10:25 23/05/2025

Balenciaga ra mắt giám đốc sáng tạo mới và "cú tất tay" của Kering

Băng Sơn

Balenciaga, một trong những thương hiệu thời trang danh tiếng và gây nhiều tranh cãi nhất, đã có một nhà thiết kế mới vào thời điểm tập đoàn chủ quản Kering đang vật lộn sau kết quả kinh doanh ảm đạm năm 2024, với doanh thu giảm 12%...

Ảnh: WLRN
Ảnh: WLRN

Như lệ thường, khi báo cáo tài chính, Kering không chia nhỏ doanh thu của Balenciaga mà gộp chung với "các hãng khác" bao gồm McQueen, Pomellato và Brioni. Doanh thu tại "các hãng khác" đã giảm 11% trong quý đầu tiên của năm 2025, mặc dù Kering đã công bố hiệu suất "rất vững chắc" của hàng da Balenciaga.

Trong một động thái đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và mở ra một chương mới, tập đoàn sở hữu thương hiệu đã thông báo rằng Pierpaolo Piccioli, người đã chia tay thương hiệu Valentino vào năm 2024, được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo, phụ trách trang phục nữ, trang phục nam, phụ kiện và thời trang cao cấp.

Ông thay thế Demna Gvasalia, nhà thiết kế đã lãnh đạo Balenciaga từ năm 2015, biến thương hiệu này thành một điểm sáng cho cả xu hướng và các vấn đề xã hội. Demna đã tuyên bố vào đầu năm nay rằng ông sẽ rời đi để gia nhập Gucci (cũng thuộc sở hữu của Kering).

Nhờ vào xu hướng underground của Demna, thương hiệu này trở nên nổi tiếng trong giới thời trang đường phố, được đánh giá cao nhờ kiểu may đo quá khổ, giày dép cồng kềnh, áo len in khẩu hiệu và quần jean rách. Trong những năm gần đây, thương hiệu đã vạch ra chiến lược nâng cấp bằng cách đưa thời trang cao cấp trở lại ký hợp đồng với một đội ngũ nữ diễn viên hạng A bao gồm Nicole Kidman, Michelle Yeoh và Isabelle Huppert, và giới thiệu một loạt túi xách sang trọng, bao gồm các mẫu Le Cagole, Rodeo và Bel Air.

Balenciaga ra mắt giám đốc sáng tạo mới và "cú tất tay" của Kering - Ảnh 1

Tuy nhiên, Demna cũng là một người gây rất nhiều tranh cãi, ồn ào trong giới thời trang cao cấp. Mặc dù giúp cho Balenciaga tăng doanh thu gấp 4 lần trong vòng 5 năm, nhưng Demna cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều, khiến cho phong cách của thương hiệu này thay đổi rất nhiều so với định hình ban đầu của nhà sáng lập Cristóbal Balenciaga.

Thêm vào đó, Demna còn là một nhà sáng tạo khá bất ổn về phong độ. Những thiết kế dưới thời của Demna ở Balenciaga được đánh giá là "hit or miss", có nghĩa là có thể cực kỳ thành công, hoặc thất bại thảm hại về danh tiếng cũng như doanh thu.

Nhà thiết kế người Ý Pierpaolo Piccioli sẽ bắt đầu vào ngày 10/7 và trình làng những thiết kế đầu tiên của mình vào tháng 10 trong Tuần lễ thời trang Paris. Ông đã tạm dừng hoạt động trong ngành thời trang kể từ khi chia tay Valentino vào tháng 3/2024, sau 25 năm làm việc tại nhà mốt này và cùng chia sẻ vai trò giám đốc sáng tạo với Maria Grazia Chiuri từ năm 2008 đến năm 2016.

Là một nhân vật được yêu mến trong làng thời trang quốc tế, Piccioli được đánh giá cao đặc biệt là đối với thời trang cao cấp, và vì đã mở rộng thẩm mỹ của Valentino vượt ra khỏi hình ảnh xa hoa trước đây để hướng đến đối tượng khán giả trẻ hơn và đa dạng hơn.

Nhiệm kỳ của ông tại Valentino, đặc biệt là trong mười năm qua, đã chứng kiến sự trở lại táo bạo với thời trang cảm xúc, lấy con người làm trung tâm, nơi vẻ đẹp, sự gần gũi và sự khéo léo trở nên cấp tiến một cách đầy lãng mạn.

Pierpaolo Piccioli, tân giảm đốc sáng tạo của Balenciaga.
Pierpaolo Piccioli, tân giảm đốc sáng tạo của Balenciaga.

