Thị trường bán lẻ ảm đạm, Starbucks, The Coffee House cũng phải trả mặt bằng
Bất động sản cho thuê bán lẻ khó bật tăng vào cuối năm nay, dù nới lỏng giãn cách xã hội để khôi phục sản xuất đã được thực hiện…
Thị trường bất động sản cho thuê bán lẻ chứng kiến nhiều khách thuê trả mặt bằng trong thời gian qua.
CHỦ VÀ KHÁCH THUÊ ĐÃ CÓ THƯƠNG LƯỢNG
Tiêu dùng giảm mạnh do giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong quý 3/2021 tại TP.HCM, khiến doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 4 tỷ USD, theo Cục Thống kê TP.HCM.
Điều này khiến thị trường bất động sản cho thuê bán lẻ chứng kiến nhiều khách thuê trả mặt bằng trong thời gian qua.
Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngưng tái ký hợp đồng. Chỉ có một số ít khách thuê vẫn hoạt động trong suốt quá trình giãn cách nghiêm ngặt tại TP.HCM là các cửa hàng bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị…
Một môi giới bất động sản đang rao cho thuê 03 căn nhà loại 1 trệt 2 lầu, loại 1 trệt 3 lầu trên đường Lý Tự Trọng, đường Pasteur, đường Phan Chu Trinh tại quận 1, TP.HCM… Đây là những ngôi nhà cho thuê nguyên căn để làm cửa hàng hoặc văn phòng công ty nhỏ. Môi giới này cho biết, đây là những sản phẩm mà khách hàng cũ đã trả lại mặt bằng vì kinh doanh khó khăn.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam, chi phí mặt bằng là một trong những chi phí rất đáng kể trong tổng chi phí của một doanh nghiệp thuộc nhóm ngành ăn uống, dịch vụ. Chính vì vậy, việc trả mặt bằng sớm của một hoặc nhiều địa điểm trong chuỗi cửa hàng được đánh giá là một chiến lược của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ đang cố gắng giữ những cửa hàng hiệu quả để có thể cầm chừng trong thời gian ít nhất 03 tháng tới (tức quý 4/2021), sau đó sẽ có động thái để mở rộng các chuỗi trong năm 2022.
“Ngành nghề ăn uống, dịch vụ đang tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều doanh nghiệp, trong đó, có cả những thương hiệu nổi tiếng, như: Starbucks, The Coffee House…”, bà Trang nhấn mạnh.
Tại khu vực trung tâm TP.HCM, tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa khiến giá chào thuê giảm mạnh. Cụ thể, giá thuê trung bình thực tế của các trung tâm thương mại trọng điểm ghi nhận đạt 30,7 USD/m2/tháng, giảm 18,2% theo quý và 24,8% theo năm, theo JLL Việt Nam.
Nguyên nhân giá cho thuê giảm, theo các đơn vị tư vấn bất động sản, là do các chủ nhà tiếp tục chính sách hỗ trợ khách thuê do giãn cách xã hội kéo dài. Với khách thuê hiện hữu, chủ nhà đã giảm giá đến 70% giá thuê mỗi tháng cho đến khi hoạt động trở lại hoặc trực tiếp miễn phí các tháng vừa qua khi mà các khách thuê không thể mở cửa, song song đó là giảm 50% giá dịch vụ.
Đối với các chủ nhà không giảm giá trên giá chào thuê, họ cũng có các chính sách tốt hơn cho các khách thuê mới, như kéo dài thời gian sửa chữa của khách hàng trong thời gian đầu, hoặc giảm từ 30-50% trong 3-6 tháng đầu tiên cho các hợp đồng kí mới từ 3-5 năm, ghi nhận của Savills Việt Nam.
TRIỂN VỌNG CHƯA KHẢ QUAN
"Trong những ngày đầu nới lỏng giãn cách tại TP.HCM vào tuần đầu tháng 10/2021, doanh thu bán hàng của các cửa hàng ăn uống chỉ ở mức 20-30% so với thời điểm tháng 4, tháng 5/2021 khi việc giãn cách chưa quá nghiêm ngặt và hình thức giao hàng tận nơi vẫn là chủ yếu", bà Võ Thị Khánh Trang cho biết thêm.
Thị trường bán lẻ được kỳ vọng sẽ phục hồi vào quý cuối năm 2021, thời điểm trùng với nhiều lễ hội làm gia tăng nhu cầu của mua của người dân, với điều kiện dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn, việc chi tiêu của người dân cũng sẽ bắt đầu tăng, bù lại nhu cầu mua sắm tiêu dùng bị dồn nén trong sốt thời gian giãn cách vừa qua, từ đó giúp cho các ngành bán lẻ và đặc biệt là ngành ăn uống, dịch vụ có dấu hiệu tích cực hơn.
Với cách nhìn này, nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường bán lẻ tích cực hoạt động M&A, như: Masan mua lại 70% cổ phần Mobicast để mở rộng sang dịch vụ số; Thế Giới Di Động với chuỗi Bách Hóa Xanh cũng ghi nhận mở rộng hoạt động. Tại các thị trường tỉnh, chuỗi siêu thị Go! của Central Group đẩy mạnh mở rộng/trùng tu trong năm tới và tại các khu đô thị, khu du lịch…
Bất chấp dịch bệnh, các thương hiệu nước ngoài là Marc Jacob, Tiffany & Co, Dyson, Under Amour, Champion, Sociollla đã vào thị trường Việt Nam từ năm 2020, thông qua các đối tác phân phối trong nước. Các thương hiệu mới Sephora, Arabica, Bath & Body Work, Prima Donna, Sports Direct dự kiến cũng sẽ vào Việt Nam. Tuy nhiên, công cuộc thâm nhập mới trong ngắn hạn có thể sẽ trì hoãn do những hạn chế về đóng cửa biên giới, theo CBRE Việt Nam.
Do đó, kế hoạch khai trương các trung tâm bán lẻ mới trong quý 4/2021 sẽ tiếp tục bị trì hoãn sang năm 2022, bao gồm trung tâm thương mại Socar Mall và các trung tâm thương mại thuộc khối đế các dự án phức hợp do không đạt được tỷ lệ lấp đầy yêu cầu, theo JLL Việt Nam.
Do ngày khai trương của các trung tâm thương mại mới bị lùi lại, trong ngắn hạn, các cửa hàng thuộc nhóm ngành ăn uống, chuỗi cà phê, siêu thị tiện lợi… sẽ tiếp tục được mở rộng ở mô hình nhà phố thương mại cũng như thị trường tỉnh.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám Đốc, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam, cho biết thị trường bất động sản bán lẻ sẽ tiếp tục trầm lắng trong giai đoạn cuối năm, do tình hình kiểm soát dịch bệnh vẫn trong giai đoạn nước rút.