14:18 09/11/2022

Cần 400.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng cảng biển, đáp ứng nhu cầu thông qua 1,4 triệu tấn hàng hoá

Anh Tú

Đến năm 2030, tổng nhu cầu đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam lên tới gần 400.000 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp...

Năm 2022, lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Việt Nam đặt mục tiêu đạt hơn 725 triệu tấn. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển đạt 25 triệu TEUs.
Năm 2022, lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Việt Nam đặt mục tiêu đạt hơn 725 triệu tấn. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển đạt 25 triệu TEUs.

Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức hội thảo xin ý kiến về ‘‘Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050’’ và “Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, khẳng định sau 20 năm phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam định hình với quy mô tổng chiều dài trên 90km, đầy đủ các công năng xếp dỡ với năng lực thông qua đạt khoảng 750 triệu tấn/năm.

Đến nay, cảng biển Việt Nam được đầu tư với nhiều bến cảng có quy mô lớn, hiện đại, năng suất khai thác cao tương đương với các cảng biển trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, các cảng biển chính trên cả nước đầu tư, nâng cấp cải thiện căn bản về năng lực, chất lượng dịch vụ đảm bảo tiếp nhận tàu biển trọng tải từ trên 30.000 đến hàng trăm ngàn tấn.

Điển hình như các bến cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận được các tàu biển trọng tải đến trên 214.000 tấn (trên 18.000 Teus). Cảng biển tại Lạch Huyện (Hải Phòng) cũng vừa tiếp nhận tàu trọng tải đến 145.000 tấn (sức chở khoảng 13.500 Teus), đây là tàu có trọng tải lớn nhất từ trước đến nay vào khu vực cảng biển Hải Phòng.

 

Hệ thống cảng biển Việt Nam hàng năm thông qua trên 90% hàng hóa xuất nhập khẩu. Năng lực hạ tầng cảng biển được đầu tư thời gian qua với phương châm đi trước một bước, cũng góp phần tạo thế chủ động cho Việt Nam ứng phó với các vấn đề kinh tế toàn cầu như dịch bệnh Covid-19, dịch chuyển làn sóng đầu tư thu hút mạnh mẽ dòng đầu tư nước ngoài và góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. 

Để góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh tiến trình hình thành mạng lưới vận tải đa phương thức, cảng cạn cũng được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ quan tâm chỉ đạo quy hoạch phát triển đảm bảo kết nối thuận lợi giữa cảng biển với các trung tâm sản xuất tiêu thụ hàng hóa, tổ chức hiệu quả mạng lưới giao thông góp phần giảm thời gian và chi phí vận tải.

Thông tin tại hội thảo cho biết theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017, lĩnh vực hàng hải có 4 quy hoạch, gồm 1 quy hoạch ngành quốc gia và 3 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải được Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, trình đầu tiên và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.

Theo quy hoạch này, dự kiến trong giai đoạn tới, tổng nhu cầu đầu tư hệ thống cảng biển là 398.706 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp.

Trong đó, đến năm 2025 là 147.164 tỷ đồng gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng; đến năm 2030 bổ sung thêm 251.542 tỷ đồng.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

Nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải là tiếp tục tổ chức lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, trong đó, có Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để triển khai cụ thể hóa quy hoạch tổng thể cảng biển, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng cạn đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải giao Cục hàng hải Việt Nam nghiên cứu, làm rõ các ý kiến chuyên ngành, chắt lọc để đưa vào dự thảo, để có quy hoạch chất lượng, khả thi, mang tính đột phá để phục vụ cho sự phát triển nền kinh tế xã hội và là cánh tay đắc lực cho sự phát triển của đất nước, địa phương trong thời gian tới.

 

Về năng lực, mục tiêu đến năm 2030 hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế.

Cụ thể, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.