Thu ngân sách tháng 1 ước đạt 180.000 tỷ đồng, riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm sâu
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1 ước đạt 183,7 nghìn tỷ đồng, giảm 0,5% so với cùng kỳ. Trong khi nhiều khoản thu chính duy trì đà tăng thì thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm sâu 30,8%...
Liên quan đến tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 1/2023, cập nhật của Tổng cục Thống kê cho thấy thu ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, còn chi ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
THU NGÂN SÁCH THÁNG 1 GIẢM NHẸ
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước đạt 183,7 nghìn tỷ đồng, bằng 11,3% dự toán năm và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa tháng 1/2023 ước đạt 160,4 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán năm và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thu từ dầu thô tháng 1/2023 ước đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán năm và tăng 67,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 1/2023 ước đạt 18 nghìn tỷ đồng, bằng 7,5% dự toán năm và giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đột ngột giảm 17,3% so với tháng trước và giảm tới 25% so với cùng kỳ 2022, trong đó, xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%. Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn thặng dư 3,6 tỷ USD.
Việc suy giảm trên có nguyên nhân trực tiếp do tháng 1/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều diễn ra nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Tổng cục Thống kê cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế có thể phải đối mặt với lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Trước thực trạng xuất, nhập khẩu của quý 4/2022 có dấu hiệu suy giảm, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị sụt giảm đơn hàng, dẫn tới cả nhập khẩu và xuất khẩu đều sụt giảm, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Còn tổng chi ngân sách nhà nước tháng 1 ước đạt 114,9 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán năm và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chi thường xuyên tháng 1 đạt 86 nghìn tỷ đồng, bằng 7,3% dự toán năm và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi đầu tư phát triển đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, bằng 1,8% và giảm 1%. Chi trả nợ lãi 16 nghìn tỷ đồng, bằng 15,6% và tăng 2,6%.
Như vậy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, tính hết tháng 1, ngân sách nhà nước thặng dư 68,8 nghìn tỷ đồng.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH 2023
Bước sang năm 2023, là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước tuy có một số nhân tố tích cực song nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế là 1.373.244 tỷ đồng, trong đó, thu dầu thô là 42.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng. Trước áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu thuế, ngành thuế sẽ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Còn dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội giao cho Tổng cục Hải quan là 425.000 tỷ đồng. Con số này được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6-6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8-9%, kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7-8%.
Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bối cảnh dự báo nhiều khó khăn, Tổng cục Hải quan quán triệt các đơn vị thuộc và trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp.
Đầu tiên là tích cực triển khai là tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 đảm bảo cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.
Bên cạnh việc tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp, ngành hải quan vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, kiểm tra, điều tra chống buôn lậu...