18:00 25/09/2022

Sắp cắt giảm thời gian, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính trong kinh doanh hàng hải

Anh Tú

Nhiều hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải được cắt giảm thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bắt đầu từ ngày 30/10 tới đây...

Nghị định 69 sửa đổi một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải quy định tại 5 Nghị định hiện hành.
Nghị định 69 sửa đổi một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải quy định tại 5 Nghị định hiện hành.

Chính phủ ban hành Nghị định 69/2022/NĐ-CP ngày 23/9/2022, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong hàng hải (Nghị định 69). Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10.

Nghị định mới gồm 6 Điều, sửa đổi bổ sung 5 Nghị định quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải (Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017, Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017, Nghị định số 05/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017). 

Đáng chú ý, một số hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải được cắt giảm thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính như: cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển (Nghị định số 37/2017/NĐ-CP); cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên (Nghị định số 29/2017/NĐ-CP).

Ngoài ra, Nghị định 69 còn sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan tới việc công bố mở bến cảng, cầu cảng, bến phao và các khu nước, vùng nước (Nghị định số 58/2017/NĐ-CP); thủ tục giao tuyến dẫn tàu (Nghị định 70/2017/NĐ-CP); thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật chi tiết cảng biển, bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải (Nghị định 58/2017/NĐ-CP); thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải; thủ tục phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm…

 

Những nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 69/2022/NĐ-CP là yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, quy định của thủ tục hành chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính.

Nghị định 69 cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2016/NĐ-CP về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải và Nghị định số 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.

Trong đó, thay thế cụm từ “tối thiểu 5 năm” thành “tối thiểu 3 năm” đối với bộ phận chuyên trách thực hiện thiết lập, vận hành, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải.

Cụ thể, tại Nghị định 147/2018, người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách bộ phận thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải phải tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành bảo đảm hàng hải hoặc công trình thủy và có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo đảm hàng hải tối thiểu 05 năm, tuy nhiên, nghị định mới quy định kinh nghiệm tối thiểu 3 năm.

Tương tự, người được giao phụ trách lĩnh vực cung cấp dịch vụ thông báo hàng hải phải tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kỹ thuật và có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực hàng hải tối thiểu 5 năm nhưng theo nghị định 69/2022 chỉ yêu cầu 3 năm.