15:46 10/10/2013

Ngoại trưởng Mỹ trấn an châu Á về việc Chính phủ đóng cửa

An Huy

Vấn đề Chính phủ Mỹ đóng cửa và nguy cơ vỡ nợ của Washington được đưa ra trong các cuộc thảo luận tại hội nghị cấp cao ASEAN

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là người thay Tổng thống Barack Obama tham dự hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra ở Brunei - Ảnh: Reuters.<br>
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là người thay Tổng thống Barack Obama tham dự hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra ở Brunei - Ảnh: Reuters.<br>
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng trấn an các nước châu Á rằng Mỹ cam kết giải quyết thế bế tắc về tài khóa. Đây là phản ứng của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi một số nhà lãnh đạo châu Á, bao gồm Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, bày tỏ lo ngại về tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa và nguy cơ vỡ nợ của Washington.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, trong một cuộc họp bên lề hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra ở Brunei, ông Kerry đã nói rõ với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng, tình trạng đóng cửa của Chính phủ Mỹ và mâu thuẫn xung quanh vấn đề ngân sách của Mỹ “là một khoảnh khắc về chính trị ở Washington và tái khẳng định cam kết của Tổng thống sẽ giải quyết vấn đề này”.

Vị quan chức nói trên cũng cho biết, vấn đề trần nợ của Mỹ được “đề cập ngắn gọn” tại cuộc họp này.

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và một số quan chức cao cấp của Trung Quốc những ngày qua đã bày tỏ quan ngại về thế bế tắc đang diễn ra ở Washington. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Bắc Kinh hiện nắm 1,28 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, chưa kể các loại nợ khác do các tổ chức khác ở Mỹ phát hành.

Tính đến hôm nay, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa 9 ngày trong khi nợ công nước này sẽ kịch trần vào ngày 17/10. Lo ngại của giới đầu tư về nguy cơ vỡ nợ của Mỹ nếu các nhà làm luật nước này không đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ đã đẩy tỷ giá đồng USD xuống mức thấp nhất trong 8 tháng so với một rổ tiền tệ mạnh trong mấy ngày gần đây.

Cuộc khủng hoảng ngân sách ở Washington cũng đã buộc Tổng thống Barack Obama phải hủy chuyến đi đã được lên lịch tới hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bali và hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra ở Brunei.

Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino cho biết, Ngân hàng Trung ương nước này đã bắt đầu có những bước đi nhằm phòng ngừa trước ảnh hưởng trong trường hợp Washington vỡ nợ. “Nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ, các bạn sẽ làm gì để bảo vệ mình? Nhưng tôi nghĩ là điều đó sẽ không xảy ra”, ông Aquino nói trước báo giới.

Nhiều nhà ngoại giao cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng có thể xảy đến với các nền kinh tế và thị trường trong khu vực nếu cuộc khủng hoảng về ngân sách của Mỹ tiếp tục kéo dài. “Thế giới đang lo ngại về điều đó và ai cũng lường trước những ảnh hưởng”, một quan chức cao cấp đề nghị giấu tên của Ấn Độ nói. “Mọi người đều lo ngại… Tình trạng này càng kéo dài, thì rủi ro đối với hệ thống tài chính quốc tế càng lớn”.

Tuy nhiên, tình hình ở Washington đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Hôm qua, một trợ lý lãnh đạo thuộc phe Cộng hòa nói rằng, các nghị sỹ của đảng này trong Hạ viện đang cân nhắc việc cho phép nâng trần nợ trong ngắn hạn nhằm “câu giờ” cho các cuộc đàm phán về các biện pháp chính sách rộng lớn hơn.

Chưa rõ liệu nếu thỏa thuận trên đạt được thì trần nợ của Mỹ sẽ được nâng tạm thời trong thời gian bao lâu, vài tuần hay vài tháng. Tuy nhiên, một thỏa thuận giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về nâng trần nợ ít nhất sẽ giúp nước Mỹ thoát nguy cơ vỡ nợ sau ngày 17/10, thời điểm mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jack Lew đã xác định là Chính phủ Mỹ không còn khả năng vay thêm tiền.

10 thành viên khối ASEAN không nói về vấn đề tài khóa của Mỹ trong các cuộc thảo luận chính thức diễn ra hôm nay, nhưng các nhà ngoại giao cho biết, vấn đề này đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận không chính thức. Các chính sách của Mỹ có nhiều ảnh hưởng tới khu vực ASEAN. Một số nền kinh tế trong khu vực như Indonesia và Malaysia đã chứng kiến tỷ giá đồng nội tệ sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây do những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm thu hẹp quy mô của chương trình nới lỏng định lượng QE3.

“Chúng tôi không muốn nói ra là chúng tôi lo về tình hình ở Mỹ, nhưng chúng tôi phải tính đến tất cả những ảnh hưởng có thể xảy đến đối với nền kinh tế của nước mình… Nước Mỹ cần phải hành động”, một nhà ngoại giao cấp cao của Malaysia nói. “Ngân hàng Trung ương của chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những gì diễn ra ở Mỹ”.