19:36 27/12/2022

Thu chi ngân sách bằng tiền mặt qua Kho bạc giảm mạnh, dọn đường cho "Kho bạc 3 không"

Ánh Tuyết

"Năm 2022, thu, chi ngân sách bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước lần lượt là 0,16% và 0,36%. Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ sở để Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh lộ trình "3 không", mặc dù tỷ lệ tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa vẫn cao do thói quen và hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng...

Đến năm 2030, hình thành Kho bạc Nhà nước 3 không - không có khách hàng giao dịch tại trụ sở kho bạc; không có giao dịch bằng tiền mặt và không có chứng từ giấy.
Đến năm 2030, hình thành Kho bạc Nhà nước 3 không - không có khách hàng giao dịch tại trụ sở kho bạc; không có giao dịch bằng tiền mặt và không có chứng từ giấy.

Chiều ngày 27/12, Kho bạc Nhà nước tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Với sự nỗ lực cố gắng của toàn hệ thống, sự phối hợp của các ban ngành và đơn vị liên quan, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2022, đặc biệt trong công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa công nghệ thông tin. Đây cũng là một trong 10 điểm nhấn của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong năm 2022.

TỶ TRỌNG CHI BẰNG TIỀN MẶT GIẢM XUỐNG 0,36%

Thông tin tại buổi họp báo, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cho biết Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022.

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 là một cấu phần quan trọng của Chiến lược Tài chính đến năm 2030, có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là cơ sở, là “kim chỉ nam” để Kho bạc Nhà nước tiếp tục xây dựng hệ thống phát triển hiện đại, bền vững.

Trong đó, một trong những mục tiêu cụ thể, quan trọng được xác định đó là hình thành Kho bạc số vào năm 2030. Trên cơ sở đó, Kho bạc Nhà nước đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2222/QĐÐ-BTC ngày 4/11/2022 về việc phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030...

Thông tin về tiến trình hướng đến Kho bạc số, ông Lê Hùng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Pháp chế, Kho bạc Nhà nước, cho biết đề án thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2025 với mục tiêu tạo sự chuyển biển tích cực trong hệ thống Kho bạc Nhà nước và tạo thói quen với khách hàng, những đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước. Đến năm 2025 về cơ bản không còn giao dịch thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Điểm lại một số kết quả đề án này trong năm 2022, theo ông Sơn, đầu tiên là việc hoàn thiện hành lang cơ chế chính sách. Tiếp đó là hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Thứ ba là đẩy mạnh thu chi qua Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức không dùng tiền mặt.

 

"Năm 2022, thu ngân sách bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước chỉ còn 0,16% trên tổng số, giảm 0,17% so với năm 2021. Về  số chi ngân sách bằng tiền mặt, hiện chỉ còn 0,36% trong tổng chi và giảm 0,27% so với cùng kỳ", ông Sơn thông tin.

Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, đảm bảo an toàn chính xác, giảm thiểu rủi ro quản lý tiền mặt; cùng với đó, chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Cùng với đó, góp phần chuyển đổi số hệ thống Kho bạc Nhà nước thành công, đến năm 2030 hình thành Kho bạc số, hình thành Kho bạc Nhà nước "3 không", bao gồm: (i) không có khách hàng giao dịch tại trụ sở kho bạc; (ii) không có giao dịch bằng tiền mặt và (iii) không có chứng từ giấy. 

Nêu rõ thuận lợi trong chuyển đổi số trong hệ thống, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Pháp chế cho biết nền tảng cơ sở công nghệ thông tin của kho bạc được đánh giá tốt, mạng lưới ngân hàng thương mại phối hợp chặt chẽ với các công cụ đáp ứng đầy đủ và chuyển dịch tích cực trong thói quen không dùng tiền mặt trong thanh toán, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Tuy nhiên, "cần mở rộng mạng lưới, tuyên truyền tốt hơn nữa, bởi một số người dân vùng sâu vùng xa, yếu thế vẫn dùng tiền mặt theo thói quen", ông Sơn lưu ý. 

Chia sẻ thêm những khó khăn trong triển khai đề án không dùng tiền mặt, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết: "Hạ tầng thanh toán vùng sâu vùng xa rất khó khăn, gây nhiều thách thức trong hệ thống Kho bạc Nhà nước. Cùng với đó, một số lĩnh vực an ninh quốc phòng lại yêu cầu tính bảo mật".

 CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐẨY NHANH NGÂN SÁCH ĐẾN ĐÍCH

Cũng chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Văn Khoa – Vụ Hợp tác quốc tế Kho bạc Nhà nước khẳng định: "Hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ, với điểm nhấn quan trọng là triển khai thành công diện rộng hai chương trình: (i) Chương trình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung và (ii) Chương trình kiểm soát chi đầu tư để thực hiện kiểm soát, thanh toán các dự án đầu tư công theo phương thức điện tử".

"Kho bạc Nhà nước luôn xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục và được triển khai quyết liệt và đồng bộ cả trong hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ, góp phần quan trọng vào hoạt động cải cách hành chính của ngành tài chính", ông Khoa nhấn mạnh.

Vì vậy, Kho bạc Nhà nước tiếp tục duy trì cung cấp 100% thủ tục qua Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia dịch vụ công trực tuyến (khoảng 97.000 đơn vị); hoạt động giao dịch với Kho bạc Nhà nước 24/7.

Điều này đảm bảo đáp ứng yêu cầu lượng giao dịch lớn trung bình mỗi ngày lên tới 100.000 - 150.000 giao dịch, đặc biệt ngày cao điểm đầu tháng và cuối tháng từ 150.000 - 200.000 giao dịch, ngày cao điểm cuối năm 400.000 - 500.000 giao dịch.

Toàn cảnh buổi họp báo do Kho bạc Nhà nước tổ chức.
Toàn cảnh buổi họp báo do Kho bạc Nhà nước tổ chức.

Cùng với đó, việc áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cũng thể hiện rõ nét hiệu quả, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đến nay, số giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng, đã trở thành phương thức giao dịch chính giữa Kho bạc Nhà nước với các đơn vị sử dụng ngân sách.

Nhờ đó, "đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị sử dụng ngân sách cũng như đưa đồng vốn của ngân sách kịp thời vào triển khai các dự án đầu tư, sớm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, kể cả trong thời gian cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19", ông Khoa nhấn mạnh.

Đối với Kho bạc Nhà nước, thực hiện dịch vụ công trực tuyến góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát và thời hạn kiểm soát. 

Qua dịch vụ công trực tuyến, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước các cấp có thể kiểm tra, giám sát được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê trên cổng dịch vụ công, từ đó, tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Đây là bước đi đầu tiên để thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử trong thời gian tới.

 

Với những kết quả đã đạt được, Kho bạc Nhà nước tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác cải cách hành chính năm 2022; mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong năm 2022 đạt tỷ lệ 94,5%.