09:27 06/06/2018

Quốc hội chưa chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm

Hà Vũ

Theo Bộ trưởng, ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót có những vấn đề gây bức xúc nhân dân và nhiều việc chưa đạt được như kỳ vọng

Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn - Ảnh: Quang Phúc
Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn - Ảnh: Quang Phúc

Với vị trí đứng đầu ngành giáo dục, tôi xin nhận trách nhiệm về những gì ngành chưa làm được, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói trước khi nghe chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội, sáng 6/6.

Ông Nhạ chịu trách nhiệm chính trả lời nhóm vấn đề thứ 4 về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng là vị bộ trưởng thứ tư đăng đàn tại hoạt động chất vấn ở kỳ họp này.

Trong 5 phút phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh giáo dục là lĩnh vực liên quan đến mọi nhà mọi người và liên quan đến tương lai đất nước.

Thời gian qua ngành đã nỗ lực cụ thể hoá các chủ trương đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo và đổi mới sách giáo khoa, đã có kết quả bước đầu, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Khẳng định là ngành luôn nhận được sự đồng hành chia sẻ của nhân dân, tuy nhiên Bộ trưởng nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là lĩnh vực phức tạp, khó, bản thân ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót có những vấn đề gây bức xúc nhân dân và nhiều việc chưa đạt được như kỳ vọng.

"Với tư cách là những người đứng đầu ngành, chúng tôi xin nhận trách nhiệm về những gì ngành chưa làm được, lắng nghe sự đóng góp ý kiến để làm tốt hơn nhiệm vụ của ngành", Bộ trưởng nói và dừng lời để nghe chất vấn trực tiếp.

Trong những chất vấn đầu tiên, các vị đại biểu đề cập nhiều vấn đề, từ thu hút nguồn lực tư nhân, tình trạng sinh viên thất nghiệp, mất bao nhiêu thời gian để đi hết đoạn đường quá độ...

Liên quan đến vấn đề thu hút nguồn lực ngoài nhà nước, Bộ trưởng Nhạ cho biết theo thống kê không chính thức thì học sinh Việt Nam chi đến 3-4 tỷ USD để đi học nước ngoài. Với trách nhiệm làm sao để ngay cả trong nước cũng có nền giáo dục tốt, ngành đã tham mưu, xây dựng đề án để tăng cường thu hút các nguồn lực của xã hội và hiện nay cũng đã có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào giáo dục.

Về câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) là Việt Nam mất bao nhiêu thời gian để đi hết đoạn đường quá độ trong giáo dục, Bộ trưởng khẳng định cần phải có giai đoạn quá độ chứ không phải cứ thấy vướng là làm ngay.

Chúng ta đang ở giai đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ và có kết quả cụ thể, như phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi là thành công mà nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Unicef ghi nhận.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) bình luận: Bộ trưởng nói giáo dục mầm non được Unicef đánh giá cao, ai đánh giá cao tôi không rõ nhưng hiện nay khu vực này nóng và gây nhiều bức xúc nhất. Cả cơ sở vật chất và giáo viên đều chưa đáp ứng yêu cầu, nhà nước chỉ chi có 39%, còn 61% là do dân đóng góp, đó là khu vực đóng góp cao nhất mà lại được đánh giá cao thì tôi không hiểu. Ở đây đang có những bức xúc rất lớn, đại biểu Phong nhấn mạnh.

Thừa nhận vấn đề đại biểu nêu là đúng, Bộ trưởng Nhạ lý giải do chuyển mạnh từ tư thục sang công lập dẫn đến chuẩn bị chưa kịp giáo viên, nhiều nơi chưa được chu đáo, nhiều khu công nghiệp, chế xuất phát triển mạnh dẫn đến không đủ giáo viên, có việc bạo hành trẻ.

Ông Nhạ khẳng định đây là vấn đề cần giải quyết, Bộ đã khảo sát và tham mưu xây dựng môi trường an toàn thân thiện chống bạo hành trẻ.

Theo Bộ trưởng thì khung pháp lý khá đầy đủ, quan trọng là tổ chức thực hiện. Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến đại biểu Phong để làm tốt hơn.

Cũng liên quan đến chất vấn về giáo dục mầm non của đại biểu khác, Bộ trưởng nhận xét giáo dục mầm non đang nổi cộm gây bức xúc. Về cơ bản thì thầy cô tâm huyết yêu nghề mến trẻ nhưng bắt đầu xuất hiện giáo viên mầm non bạo hành trẻ, có những trường hợp không chấp nhận được.

Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo những giáo viên kém phẩm chất phải đưa ra khỏi ngành, những cơ sở vi phạm phải đình chỉ thậm chí đóng cửa. Giải quyết căn cơ theo Bộ trưởng là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch và plhai có chế độ hợp lý. Hiện nay lương giáo viên mầm non thấp quá, chỉ được 2,4 triệu khi ra trường thì rất khó khăn, Bộ trưởng nói.