng thời, triển khai Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài, Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử.

Theo đó, việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử tiếp tục được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc với trên 99% số doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai, nộp, hoàn thuế điện tử.

Về triển khai Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, tính đến cuối tháng 1/2023, đã có 45 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.

 

Đến nay, đã có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam. Số thu phát sinh trong tháng 1/2023 ước đạt 1.825 tỷ đồng.

(Tổng cục Thuế).

Trong đó, có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam. Số thu phát sinh trong tháng 1/2023 ước đạt 1.825 tỷ đồng.

Về triển khai Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử, đến nay, hệ thống vận hành ổn định đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu kê khai từ các sàn gửi cơ quan thuế. Tính đến cuối tháng 1 đã có 61 đơn vị nộp tờ khai qua cổng.

Về hóa đơn điện tử, tính cuối tháng 1/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 2,67 tỷ hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai chương trình hóa đơn may mắn để nhân rộng và khuyến khích người muc hàng lấy hoá đơn, 100% cục thuế đã hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn quý 2,3 năm2022 và 39/63 Cục Thuế đã hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn quý 4/2022. Theo đó, đã có 3.659 giải thưởng được trao đến tay người tiêu dùng, với số tiền khoảng 8 tỷ đồng.

NHẬN DIỆN RÕ RỦI RO, CHỦ ĐỘNG ĐIỀU HÀNH

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp giao ban của Tổng cục Thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, khẳng định năm vừa qua, ngành thuế đã hoàn thành nhiệm vụ một cách toàn diện trên tất cả các mặt công tác. Đó là cơ sở vững chắc để ngay từ những ngày đầu của năm 2023, toàn ngành triển khai ngay những nhiệm vụ công tác đã đề ra.

Tuy nhiên, trước những dự báo về khó khăn trong năm 2023, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu toàn ngành thuế triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung vào thứ nhất, đối với công tác dự toán thu thuế, cần bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới.

Ngành thuế cần phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước trong tháng 2 và quý 1/2023. 

Thứ hai, đối với công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương thực hiện thanh kiểm tra các doanh nghiệp thuộc kế hoạch của năm 2022 chuyển sang, đảm bảo hoàn thành trong quý 1/2023. Đồng thời, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 đã được phê duyệt.

Thứ ba, tập trung tăng cường chỉ đạo về hóa đơn điện tử, ngoài việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo thông suốt trên toàn quốc.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu các cục, vụ chức năng cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành ngay bộ chỉ số tiêu chí rủi ro, chống gian lận về hóa đơn.

“Đặc biệt, để triển khai thực hiện thành công hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, cần sớm xây dựng, trình Bộ Tài chính công văn gửi các đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực phối hợp với cơ quan thuế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

9 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG QUÝ 1

Tiếp thu những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thông tin thêm về chương trình công tác tháng 2 và quý 1/2023, theo đó, sẽ tập trung vào 9 nhiệm vụ chính.

Một là, bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.

Hai là, rà soát, báo cáo Tổng cục triển khai giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu cho các cục thuế phù hợp với thực tế.

Ba là, triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2023 khi Chính phủ ban hành.

Bốn là, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hóa đơn điện tử.

Năm là, đẩy mạnh áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng... nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Sáu là, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước; tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Bảy là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thủ tục hành chính thuế, các chính sách thuế mới, nội dung sửa đổi, bổ sung trong các chính sách thuế và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế...

Tám là, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.

Chín là, tiếp tục triển khai theo tiến độ các đề án điện tử hóa như: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh; thí điểm khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà; nghiên cứu phương án kết nối với các ngân hàng thương mại để có đầy đủ dữ liệu về người nộp thuế, kiểm soát đầy đủ thu nhập, nghĩa vụ thuế, tránh thất thu ngân sách...