11:07 10/01/2023

Thị trường đấu giá xa xỉ đã có một năm “ăn nên làm ra”

Băng Hảo

Bất chấp nguy cơ khủng hoảng vẫn đang lơ lửng, Federica Levato – nhà phân tích tại Bain & Co, cho rằng "những người nghèo và trung lưu chịu ảnh hưởng nhiều hơn, chứ không phải nhóm khách hàng giàu có"…

Ảnh: Artnet News
Ảnh: Artnet News

Các hãng kinh doanh hàng xa xỉ thậm chí có thể còn bán được nhiều hàng hơn so với hồi khủng hoảng 2009, do hiện tại mức độ toàn cầu hóa đã lớn hơn, các thị trường đang bùng nổ có thể bù đắp cho những nơi đang suy giảm. "Nhiều người cho rằng các sản phẩm xa xỉ cũng như bất động sản vậy, vì chúng có thể sang tay”, Gachoucha Kretz, Giáo sư marketing tại Trường kinh doanh HEC Paris cho biết. “Với những mặt hàng không có hạn sử dụng, người mua sẵn sàng bỏ tiền mua. Như tháng 9 vừa qua, một chiếc đồng hồ Cartier Cheich hiếm đã được mua tại phiên đấu giá của Sotheby’s với 1 triệu Euro”.

Sản xuất giới hạn, đề cao tính độc bản đã biến những chiếc túi, những món trang sức, đồng hồ hay xe hơi trở thành khoản đầu tư an toàn và lý tưởng không kém các tác phẩm nghệ thuật. Việc xem các món xa xỉ phẩm như một dạng đầu tư bắt đầu trở thành xu hướng trong tầng lớp siêu giàu. Món đồ càng hiếm càng có giá và dĩ nhiên, nhiều tiền vẫn chưa phải là điều kiện duy nhất để sở hữu được chúng.

Những điều này đã giúp hãng đấu giá Christie's công bố doanh thu kỷ lục 8,4 tỉ USD vào năm 2022, vượt đối thủ Sotheby's - hãng đấu giá cũng đã công bố kết quả tốt nhất từ ​​trước đến nay với doanh thu 8 tỉ USD. Théo đó, Christie's đã thu về 7,2 tỉ USD trong các cuộc đấu giá và 1,2 tỉ USD khác trong doanh số bán hàng tư nhân, vượt qua con số 7,1 tỉ USD mà hãng kiếm được năm 2021 khi đại dịch Covid - 19 tác động nhiều tới hoạt động đấu giá. 

“Năm 2022, bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô đầy thách thức, Christie's đã đạt được doanh thu bán hàng toàn cầu cao nhất từ trước đến nay”, Giám đốc điều hành Guillaume Cerutti thông tin, đề cập tới những thách thức kinh tế do lạm phát và xung đột Nga - Ukraina gây ra. Ông Cerutti ghi nhận khả năng phục hồi của thị trường nghệ thuật và xa xỉ, thành công đáng kể của một số bộ sưu tập nghệ thuật lớn cũng như chuyên môn và nỗ lực làm việc của đội ngũ nhân viên hãng đấu giá này trên khắp thế giới. 

Hãng đấu giá Christie's công bố doanh thu kỷ lục 8,4 tỉ USD vào năm 2022.
Hãng đấu giá Christie's công bố doanh thu kỷ lục 8,4 tỉ USD vào năm 2022.

Đại diện của Christie’s cũng cho biết, phân khúc sản phẩm cao cấp xa xỉ chiếm 36% số người mua mới trong khi danh mục đồ cổ, kỷ vật ghi nhận mức tăng mạnh nhất từ năm 2021 với tổng số tiền lên đến 789 triệu USD trong năm 2022.

Nhóm khách hàng đến từ châu Mỹ có mức chi tiêu 4,55 triệu USD, chiếm khoảng 40% tổng doanh thu, trong khi nhóm khách hàng tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi chiếm 34% doanh thu với 1,8 tỷ USD. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận mức giảm 21% so với năm 2021 với 833 triệu USD. Vào năm 2024, Christie’s dự kiến sẽ mở một trụ sở ở châu Á – Thái Bình Dương với quy mô 4,650 m2 ở Hồng Kông nhằm thu hút người mua tại đây.

Trong khi đó, tuần trước, Sotheby's công bố dự báo tổng doanh thu cuối năm 2022 là 8 tỉ USD, tăng so với 7,3 tỉ USD của năm 2021. Doanh số bán hàng xa xỉ và nghệ thuật của Sotheby’s chỉ kiếm được 6,8 tỷ USD, giảm 7% so với năm ngoái. Tuy vậy, nguồn thu cũng tăng lên đáng kể khi Sotheby’s kết hợp thêm danh mục xe hơi cổ và bất động sản thông qua Sotheby’s Concierge Auctions. Nhà đấu giá thuộc sở hữu của ông trùm viễn thông người Pháp gốc Israel Patrick Drahi cũng lưu ý, cơ sở khách hàng của hãng ở châu Á đang "mở rộng nhanh chóng" và những nhà sưu tập ở đây có mức chi tiêu trung bình/người cao hơn nhà sưu tập ở những nơi khác. 

