Các nước châu Á chủ động ứng phó với Covid-19
Số ca mắc Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng rõ rệt tại nhiều quốc gia châu Á trong tháng 5/2025. Các cơ quan y tế trong khu vực đang tăng cường giám sát và đưa ra các khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với tình hình hiện tại…

Theo Trung tâm Thông tin Covid-19 của Chính phủ Thái Lan, số ca mắc của nước này có xu hướng tăng rõ rệt trong tuần gần đây (hơn 33.000 trường hợp), nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên tới 71.067 ca. Sự gia tăng đột biến này được cho là liên quan đến các hoạt động tụ tập đông người trong dịp lễ Songkran và sự xuất hiện của biến thể Omicron XEC.
Tiến sĩ Teera Woratanarat, giảng viên Y khoa tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, cho biết chủng XEC có tốc độ lây lan gần gấp 7 lần bệnh cúm. Ông cho biết Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất hiện nay ở tất cả nhóm tuổi, bao gồm trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người trưởng thành và người già. Từ ngày 1/1/2025 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận hơn 108.000 ca nhiễm chủng virus XEC và 27 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Y tế Somsak Thepsuthin cho biết thêm, phần lớn các ca tử vong thuộc nhóm "608", gồm người cao tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai, trong đó riêng người già chiếm tới 80% tổng số ca tử vong.
Mặc dù không gây triệu chứng nghiêm trọng như các chủng trước đó, tốc độ lây nhiễm nhanh khiến XEC trở thành mối lo ngại với các nhóm dân số nguy cơ cao. Giới chức y tế nhấn mạnh người dân không nên chủ quan, đồng thời cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa cá nhân.

Tại Singapore, Bộ Y tế nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh 28% trong tuần từ ngày 27/4 đến ngày 3/5, với hơn 14.200 trường hợp, so với 11.100 ca của tuần trước đó. Bộ Y tế Singapore cho biết nguyên nhân có thể do miễn dịch cộng đồng suy giảm theo thời gian, trong khi tỷ lệ người cao tuổi tiêm mũi tăng cường vẫn còn thấp.
Biến thể chính đang lưu hành tại quốc đảo sư tử là LF.7 và NB.1.8 - đều là biến thể phụ của JN.1. Đây cũng là chủng được sử dụng để bào chế các loại vaccine hiện nay. Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh các vaccine hiện hành vẫn bảo vệ hiệu quả trước nguy cơ chuyển nặng do Covid-19. Singapore hiện khuyến nghị người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh nền hoặc sống tại cơ sở chăm sóc nên tiêm mũi tăng cường sau mỗi 12 tháng.
Theo các số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc công bố, tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 mới ở Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng từ 6,5% lên 16,5% và hiện virus này đã trở thành tác nhân gây bệnh hàng đầu trong số các bệnh nhân khám bệnh tại các cơ sở y tế ở hầu hết các khu vực ở Trung Quốc.
Dù vậy, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cho biết chủng virus SARS-CoV-2 mới ở Trung Quốc lần này chủ yếu là XDV và XDV.1, có đặc điểm nổi bật là khả năng thoát miễn dịch mạnh hơn khiến những người từng mắc bệnh hoặc đã tiêm vaccine cũng có thể lây nhiễm lại. Tuy nhiên, người bệnh sẽ có triệu chứng nhẹ hơn, chẳng hạn như đau họng, sốt nhẹ, ho hoặc thậm chí không có triệu chứng.

Còn tại Hong Kong (Trung Quốc), Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe ghi nhận tỷ lệ mẫu bệnh phẩm hô hấp dương tính với Covid-19 đã tăng gấp 2 lần, từ 6,21% (đầu tháng 4) lên 13,66% (đến ngày 10/5). Có 81 ca nặng được ghi nhận, trong đó 30 người đã tử vong. Phần lớn bệnh nhân là người trên 65 tuổi, có bệnh nền và chưa tiêm mũi nhắc lại trong 6 tháng qua.
Hiện tại, biến thể XDV - một nhánh của JN.1 - là chủng trội tại Hong Kong (Trung Quốc). Tuy chưa có bằng chứng cho thấy XDV gây bệnh nặng hơn, giới chuyên gia vẫn khuyến cáo không được chủ quan trước tốc độ lây lan của virus.
Tại Ấn Độ và Campuchia, số ca nhiễm các biến thể JN.1 và những chủng phụ như KP.2, KP.3 cũng đang gia tăng. Bộ Y tế Campuchia cảnh báo biến thể JN.1 có khả năng lây lan nhanh và tránh né miễn dịch mạnh hơn so với các chủng cũ.
WHO hiện đã xếp JN.1 là biến thể đáng quan tâm. Đến giữa tháng 3/2025, biến thể JN.1 đã được xác định ở hơn 15% các trường hợp mắc trên toàn thế giới. JN.1 dường như dễ lây truyền hơn, nhanh hơn và có khả năng xâm nhập vào hệ thống miễn dịch của con người hơn do đột biến ở protein gai.
Đến nay, các triệu chứng liên quan đến biến thể JN.1 được ghi nhận gồm: Ho khan, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, nhức đầu, đau họng, sốt, mệt mỏi hoặc kiệt sức, mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết hầu hết các trường hợp này đều nhẹ, không cần nhập viện. Người lớn tuổi và người có bệnh nền nên cân nhắc tiêm vaccine tăng cường, đeo khẩu trang và tránh đi lại khi bị bệnh.

Tại Việt Nam, khi không khí du lịch hè bắt đầu sôi động, ngành y tế lại một lần nữa cảnh giác trước nguy cơ Covid-19 quay trở lại. Trong khuyến cáo mới nhất ban hành tháng 5/2025, Bộ Y tế cho biết trong nước không ghi nhận các ổ dịch tập trung nhưng có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần. Tại khuôn viên các bệnh viện những ngày qua, người dân đến khám bệnh cũng đã tích cực đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay.
PGS. Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, cho hay số ca mắc Covid-19 thường tăng lên trong thời điểm chuyển mùa, hoặc vừa trải qua các sự kiện tập trung đông người. Tính từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố và chưa ghi nhận ca tử vong.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế, cũng khẳng định Covid-19 vẫn lưu hành trong cộng đồng với diễn biến tăng giảm theo chu kỳ hoặc mùa, nhưng mức độ nghiêm trọng đã giảm đáng kể so với giai đoạn đầu dịch. Người dân không nên hoảng loạn trước số ca tăng tại các nước láng giềng, còn nhóm nguy cơ cao cần thận trọng và theo dõi sát sức khỏe để được điều trị kịp thời.

Dù vậy, những ngày này, trên các hội nhóm mua bán thuốc online, kit test và thuốc điều trị Covid-19 được rao bán tràn lan, với nhiều mức giá khác nhau. Nhiều người dân đã để lại bình luận tìm mua thuốc điều trị như: Tamiflur, Monulpiravir,... để dự phòng trước mà không quan tâm đến an toàn về kiểm định y tế, chất lượng sản phẩm.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết Covid-19 đã được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, tương tự như cúm, sốt rét, sốt phát ban, sởi, tay chân miệng,... Ngành y tế đã chủ động theo dõi và ứng phó, người dân cũng đã có miễn dịch cộng đồng nên không quá lo lắng, cũng không cần phải mua thuốc để tích trữ. "Nếu phát hiện có triệu chứng, nên đi xét nghiệm và thực hiện việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên," BS. Khanh cho biết thêm.