06:00 12/05/2021

Tp.HCM: Bất động sản bán lẻ trụ vững nhờ thương hiệu ngoại

Ban Mai

Làn sóng mở rộng của các thương hiệu ngoại đang tạo ra những điểm sáng cho ngành bán lẻ…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam đang là thách thức đối với hầu hết các nhà bán lẻ. Thị trường chứng kiến nhiều nhãn hàng, cụ thể là ngành hàng lifestyle (lĩnh vực đời sống), đồ chơi và thời trang như Mumuso, Funny Land và H: Connect... đóng cửa một loạt cửa hàng của họ trong các trung tâm thương mại.

LIÊU XIÊU VÌ DỊCH COVID-19

Theo ghi nhận của các đơn vị tư vấn bất động sản tại Việt Nam: Savills, JLL và CBRE, thị trường bất động sản bán lẻ Tp.HCM không có nguồn cung mới trong quý 1/2021, tổng nguồn cung giữ nguyên ở mức 1.049.023 m2 diện tích thực thuê, tính đến cuối quý .

 

Số liệu từ JLL Việt Nam cho thấy, Tp.HCM có 40 trung tâm thương mại được phân loại là trung tâm thương mại cộng đồng, trung tâm thương mại cấp vùng và trung tâm thương mại siêu vùng. Trong đó, chỉ có 12 trung tâm đạt tiêu chuẩn trung tâm thương mại trọng điểm (không gian mua sắm đáp ứng tiêu chí khắt khe về vị trí, tiện ích, danh tiếng…), nhưng chiếm đến 49% tổng diện tích bán lẻ.

Công suất của các khu thương mại tiếp tục giảm. Tính đến hết quý 1/2021, công suất trung bình toàn thị trường đạt 93%, giảm 01 điểm phần trăm theo quý và 02 điểm phần trăm theo năm. Savills Việt Nam cho biết: các trung tâm mua sắm tại khu vực ngoài trung tâm cũng chứng kiến công suất giảm 01 điểm phần trăm theo quý. Giá thuê trung bình 50 USD/m2/tháng. Các hợp đồng hết hạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách mới.

"Những ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã gây ra khá nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các đơn vị bán lẻ. Thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng, hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh", bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam, nhận định

Trong bối cảnh hoạt động bán lẻ tại khu vực ngoài trung tâm đang gặp khó khăn, các chủ nhà đã chủ động tìm cách hỗ trợ khách thuê như ưu đãi miễn phí tiền thuê trong suốt giai đoạn thi công hoặc áp dụng chiết khấu lên đến 40% trong 2-3 tháng đầu tiên đối với các giao dịch mới.

Bên cạnh đó, nguồn cung tương lai tăng trưởng chậm dưới sức ép của Covid-19 cùng với việc đóng cửa của các cửa hàng. Số liệu cùa Savills Việt Nam chỉ rõ: trong số 11 dự án đã hoàn thành với 159.000m2 diện tích sàn hiệu dụng, chỉ có 03 trên tổng số 11 dự án trên dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2021.

Trong đó, tại khu đô thị Thủ Thiêm, (quận 2, Tp.Thủ Đức), Socar Mall sẽ là trung tâm thương mại đầu tiên dự kiến khai trương trong quý 3/2021 sẽ đem đến hơn 38.000 m2 sàn cho thuê. Mặc dù khối đế thương mại đã hoàn thành ở các dự án hỗn hợp khác vẫn đang trong quá trình tìm kiếm khách thuê và vẫn chưa xác định thời điểm khai trương.

THƯƠNG HIỆU NGOẠI VẪN THẤY TIỀM NĂNG

Theo Cục thống kê Tp.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 1/2021 đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ (quý 1/2020 là âm 1,3%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 56% và tăng 12% theo năm.

Còn theo nhận định của Google Mobility Index, lưu lượng khách mua sắm tại các trung tâm thương mại và khu vực giải trí đã tăng trở lại tại Tp.HCM và Hà Nội, nhưng vẫn còn khá xa so với giai đoạn trước dịch.

Dù vậy, nhờ sự gia tăng của thương mại điện tử sẽ phần nào “giải cứu” thị trường bán lẻ. Số liệu từ Cơ quan Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (iDEA) cho biết đã có 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2020. Doanh thu bán lẻ dự báo vẫn lạc quan khi sẽ có 55% dân số mua sắm trực tuyến vào năm 2025, giá trị hàng hóa, dịch vụ online bình quân hằng năm đạt 600 USD/người.

Cùng với các chỉ số trên, các đơn vị tư vấn bất động sản tại Việt Nam cho rằng phân khúc bán lẻ tại Tp.HCM đang đón nhận nhiều nguồn đầu tư ngoại khi thị trường ghi nhận nhiều giao dịch mở mới. Một số thương hiệu theo chuỗi thuộc về ngành hàng ăn uống, thời trang và phụ kiện. Điều này cho thấy các thương hiệu quốc tế vẫn nhìn thấy tiềm năng tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

 

"Xu hướng khách thuê chủ chốt là thời trang và phụ kiện sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới ở khu vực ngoài trung tâm. Xu hướng này sẽ tác động lớn đến những khách thuê nhỏ lẻ bên trong trung tâm thương mại, nhất là những trung tâm thương mại có tổng diện tích thuê nhỏ. Đến hết năm 2025, thị trường kỳ vọng đón thêm hơn 550.000 m2 diện tích bán lẻ mới".

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam.

Cụ thể, đầu tháng 3 vừa qua, thương hiệu Uniqlo đã khai trương thêm cửa hàng thứ tư, rộng hơn 2.000 m2 tại Vạn Hạnh Mall (quận 10). Decathlon cũng vừa mở thêm cửa hàng thứ hai tại Mega Mall Thảo Điền (Tp.Thủ Đức).

Nhiều chủ đầu tư lớn cũng đang có động thái tái cơ cấu sản phẩm tại thị trường Việt. Trong đó, Central Retail có kế hoạch đầu tư trên 01 tỷ USD vào Việt Nam và trước mắt họ đã cho ra đời nhiều mô hình bán lẻ mới phù hợp với từng địa phương, đánh mạnh vào thị trường tỉnh.

Tập đoàn Aeon ra thông tin phát triển trung tâm thương mại mới tại Tp.Huế và tỉnh Bình Dương trước khi khai trương thêm 01 dự án tại khu vực phía Bắc.

Ngoài ra, các thương hiệu quốc tế tầm trung đến cao cấp như Balenciaga, Tiffany & Co cũng đang có kế hoạch thâm nhập vào thị trường nước ta.

"Các chỉ số bán lẻ phản ứng trái ngược với tình hình Covid-19. Tổng doanh thu bán lẻ vẫn tiếp tục gia tăng khi mà thương mại điện tử và các nhãn hàng quốc tế thâm nhập thị trường. Dù vậy, ngành hàng ăn uống và khu vực ngoài trung tâm thì vẫn đang gặp nhiều khó khăn", bà Từ Thị Hồng An chia sẻ thêm.