Nhu cầu đối với đồ sưu tầm, một trong những tài sản thay thế (thuật ngữ dùng để phân biệt với các tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu), đang tăng cao khi giới đầu tư chuyển sang chiến lược phòng thủ chống lạm phát và suy thoái.

 
Thận trọng với những cổ phiếu có giá quá cao, dễ biến động cũng như những trái phiếu có lợi suất thấp, các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến các hạng mục tài sản ở thị trường ngách như rượu quý, giày thể thao và kim cương và thậm chí là thẻ bóng chày.

Điển hình, chiếc váy đính pha lê của minh tinh Marilyn Monroe đã tăng 300% trong thời gian từ năm 1999, lúc nó được bán với giá 1,26 triệu đô la, đến năm 2016 khi nó được bán lại một lần nữa giá 4,8 triệu đô la. Trong cùng thời kỳ, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng ở mức tương đối khiêm tốn, 138%. Darren Julien, người sáng lập hãng đấu giá Julien’s Auction, nơi đã tổ chức đợt bán đấu giá chiếc váy đính pha lê của Monroe lần thứ hai, cho biết thị trường đồ sưu tập từ lâu nằm dưới sự chi phối của những người đam mê sưu tập giàu có.

Nhưng ở đâu tạo ra tiền thì Phố Wall sẽ sớm có mặt ở đó. Mối quan tâm đối với thị trường đồ sưu tập của các công ty đầu tư và quản lý tài sản tăng chậm trong vài năm qua nhưng đã có một sự thay đổi lớn trong 6 tháng qua. Ông Julien cho biết giờ đây, các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang rót tiền vào các bộ sưu tập. Theo ông, các công ty đầu tư đang chiếm khoảng một phần ba số khách hàng mua đồ sưu tập, một xu hướng đang tăng nhanh trong bối cảnh lạm phát của Mỹ dao động quanh mức 8,5%. Mùa thu năm nay cũng được coi là một mùa bội thu của thị trường đồ sưu tập đắt tiền.

Sản xuất giới hạn, đề cao tính độc bản đã biến những chiếc túi, những món trang sức, đồng hồ hay xe hơi trở thành khoản đầu tư an toàn và lý tưởng.
Sản xuất giới hạn, đề cao tính độc bản đã biến những chiếc túi, những món trang sức, đồng hồ hay xe hơi trở thành khoản đầu tư an toàn và lý tưởng.

Các dữ liệu lịch sử cho thấy đầu tư vào những món đồ sưu tập là cách hiệu quả để phòng thủ lạm phát, Theo sàn giao dịch LiveTrade Bordeaux Index, những chai rượu whisky quý hiếm có tốc độ tăng trưởng giá trị trung bình là 19% trong 10 năm qua. Kim cương hồng có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 11% và đã tăng giá hơn 300% kể từ năm 2008 theo nghiên cứu của FCR, một tổ chức thúc đẩy thương mại công bằng và minh bạch cho ngành công nghiệp kim cương màu. Một chỉ số theo dõi thị trường thẻ bóng chày đã tăng 1.000% từ năm 2021.

Trước đây, đồ sưu tầm xa xỉ là sân chơi của một bộ phận nhỏ của những nhà sưu tập hoặc các nhà đầu tư đang tìm kiếm những nơi khác biệt để bảo quản tiền mặt. Giờ đây, các công ty đầu tư chuyên nghiệp đang biến các tài sản thường được tích trữ tư nhân này thành các dịch vụ đa dạng, có thể giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận. Hồi tháng 7, Ben Cleary, nhà quản lý của Công ty đầu tư Tribeca Capital (Bỉ), đã giúp huy động được 50 triệu đô la cho một quỹ đang nắm giữ những viên kim cương tím nhạt quý hiếm, với khoản đầu tư tối thiểu là 1 triệu đô la.

Theo Financial Times, nền tảng đầu tư hàng xa xỉ Luxus, được thành lập bởi Dana Auslander, một nhà quản lý tài sản kỳ cựu từng làm việc cho Blackstone, đang tìm cách tạo ra các cơ hội đầu tư kim cương cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đa số các nhà đầu tư có thể không đủ khả năng mua một viên kim cương màu vàng kích cỡ 11,7 carat, nhưng họ sẽ có thể sở hữu cổ phần của nó và thu được lợi nhuận khi nó được bán. Luxus có kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với viên kim cương “Golden Dahlia” trị giá 1,7 triệu đô la vào đầu tháng 9 tới.