15:44 01/12/2023

Thời trang “bắt tay” y học để sản xuất trang phục thông minh

Minh Nguyệt

Sự kết hợp giữa thời trang và y học đang tạo ra một lĩnh vực đầy triển vọng và tiềm năng. Quần áo tích hợp công nghệ, giúp theo dõi sức khỏe cá nhân, mở ra tương lai hứa hẹn cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống...

Ảnh: EE Times Europe
Ảnh: EE Times Europe

Theo trang Fashion United, trước tình trạng biến đổi khí hậu gây ra những đợt nắng nóng ngày càng gay gắt hơn, dòng trang phục thông minh ra đời trước tiên là để tăng khả năng chống chịu của người mặc trước thời tiết khắc nghiệt. Ở Nhật Bản, Workman – thương hiệu chuyên sản xuất đồng phục và giày dép cho công nhân tại các công trường, nhà máy – đã cho ra mắt phiên bản áo bảo hộ lao động có gắn 2 quạt nhỏ ở vạt sau đuôi áo.

Kích thước của 2 chiếc quạt này chỉ bằng lòng bàn tay và sử dụng pin sạc. Quạt có thể hoạt động ở tốc độ khác nhau, có tác dụng thổi không khí bên ngoài vào trong để làm bay hơi mồ hôi và giải tỏa lượng nhiệt phát ra từ bề mặt cơ thể, giữ cho bạn cảm giác mát mẻ và thoải mái. Giá bán lẻ của một chiếc áo như vậy trong khoảng từ 12.000 – 24.000 Yen (khoảng 82 -164 USD). Ông Yuya Suzuki, người phát ngôn của Workman, cho biết chiếc áo quạt này tạo cảm giác giống như khi bạn ngồi quạt mát ở nhà vì quạt gắn trong áo sẽ luôn tạo ra luồng gió thổi mát cơ thể.

Công ty Chikuma có trụ sở ở Osaka thậm chí đã thiết kế mẫu áo khoác dạng ống có tác dụng làm mát cơ thể trong nắng nóng gay gắt mùa Hè. Do hãng MI Creations thiết kế, thiết bị này có cấu tạo chính là một ống màu sáng và có lớp gel bên trong với cấu trúc phù hợp để có thể đeo quanh cổ. Không cần pin và không cần sạc, chỉ cần đặt gel vào tủ lạnh sau 20 phút là có thể sử dụng được trong khoảng một tiếng đồng hồ.

Dòng trang phục thông minh ra đời trước tiên là để tăng khả năng chống chịu của người mặc trước thời tiết khắc nghiệt.
Dòng trang phục thông minh ra đời trước tiên là để tăng khả năng chống chịu của người mặc trước thời tiết khắc nghiệt.

Tại một triển lãm công nghệ ở Tokyo mới đây, công ty Liberta có trụ sở ở thủ đô Nhật Bản đã giới thiệu hàng loạt trang phục, gồm áo thun và găng tay sử dụng các bản in làm bằng chất liệu như xylitol, đem lại cảm giác thoáng mát khi sử dụng, đặc biệt là khả năng thấm mồ hôi. Một số công ty khác thì phát triển dòng quần áo có khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ bên trong để đảm bảo cơ thể luôn ở trạng thái thoải mái, hay các loại áo được tráng men chống khuẩn…

Bên cạnh đó, việc kết hợp thời trang và y học để cải thiện sức khỏe cá nhân đã tạo ra một dòng sản phẩm "Smart Clothing" (Quần áo thông minh). Trong đó có các loại quần áo được tích hợp với cảm biến thông minh để theo dõi nhịp tim, nhịp thở, mức độ hoạt động, và thậm chí cả chất lượng giấc ngủ của người mặc. Các dữ liệu này được truyền về ứng dụng di động hoặc thiết bị khác, giúp người mặc theo dõi sức khỏe của họ và thay đổi thói quen để duy trì một lối sống lành mạnh.

Tại Mỹ, Adriana Vazquez đã bắt đầu lên kế hoạch sản xuất phụ kiện, quần áo vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe những người mẹ ngay từ khi bà còn công tác tại Đại học Pennsylvania (bang Pennsylvania). Về ước mơ đặc biệt này, nữ thạc sĩ ngành thiết kế sản phẩm tích hợp bày tỏ: “Tôi luôn hứng thú với cách chúng ta phát triển công nghệ để phục vụ mọi lĩnh vực, nhất là một ngành có nhiều đóng góp cho cuộc sống như dệt may”.