Đầu tuần này, ông đã chia sẻ một lá thư phản ánh về cách Cristóbal Balenciaga đã trở thành một chuẩn mực trong suốt sự nghiệp của mình, đề cập rằng bức ảnh đầu tiên từng tải lên trang Instagram cá nhân của mình là một bộ trang phục cưới năm 1967 của bậc thầy người Tây Ban Nha. "Sự đơn giản là một sự phức tạp đã được giải quyết," nhà thiết kế viết. “Di sản và kho lưu trữ của Cristóbal Balenciaga có lẽ là một trong những tuyên bố thời trang có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Balenciaga là như ngày hôm nay là nhờ tất cả những người đã mở đường”.

Tuy nhiên, Piccioli cũng nói rõ trong thông báo ngắn được đưa ra tại Paris, rằng ông sẽ "mang tầm nhìn sáng tạo độc đáo và kinh nghiệm sâu rộng của mình đến Balenciaga, phát huy thế mạnh và thành công mà thương hiệu đạt được trong thập kỷ qua dưới sự chỉ đạo sáng tạo của Demna, đồng thời tiếp nối di sản của Cristóbal Balenciaga và thương hiệu lịch sử của Paris".

Bình luận về việc bổ nhiệm này, Francesca Bellettini, Phó giám đốc điều hành phụ trách phát triển thương hiệu của Kering, gọi Piccioli là “một trong những nhà thiết kế tài năng và nổi tiếng nhất hiện nay”. Bà cho biết: "Sự thành thạo của ông về thời trang cao cấp, tiếng nói sáng tạo và niềm đam mê với nghệ thuật thủ công đã khiến ông trở thành lựa chọn lý tưởng cho thương hiệu".

Balenciaga ra mắt giám đốc sáng tạo mới và "cú tất tay" của Kering - Ảnh 2

Gianfranco Gianangeli, người đã là CEO của thương hiệu này kể từ tháng 1 năm ngoái, cho biết ông "rất hào hứng khi bắt đầu kỷ nguyên mới này tại Balenciaga với Pierpaolo". Lối thiết kế của Pierpaolo Piccioli đặc trưng bởi ba yếu tố: Sắc độ nguyên bản, tính nhân bản, và sự giao thoa giữa cổ điển với đương đại. Không ai dùng màu sắc như ông – rực rỡ nhưng không lòe loẹt, trầm lặng nhưng không buồn tẻ. Ông tái định nghĩa lại khái niệm “lộng lẫy”, biến nó từ một thứ chỉ dành cho giới vương công quý tộc thành biểu tượng của cảm xúc phổ quát.

Ngược dòng thời gian, nhà thiết kế thời trang người Basque Cristóbal Balenciaga lần đầu tiên thành lập doanh nghiệp thời trang của mình với một cửa hàng thời trang tại San Sebastián, Tây Ban Nha, vào năm 1919, và cuối cùng mở cửa hàng thời trang cao cấp của mình tại Paris vào năm 1937 trên Đại lộ George V.

Những tên tuổi như Oscar de la Renta, Pierre Cardin và Emanuel Ungaro nằm trong số những người từng làm việc tại xưởng may của ông, nơi nổi tiếng với các tiêu chuẩn không khoan nhượng và cách tiếp cận kiến ​​trúc trong việc cắt may. Balenciaga đóng cửa vào năm 1968 và nhà sáng lập qua đời vào năm 1972.

 Chiếc áo cưới đỉnh cao của tối giản do nhà sáng lập Basque Cristóbal thiết kế đã được Piccioli chia sẻ trên Instagram.
 Chiếc áo cưới đỉnh cao của tối giản do nhà sáng lập Basque Cristóbal thiết kế đã được Piccioli chia sẻ trên Instagram.

Thương hiệu vẫn im lìm cho đến năm 1986, khi công ty mỹ phẩm Jacques Bogart SA mua lại quyền sở hữu trí tuệ và tiếp tục hoạt động. Dù được hồi sinh và lột xác dưới nhiều thời kỳ – từ Nicolas Ghesquière với tính vị lai, đến Demna với chủ nghĩa phản thời trang gây tranh cãi, Haute Couture vẫn luôn là một khoảng trống lặng lẽ trong di sản của nhà Balenciaga thời hiện đại. 

Balenciaga vì thế cần một người có khả năng thấu cảm di sản, nhưng cũng đủ tinh tế để kiến tạo tương lai – một nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại. Câu chuyện Kering mời Piccioli về Balenciaga được xem là sự kết hợp đầy chiến lược: Một bên là nhà thiết kế tin vào vẻ đẹp nhân văn và tính thẩm mỹ sâu lắng; bên còn lại là một thương hiệu đang cần khơi lại linh hồn Haute Couture – thứ đã từng giúp họ trở thành biểu tượng vượt thời gian trong thế giới thời trang.