12:13 28/11/2022

Ưu tiên đầu tư cảng biển Trần Đê thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Xuân Thái

Khu bến Trần Đề (thuộc cảng biển Sóc Trăng) thuộc nhóm dự án ưu tiên đầu tư để trở thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với năng lực thông qua từ 30 – 35 triệu tấn/năm…

Vị trí dự án cảng biển Trần Đề trên bản đồ.
Vị trí dự án cảng biển Trần Đề trên bản đồ.

Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo quyết định phê duyệt chi tiết nhóm cảng biến, khu bến, cầu phao, vùng nước đối với nhóm cảng biển số 5 giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

KHU BẾN TRẦN ĐỀ THUỘC DANH MỤC ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

Cảng biển Trần Đề được quy hoạch tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 gồm 36 cảng biển với 5 nhóm, cảng biển Sóc Trăng thuộc nhóm cảng biển số 5 gồm các cảng biển khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khu cảng Trần Đề được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo phân loại thì cảng biển Sóc Trăng thuộc cảng biển loại III (có 4 loại: đặc biệt, loại I, II và III) đồng thời được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, cùng với các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa (hai cảng biển đặc biệt hiện tại là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu).

Tại điểm 2 mục c điều 1 chương VI của Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng nêu rõ: Khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Nhóm cảng biển số 5 gồm 12 cảng biển, đó là: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang

Dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải tổ chức lấy ý kiến. Cụ thể, đối với nhóm cảng biển số 5 đến năm 2030, sẽ thực hiện đầu tư các bến cảng theo quy hoạch tại các cảng biển đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua.

Bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) được quy hoạch thành cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL và quy hoạch tiềm năng cảng biển đặc biệt.
Bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) được quy hoạch thành cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL và quy hoạch tiềm năng cảng biển đặc biệt.

Dự thảo quyết định cũng nói rõ, đến năm 2050 sẽ đầu tư hoàn chỉnh cảng biển Trần Đề với khu bến cảng, cầu phao, khu nước, vùng nước theo quy hoạch tại các cảng biển đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua. Đặc biệt, sẽ ưu tiên đầu tư bến cảng khởi động tại khu vực ngoài khơi cửa Trần Đề (một trong 9 cửa đổ ra Biển Đông của sông Cửu Long).

Quy hoạch chi tiết theo dự thảo quyết định theo lộ trình như sau:

Giai đoạn 1 từ nay đến 2025: Định hướng quy hoạch khu bến Trần Đề gồm các bến thuộc tuyến sông Hậu về hạ lưu cầu Đại Ngãi (dự án cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh – Sóc Trăng đang chuẩn bị đầu tư – NV) có chiều dài cầu cảng 340 m với, năng lực thông qua từ 2.000.000 – 2.100.000 tấn/năm và tiếp nhận từ 488.000 - 506.000 lượt khách.

Giai đoạn 2 từ 2025 - 2030: Giữ năng lực khai thác như giai đoạn 1, tăng lượng hành khách lên, từ 564.000 - 570.700 lượt khách. Riêng với bến cảng khởi động ngoài khơi Trần Đề, đến năm 2030 tổng chiều dài cầu cảng đạt 2.200 m, năng lực thông qua từ 30- 35 triệu tấn.

ƯU TIÊN KÊU GỌI ĐẦU TƯ

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, khu bến Trần Đề là một trong các dự án được ưu tiên kêu gọi đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025 – 2030.

Theo sau các Quyết định số 1579/QĐ-TTg (như trên) và Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành danh mục kêu gọi đầu tư quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025, cuối tháng 4/2022, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu cảng Trần Đề.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư vào dự án cảng biển nước sâu quốc tế Trần Đề bằng hình thức xã hội hóa.

Cụ thể, khi đầu tư vào dự án, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.

Nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất.

Dự án cảng biển nước sâu Trần Đề đang lọt vào "mắt xanh" của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Dự án cảng biển nước sâu Trần Đề đang lọt vào "mắt xanh" của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cho biết, mục tiêu của Dự án xây dựng cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề) là đầu tư xây dựng cảng biển, khu bến cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển. Tổng diện tích khu vực dự án là 4.550 ha, bao gồm đất bãi bồi, đất rừng phòng hộ...

Giữa tháng 7/2022, Công ty cổ phần tư vấn Xây dựng công trình hàng hải (CBM), đơn vị tư vấn dự án, cho biết cảng biển Trần Đề dự kiến có diện tích khu cảng khoảng 550 ha, với cầu cảng vượt biển dài 16 km. Ngoài cảng còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000 ha, các khu công nghiệp sau cảng tại cửa Mỹ Thanh 4.000 ha…

Theo đơn vị tư vấn và lập báo cáo, cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT… đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng đổng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, khu cảng Trần Đề đóng vai trò thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thu hút hàng trung chuyển đi Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong, đặc biệt tuyến sông Hậu, một trong hai nhánh chính (cùng với nhánh sông Tiền) của sông Mekong chảy vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 12/10/2022, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải với lãnh đạo và sở/ngành tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo về kết quả nghiên cứu, đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, dự thảo quy hoạch chi tiết của tỉnh nêu rõ, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng bao gồm các khu bến cảng Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề cùng các công trình phục vụ quản lý nhà nước; vùng nước cho các công trình hạ tầng hàng hải công cộng, các bến phao, khu neo đậu chuyển tải…

 

Dự thảo quy hoạch chi tiết của tỉnh nêu rõ, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng bao gồm các khu bến cảng Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề cùng các công trình phục vụ quản lý nhà nước; vùng nước cho các công trình hạ tầng hàng hải công cộng, các bến phao, khu neo đậu chuyển tải…

Tỉnh Sóc Trăng cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư vào dự án cảng biển nước sâu quốc tế Trần Đề bằng hình thức xã hội hóa.