Ao ngực massage trang bị cảm biến thông minh của Lilu.
Ao ngực massage trang bị cảm biến thông minh của Lilu.

“Đứa con tinh thần” tâm đắc của Vazquez – người sáng lập công ty chăm sóc sức khỏe phụ nữ Lilu - là áo ngực massage trang bị cảm biến thông minh. Dành cho các chị em phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, chức năng chính của áo là masage hỗ trợ điều tiết, kích thích tuyến sữa hoạt động hiệu quả hơn. Sản phẩm được làm từ chất liệu vải đặc biệt. Bề mặt áo tích hợp bảng mạch cảm biến nhạy bén có khả năng thu thập dữ liệu sinh học. Được bổ sung tính năng độc đáo nhưng chất vải vẫn đảm bảo sự thoải mái tối đa cho người mặc, có thể giặt máy. 

Lilu là ví dụ điển hình của xu hướng hiện đại hóa các chất liệu vải vóc sẵn có, giúp chúng ta giám sát chỉ số sức khỏe theo nhu cầu. Không dừng lại ở việc bổ sung tính năng công nghệ tối tân, một nhà khoa học người Mỹ đang muốn mở rộng khái niệm dệt may thông minh. “Chúng tôi vừa khám phá một kỹ thuật dệt độc đáo để sản xuất chất liệu may mặc có khả năng ngăn muỗi đốt”, John Beckmann, Phó giáo sư ngành côn trùng học tại đại học Auburn (bang Alabama, Mỹ), cho biết. 

“Chúng tôi tái lập trình một dàn máy dệt kim công nghệ cao để thử tạo nên hàng loạt kết cấu vải dệt khác nhau. Khi tìm được đúng quy luật liên kết khiến từng sợi vải kết nối chặt chẽ - bền vững hơn, chúng ta có thể tạo thành một lá chắn chống muỗi hữu hiệu”, nhà khoa học chia sẻ. 

Vải thun và polyester cải tiến làm ra bởi nhóm của Beckmann vẫn đảm bảo sự mềm nhẹ, thoáng mát. Nhóm của Beckmann chuẩn bị ra mắt thương hiệu quần áo chống muỗi vào năm tới. “Chúng tôi đặc biệt cân nhắc vấn đề giá thành. Chất liệu cải tiến này sẽ không quá đắt so với phần lớn loại vải thun thông dụng. Trang phục cho trẻ em, người lao động giúp ngăn muỗi đốt sẽ mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, nhất là ở những nước đang phát triển”.

Climfeet tạo ra hiệu ứng nâng và hạ nhiệt hoàn toàn nhờ vào chất liệu cùng lối thiết kế thông minh.  
Climfeet tạo ra hiệu ứng nâng và hạ nhiệt hoàn toàn nhờ vào chất liệu cùng lối thiết kế thông minh.  

Trong khi đó, để bảo vệ con người trước sức ép môi trường, doanh nhân người Pháp Bruno Aubert vừa cho ra đời một loại phụ kiện thú vị không kém: đế giày có khả năng giữ ấm lẫn làm mát cơ thể. Cuối năm 2022, Aubert thành lập Solecooler - công ty đặt trụ sở tại Pháp - với mặt hàng bán chạy tiêu biểu là đế giày nhiệt động học 2 mặt có tên Climfeet. Mặt nâu đỏ của sản phẩm có khả năng giữ ấm tăng cường đến khoảng 4 độ C. Ngược lại, mặt xanh giúp giảm nhiệt độ trong giày xuống 3,5 độ C. 

Theo các chuyên gia, sự hợp tác giữa các nhà thiết kế thời trang và các chuyên gia y tế sẽ càng phát triển. Những xu hướng này có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và đóng góp vào mục tiêu làm cho ngành thời trang trở nên bền vững và thân thiện hơn với sức khỏe của con người.

Tuy nhiên, song hành với việc quần áo thông minh và thiết bị đeo thông tin sức khoẻ trở nên phổ biến, bảo vệ quyền riêng tư và an toàn dữ liệu trở thành một thách thức lớn. Cần có biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo rằng thông tin cá nhân không bị thất lạc hoặc lạm dụng. Ngoài ra, công nghệ mới thường đi đôi với chi phí cao và điều này có thể tạo ra khoảng cách tiếp cận giữa nhóm người có thu nhập cao và thu nhập thấp. Điều này cũng gây ra một thách thức về công bằng xã hội trong việc hưởng lợi từ các tiến bộ trong lĩnh vực thời trang và y học.