Thị trường lao động quý 2 tiếp tục đà phục hồi
Với đà phục hồi của nền kinh tế, lực lượng lao động, số người có việc làm trong quý 2/2022 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng mạnh…
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022 ngày 6/7, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định với việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động trong quý 2 tiếp tục duy trì đà phục hồi.
Báo cáo cho thấy lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2 năm 2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (tương ứng tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người), lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam).
Cùng với việc gia tăng tỷ lệ người trong độ tuổi lao động, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2 năm 2022 cũng tăng 504,6 nghìn người (tương ứng tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước lên mức 50,5 triệu người.
Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người (tăng 127,9 nghìn người so với quý trước và tăng 673,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước), và ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 376,6 nghìn người so với quý trước và tăng 27,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).
Đáng chú ý, lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng 429,8 nghìn người so với quý trước và tăng 353,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, sự gia tăng này có được là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ, lưu trú và ăn uống trong quý 2 khi các hoạt động kinh tế dần trở lại tốc độ như giai đoạn trước đại dịch.
Ở chiều ngược lại, với nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 2 năm 2022 đã giảm 447,1 nghìn người so với quý trước, xuống còn 881,8 nghìn người.
Theo đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý 2 là 1,96%, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,37% và 2,32%).
“Như vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động đã được cải thiện đáng kể với tỷ lệ này giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn tương ứng là 2,39% và 3,40% ở quý 1 năm 2022”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Một điểm tích cực khác cũng được Báo cáo của Tổng cục Thống kê ghi nhận là không chỉ cải thiện về số lao động có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý 2 cũng có sự gia tăng.
Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 2 là 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý trước và tăng 542 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,5 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng) và Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,38 lần khu vực nông thôn (8,0 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng).
Tuy vậy, quan sát thu nhập bình quân của người lao động theo từng quý trong những năm gần đây, Tổng cục Thống kê nhận định có điểm cần lưu ý. Đó là kể cả những năm chưa chịu tác động của đại dịch Covid-19, biến động thu nhập của người lao động trong quý 2 so với quý 1 năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước.
Trong các năm từ 2019 đến 2021, thu nhập lao động quý 2 thường giảm so với quý 1 do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý 1.
Ngược lại, trong năm nay, thu nhập bình quân của người lao động trong quý 2 không chứng kiến sự sụt giảm so với quý trước như mọi năm mà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý 2 năm nay có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng.
“Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.