Năm 2023, dự toán thu ngân sách thận trọng, tăng gần 40% chi đầu tư phát triển
Trong bối cảnh năm 2023 nhiều khó khăn, dự toán thu ngân sách nhà nước đặt ra ở mức 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 15% so với dự toán năm 2022 nhưng hụt gần 10% so với ước thực hiện năm nay. Tuy nhiên, ngân sách mạnh tay chi đầu tư phát triển tăng 38% so với dự toán năm 2022, ở mức gần 730 nghìn tỷ đồng..
Bộ Tài chính vừa công khai “Báo cáo ngân sách dành cho công dân - Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 do Quốc hội quyết định”, nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng nắm bắt các thông tin cơ bản về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Với các thông tin được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu thông qua các biểu đồ, đồ họa, báo cáo cung cấp cho người dân những thông tin cơ bản nhất về một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và một số giải pháp chủ yếu điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023.
DỰ TOÁN THU HƠN 1,6 TRIỆU TỶ
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái, giá dầu và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... làm gia tăng rủi ro, khó khăn, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Theo đó, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 được thông qua như: tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được giao, năm 2023 dự toán tổng số thu ngân sách nhà nước 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP.
Cụ thể, thu nội địa 1.334,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước.
Thu từ dầu thô là 42 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, dựa trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 8 triệu tấn, giá dầu bình quân khoảng 70 USD/thùng.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 239 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Còn thu viện trợ 5,5 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo này, dự toán tổng số thu ngân sách trung ương năm 2023 là 863,5 nghìn tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 757,2 nghìn tỷ đồng.
CHI NGÂN SÁCH 2023 TĂNG TRÊN 16% SO VỚI DỰ TOÁN 2022
Dự toán tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022.
Trong đó, đáng chú ý, chi đầu tư phát triển 726,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi ngân sách nhà nước. Theo tính toán, mức chi này tăng 38,1% so với dự toán năm 2022 và cao hơn 290 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện chi đầu tư phát triển năm nay (435,7 nghìn tỷ đồng) vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
Chi thường xuyên là 1.172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022, bao gồm chi tinh giản biên chế. Chi trả nợ lãi 102,9 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với dự toán năm 2022.
Cùng với đó, "chi cải cách tiền lương, lương hưu, điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở 12,5 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trích theo quy định lũy kế đến hết năm 2022", báo cáo nêu rõ. Các khoản chi còn lại khác 61,8 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo cũng cung cấp số liệu về dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 chi tiết theo lĩnh vực, trong đó, khoản chi bảo đảm xã hội lớn nhất là 85,6 nghìn tỷ đồng; chi các hoạt động kinh tế 54,5 nghìn tỷ đồng; chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể 46,9 nghìn tỷ đồng...
Theo báo cáo, bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42%GDP. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương 430,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,18%GDP; bội chi ngân sách địa phương 25,0 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,24%GDP.
Bên cạnh đó, báo cáo còn cung cấp thông tin từ ngày 1/1/2023 thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/ TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Đáng chú ý, việc thực hiện tăng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7/2023 cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
Cùng với đó, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
6 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ
Bộ Tài chính cũng đưa ra một số giải pháp chủ yếu điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023.
Cụ thể, thứ nhất, tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.
Thứ ba, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.
Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ năm, chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Thứ sáu, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.