Người cầm cổ “găm hàng”, cổ phiếu lợi đà tăng ào ạt
Sau phiên chốt lời nhẹ nhàng chiều qua, thị trường diễn biến khá bất ngờ sáng nay khi áp lực bán không xuất hiện thêm. Độ rộng áp đảo từ phía tăng giá cho thấy lực mua dù thận trọng, nhưng vẫn đang đẩy giá dần lên. VN-Index có thêm hơn 9 điểm trong sáng nay, với số mã tăng nhiều gấp rưỡi số giảm...
Sau phiên chốt lời nhẹ nhàng chiều qua, thị trường diễn biến khá bất ngờ sáng nay khi áp lực bán không xuất hiện thêm. Độ rộng áp đảo từ phía tăng giá cho thấy lực mua dù thận trọng, nhưng vẫn đang đẩy giá dần lên. VN-Index có thêm hơn 9 điểm trong sáng nay, với số mã tăng nhiều gấp rưỡi số giảm.
Diễn biến đáng chú ý nhất phiên là sự thay đổi trong độ rộng thị trường. Vẫn có lực bán, nhưng trọn thời gian phiên sáng, bên tăng giá vẫn áp đảo.
Độ rộng cân bằng nhất là ở thời điểm thị trường lùi lại khoảng 9h50. VN-Index tụt về sát tham chiếu, chỉ tăng 0,77 điểm. HoSE ghi nhận 186 mã tăng/179 mã giảm, dù 15 phút trước vẫn là 220 mã tăng/109 mã giảm. Đây là nhịp bán tạo hiệu ứng tụt giá rõ nhất.
Toàn thời gian còn lại bên mua đã thắng thế và độ rộng mở rộng thêm. Đến cuối phiên sáng, VN-Index tăng 9,2 điểm tương đương 0,73%, độ rộng ghi nhận 247 mã tăng/161 mã giảm. VN30-Index tăng 1,25% với 23 mã tăng/4 mã giảm. Midcap tăng 0,76%, Smallcap tăng 0,71%.
Như vậy nhóm blue-chips vẫn đang dẫn dắt toàn thị trường. Tuy vậy ngay cả ở rổ này thì nhóm vốn hóa trung bình cũng tăng tốt nhất: FPT tăng 5,02%, MWG tăng 4,68%, PNJ tăng 3,76%, ACB tăng 3,46%. Nhóm Top 10 vốn hóa lớn nhất của VN-Index chỉ có VNM, GAS là tăng trên 1%.
Đây cũng là nguyên nhân khiến VN-Index chưa tăng bùng nổ được, trong khi VN30-Index đã tăng trên 1%. VHM tăng rất nhẹ 0,29%, VIC tăng 0,26%, VCB giảm 0,39%, HPG, BID chỉ tham chiếu. Do đà đi lên mới được dẫn dắt bởi các blue-chips vốn hóa trung bình nên cơ hội để VN-Index bùng nổ hơn có thể phải đợi sự khởi động từ các trụ.
Dòng tiền vào rổ VN30 sáng nay cũng khá mờ nhạt, chỉ đạt 2.636,4 tỷ đồng, giảm 6,2% so với sáng hôm qua. SSI thanh khoản lớn nhất rổ chỉ là 288,5 tỷ đồng. Cổ phiếu siêu thanh khoản như HPG chỉ đạt 229,2 tỷ đồng. Nhìn chung thanh khoản thấp vẫn cho thấy nhà đầu tư dè dặt chờ đợi lực xả mạnh tay hơn, nhưng không thấy. Sự thay đổi chiến lược mua vẫn chưa diễn ra mạnh, mới chỉ có các lệnh mua nhỏ nâng giá dần nên thanh khoản tương đối chậm.
Chiến lược mua chậm cũng không khiến giá cổ phiếu tăng nóng hay tăng sốc thời gian ngắn. HoSE kết phiên sáng chỉ có 10 mã kịch trần, 57 mã tăng trên 2% và 47 mã tăng trên 1%.
Khối ngoại sáng nay cũng giao dịch rất dè dặt, tổng giá trị giải ngân tại HoSE mới là 628 tỷ đồng tương đương khoảng 8,4% tổng giá trị sàn. Bán ra đạt 604,3 tỷ đồng, như vậy mức mua ròng là không đáng kể (23,7 tỷ đồng). Chứng chỉ quỹ FUEVFVND tiếp tục “cân” vị thế của khối ngoại khi được mua ròng 111,9 tỷ đồng. Điều đó nghĩa là khối này xả ròng nhẹ đối với các cổ phiếu. VNM được mua ròng tốt nhất với 52,2 tỷ, FRT +26,7 tỷ, SSI +14,7 tỷ, HAH +14 tỷ, các mã còn lại mua không đáng kể. Phía bán ròng có DGC -37,3 tỷ, DPM -27,1 tỷ, VIC -26,3 tỷ, KBC -21 tỷ, KDC -20 tỷ. Nhóm GEX, VRE, NVL, DXG RPB bị bán ròng khoảng 10 tỷ trở lên.
Trạng thái giằng co sáng nay chủ yếu là do tâm lý chờ đợi nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời. Thanh khoản yếu ngay từ sớm và gia tăng rất chậm. Có thể bên mua chỉ chào giá thấp và lượng dư mua lớn quanh tham chiếu hoặc vùng đỏ thể hiện điều đó. Tuy nhiên độ rộng như mới nói ở trên cũng cho thấy người bán không xả khối lượng lớn hạ giá. Trạng thái giằng co này khó kéo dài, vì cuối cùng cũng phải một bên chấp nhận thực tế, nếu muốn giao dịch thành công.