Những cảm xúc lắng đọng
Nguyệt Cầm – Duy Cường
Nhạc Việt Nam xưa nay thường ít được chuyển soạn thành hòa tấu cho nên cặp CD Nguyệt Cầm của “phù thủy hòa âm” Duy Cường được Phương Nam Film mua lại bản quyền và phát hành ở Việt Nam bỗng nhiên trở thành quà quý, rất đáng sở hữu. Những ca khúc quen thuộc như Tình Cầm, Ru Ta Ngậm Ngùi, Chiếc Lá Cuối Cùng, Nỗi Niềm, Niệm Khúc Cuối, Ngàn Thu Áo Tím… bỗng trở nên lộng lẫy hơn, da diết hơn qua sự “sắp đặt” lại của nhạc sĩ Duy Cường, cách xử lý hợp âm, sử dụng nhạc cụ đầy sáng tạo, đặc biệt mang màu sắc bán cổ điển rất rõ nét với những phần thể hiện giai điệu rất đẹp, rất tình của bè dây hay piano. Nguyệt Cầm như dẫn dắt người nghe vào một không gian hoài cổ, sang trọng và tinh tế, ở đó, họ có thể rũ bỏ mọi mệt mỏi của cuộc sống thường nhật. Bộ album hòa tấu Duy Cường đã từng bán rất chạy ở thị trường hải ngoại, tuy nhiên, khi về tới Việt Nam phải cắt bỏ một số ca khúc nổi tiếng do chưa được cấp phép sử dụng, đây thực sự là một điều đáng tiếc lớn. Một cặp CD đáng có mặt trên kệ đĩa của những người mê nhạc xưa, yêu thể loại hòa tấu.
Wonders – The Piano Guys Album thứ 5 của nhóm nhạc “đi lên” từ youtube đúng là một món quà cho người hâm mộ, vẫn mang phong cách quen thuộc của The Piano Guys - tươi trẻ, đầy hứng khởi và tràn ngập tinh thần đương đại. Đây là một tập hợp những bản nhạc quen thuộc chuyển soạn cho piano diễn tấu cùng cello, kết hợp giữa màu sắc cổ điển và chất rock cuồng loạn. Nổi bật nhất trong album có lẽ là Let It Go, từ bộ phim hoạt hình ăn khách nhất mọi thời Frozen. Các nghệ sĩ trẻ dường như đã lột tả được đúng tinh thần của ca khúc, lại vẽ ra trước mắt người nghe một khung cảnh tuyệt vời với cả tiếng gió rít, tuyết rơi, cây cối xào xạc. Nét giai điệu của Let It Go khi chơi hòa tấu thậm chí còn quyến rũ hơn cả bản có lời. Hai bản nhạc phim khác là Batman Evolution và The Mission cũng không kém phần lôi cuốn, trong khi đó, một chút vocal xuất hiện đầy bất ngờ trong Father’s Eyes khiến cho ca khúc bỗng nhiên nồng nàn và da diết hơn hẳn. Kỹ thuật điêu luyện của các nghệ sĩ được thể hiện rõ nét nhất trong các bản biến tấu từ nhạc cổ điển là Ants Marching/Ode To Joy và Pictures At An Exhibition. Rất đáng thưởng thức…
Shatter Me – Lindsey Stirling Album thứ hai của violinist trẻ tuổi được đào tạo bài bản ở dòng cổ điển nhưng lại theo đuổi classical crossover, giống The Piano Guys, David Garrett, 2 Cellos, Bond hay Vanessa Mae. Với cây đàn của mình, Lindsey Stirling mang đến cho công chúng những gì họ hiếm khi được thưởng thức trước đó: hợp âm mới mẻ, kỹ thuật pizzicato dùng trên giai điệu R&B, bè dây chơi trên nền trống điện tử. Có thể coi đây là một thứ nhạc cổ điển theo lối fusion, biến tấu, pha trộn, hơi khó tiếp cận và đầy tính trải nghiệm. Heist và Roundtable Rival mang đậm phong cách symphonic metal với những cú riff rợn người của guitar hòa quyện cùng tiếng violin lả lướt. Đó chỉ có thể là thứ âm nhạc của những người trẻ dám phá cách, dám vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống để tìm hướng đi khác biệt cho bản thân. Night Vision gợi nhớ đến Michael Jackson, Beyond The Veil gây ấn tượng mạnh với đoạn cao trào như một khúc khải hoàn electronic. Kỹ thuật điêu luyện của Lindsey Stirling được thể hiện rõ nét trong bản Take Flight – có thể coi là hay nhất album. Shatter Me chính là thứ âm nhạc dành cho những người không ngại va đập với cái mới. Hay và thực sự “quái”…
Jazz At The Pawnshop Đậm đà phong cách quý tộc châu Âu, đây là một trong những album hay nhất của dòng nhạc jazz. Ghi âm trực tiếp từ năm 1976 trong một quán bar nhỏ ở Stockhom, Thụy Điển, Jazz At The Pawnshop mang lại một bầu không khí "sống" kỳ lạ đến cho người nghe, với cả tiếng nói cười ồn ã, tiếng vỗ tay, tiếng ly tách chạm vào nhau lanh canh. 9 bản nhạc trong Jazz At The Pawnshop tràn đầy mê hoặc, mở đầu bằng Limehouse Blue với một đoạn solo cực "phê", tiếp theo đó một tổ hợp giai điệu dịu ngọt đến ngất ngây trong I'm Confessin'. High Life giống như bài ca về một đề tài nóng bỏng mà Lars Estrand đã như lên đồng với cây vibes của mình, Take Five được chơi rất nhanh và dồn dập, nghe như jazz hiện đại vậy, còn Everything Happens To Me thực sự là một thành công về mặt tiết tấu. Những giai điệu cứ lả lướt quấn quít lấy người nghe theo từng cung đoạn, không bao giờ cảm nhận được bất kỳ một sự cố gắng nào từ ban nhạc. Có nhiều người lần đầu nghe Jazz at the Pawnshop đã ngỡ đó là một ban nhạc Mỹ lừng danh nào, họ không thể ngờ đó lại là tác phẩm của các tay chơi Thụy Điển từ năm 1976. Một kiệt tác đương đại chưa bao giờ hết ăn khách…
Hoàng Cương