Người dân Anh và du khách đội mưa theo dõi đoàn xe của Vua Charles III
Sau nhiều tháng lên kế hoạch tỉ mỉ, buổi lễ mà nhiều người cho là “dành cả đời để chờ đợi”, Vua Charles III đã đăng quang ngôi vị quốc vương của nước Anh…
Thực tế, không hề có quy định việc tân vương nhất thiết phải tổ chức lễ đăng quang, điều mà nhiều hoàng gia khác ở châu Âu đã không tổ chức để tránh phải thực hiện nhiều nghi thức truyền thống lâu đời. Nhưng đối với tân quân nước Anh, lễ đăng quang là một sự kiện quan trọng có liên quan đến tôn giáo, khi xác nhận chính thức vai trò của Vua Charles III với tư cách là nguyên thủ của một quốc gia, cũng như người đứng đầu Giáo hội Anh.
Nhiều công dân Anh đã đặt câu hỏi về mức độ thích hợp của các nghi lễ xa hoa - do chính phủ Anh chi trả - vào thời điểm mà những tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang lan rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, buổi lễ cũng được cho là nhằm mục đích tôn vinh bản chất của nước Anh đa văn hóa bằng cách kết hợp nhiều cộng đồng và tín ngưỡng vào các truyền thống Cơ đốc giáo lịch sử. Với tư cách là Thủ tướng Vương quốc Anh, ông Rishi Sunak, người theo đạo Hindu, đã đọc to kinh thánh trong buổi lễ. Các nhà lãnh đạo tín ngưỡng khác từ các nhóm Do Thái, Ấn Độ giáo, đạo Sikh, Hồi giáo và Phật giáo cùng nhau tiến vào Tu viện Westminster để chào đón Nhà vua.
Tâm trạng của công chúng ở Vương quốc Anh rất lẫn lộn. Hàng chục nghìn người có thiện chí đã tập trung tại trung tâm London để chào đón Nhà vua trong chuyến hành trình từ Cung điện Buckingham. Người hâm mộ và những người hiếu kỳ đã xếp hàng dài 1,3 dặm trên tuyến đường diễu hành để được nhìn thoáng qua Nhà vua, bất chấp thời tiết mưa phùn điển hình của mùa xuân ở London.
Tờ People cho biết, rất đông khách quốc tế đã đổ về thủ đô London để được tận mắt theo dõi sự kiện đi vào lịch sử này. Đêm hôm trước, nhiều người đã dựng lều, cắm trại bên ngoài cung điện Buckingham, London để giành chỗ ngồi đẹp đón lễ đăng quang của Vua Charles III. Những đám đông khách du lịch mang theo cả trẻ nhỏ đã mặc áo mưa và mang theo ô chờ đợi hàng giờ đồng hồ để đón lễ đăng quang tại đại lộ The Mall.
Tuy nhiên, chỉ cách đó một dặm, nhóm chống chế độ quân chủ Cộng hòa đã dẫn đầu một cuộc biểu tình phản đối lễ đăng quang, dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 125 triệu USD tiền thuế của người dân.
Cơ quan cảnh sát đô thị London (Met) cho biết ngày 6/5 sẽ là chiến dịch an ninh một ngày có quy mô lớn nhất nhiều thập kỷ của lực lượng này, với hơn 11.500 sĩ quan làm nhiệm vụ ở thủ đô. Công tác an ninh càng được chú trọng, sau khi giới chức Anh ngày 2/5 bắt một người đàn ông ngay phía ngoài Cung điện Buckingham với cáo buộc ném các hộp đạn súng ngắn vào khuôn viên cung điện.
Theo Met, họ sẽ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở trung tâm London để phát hiện tội phạm bị truy nã giữa đám đông. Các đội bảo vệ có vũ trang, lính bắn tỉa trên mái nhà và quân đội sẽ có mặt để đảm bảo an toàn cho tuyến đường diễu hành từ Điện Buckingham đến Tu viện Westminster.
Máy bay không người lái (UAV) cũng sẽ được triển khai giám sát đám đông nhằm phát hiện mọi hoạt động bất thường. Trong khi đó, lực lượng chống khủng bố cũng sẽ sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp bị tấn công. Các đơn vị hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân được đặt trong tình trạng cảnh giác cao.
Người dân Anh và khách du lịch không chỉ quan tâm đến lễ đăng quang của nhà vua mà còn nhiều hoạt động bên lề khác sẽ được tổ chức trong hai ngày cuối tuần mừng đất nước có tân vương. Vương quốc Anh còn tuyên bố ngày 8/5 là “Bank Holliday”, một ngày nghỉ lễ chính thức cho toàn dân nhân dịp Vua Charles đăng quang. Cơ quan chuyên về thúc đẩy du lịch tại Anh Visit Britain ước tính lễ đăng quang của Vua Charles có thể mang về nguồn thu 1,2 tỷ bảng (khoảng 1,5 tỷ USD) cho kinh tế nước này.