Rà soát sửa đổi nhiều quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, đào tạo thuyền viên
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 03/2020 ngày 21/2/2020 quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam (Thông tư số 03)...
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Thông tư số 03 cho thấy còn một số bất cập chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cụ thể hoạt động hàng hải như: chưa cập nhật được một số quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), chưa nội luật hoá quy định miễn trừ của Công ước Quốc tế về các tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca thuyền viên (STCW78) trong trường hợp bất khả kháng như: thuyền viên bị tai nạn bất ngờ, thiên tai, dịch bệnh… mà chủ tàu không thể bố trí thay thế, bổ sung được.
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỀU CÓ GIÁ TRỊ 5 NĂM
Một trong những điều khoản sửa đổi liên quan đến quy định về giá trị sử dụng các loại chứng chỉ chuyên môn, nhằm phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn dưới bộ luật; đồng thời, sửa đổi một số quy định về cấp, cấp lại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn để phù hợp, bám sát hơn các quy định của Công ước STCW 78 và các sửa đổi cũng như các hướng dẫn mới của IMO.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, trường hợp tuổi lao động của thuyền viên không còn đủ 5 năm thì thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận khả năng chuyên môn tương ứng với tuổi lao động còn lại của thuyền viên theo quy định của pháp luật về lao động.
Tuy nhiên, tại dự thảo thông tư mới đề xuất giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản, giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt đều có giá trị sử dụng là 5 năm kể từ ngày cấp.
Lý giải điều này, Cục Hàng hải Việt Nam, cho rằng việc quy định hạn của giấy chứng nhận theo tuổi lao động gây hạn chế quyền tham gia lao động của người lao động cao tuổi.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư sửa đổi cũng bổ sung điều kiện cấp lại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên trường hợp trong 5 năm của giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đảm nhiệm chức danh đủ 12 tháng (về thời gian) nhưng hạng tàu thấp hơn theo hướng: cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn phù hợp với hạng tàu thuyền viên đã đảm nhiệm chức danh (thấp hơn hạng tàu tại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cũ), nếu thuyền viên đề nghị.
Ngoài ra, điều kiện cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hoặc máy trưởng các loại tàu theo công suất đều bổ sung điều kiện phải đạt kết quả kỳ thi thuyền trưởng, đại phó tàu hoặc máy trưởng tương ứng loại tàu.
Đối với điều kiện cấp lại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (COC), dự thảo thông tư đề nghị tách quy định thành trường hợp cho rõ ràng và phù hợp với thực tế theo hướng dẫn của STCW.
Theo đó, COC được gia hạn khi còn hạn tối thiểu 6 tháng, trong trường hợp có thời gian đảm nhiệm chức danh tổng cộng 12 tháng trở lên trong thời hạn 5 năm hoặc 3 tháng trong vòng 6 tháng gần nhất.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị bổ sung hình thức hoàn thành bài test, có thể thực hiện trên máy tính với trường hợp đã hết hạn hoặc không đủ thời gian đảm nhận chức danh.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho thuyền viên tàu nhỏ, tàu công vụ, dự thảo cũng đề xuất trường hợp thuyền viên đã có thời gian đảm nhiệm công việc theo chức danh tương tự theo quy định nhưng trên tàu có hạn chế chức danh thấp hơn hạn chế chức danh ghi trên giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, được đề nghị cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn có hạn chế chức danh tương đương với hạng tàu thuyền viên đã làm việc.
Đặc biệt, bổ sung quy định với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hết hạn từ 5 năm trở lên, với các chức danh sỹ quan trở lên phải đạt kết quả thi trong kỳ thi sỹ quan, thuyền trưởng, máy trưởng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định phù hợp với chức danh của giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đã hết hạn.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sỹ quan hết hạn quá 5 năm không đi biển, cần phải thi lại để cập nhật, bảo đảm chất lượng thuyền viên.
NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI VỚI TÀU KHÁCH
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định về định biên an toàn tối thiểu tàu biển.
Trong đó, bổ sung tàu chở khách hoạt động thường xuyên trong một tuyến nhất định, thời gian hành trình ngắn vào nhóm được áp dụng định biên với một số trường hợp đặc biệt. Điều này nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và phù hợp với thực tiễn hoạt động.
Cụ thể, trường hợp tàu khách và tàu khách Ro-Ro có tổng dung tích từ 500 trở lên, tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên hoạt động trên tuyến cố định trong vùng biển Việt Nam, thời gian hành trình theo kế hoạch giữa 2 đầu bến cảng dưới 6 giờ, trên cơ sở đề xuất của chủ tàu, cơ quan đăng ký tàu biển điều chỉnh giảm định biên an toàn tối thiểu của tàu so với khung định biên quy định: 1 thuyền viên bộ phận boong (không áp dụng cho chức danh thuyền trưởng, đại phó), 1 thuyền viên bộ phận máy (không áp dụng cho chức danh máy trưởng).
Ngoài ra, bổ sung quy định về miễn trừ cho phép tàu hành trình khuyết chức danh trong giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu trong trường hợp bất khả kháng như: thuyền viên bị tai nạn bất ngờ, thiên tai, dịch bệnh... mà chủ tàu không thể bố trí thay thế, bổ sung được, để phù hợp với thực tiễn hoạt động và thông lệ hàng hải quốc tế.
Đồng thời, dự thảo thông tư sửa đổi cũng bổ sung quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng tàu khách.
Theo đó, thuyền trưởng tàu khách phải có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của tàu không phải là tàu khách cùng hạng tối thiểu 24 tháng hoặc đã đảm nhiệm chức danh đại phó tàu khách tối thiểu 24 tháng.
Dự thảo cũng rà soát, cắt giảm một số thành phần hồ sơ nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu giấy tờ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.