16:59 22/11/2023

Từ vỏ tôm và bã cà phê đến vòng gọi vốn 4,15 triệu USD

Băng Hảo

Tháng 2 năm nay, thương hiệu thời trang nữ Di Petsa mang tới Tuần lễ thời trang London một mẫu váy cúp ngực dáng dài được sáng tạo bởi một loại vải mới, nhìn qua không khác gì các loại vải da truyền thống...

Ảnh: Tômtex
Ảnh: Tômtex

Tuần trước, Tômtex - doanh nghiệp sản xuất vật liệu sinh học bền vững được sáng lập bởi nữ doanh nhân người Việt Uyên Trần, có trụ sở tại New York, đã công bố kết thúc vòng gọi vốn Seeding và nhận được mức đầu tư 2,25 triệu đô la Mỹ đến từ quỹ Happiness Capital. Đây là đơn vị đầu tư nhiều nhất cho Tômtex ở vòng gọi vốn này.

Cùng với Happiness Capital, cũng đặt niềm tin vào tầm nhìn lẫn sứ mệnh của Tômtex, là các quỹ đầu tư lớn khác như công ty đầu tư mạo hiểm SOSV, tổ chức phi lợi nhuận về môi trường có trụ sở tại Hoa Kỳ - Parley for the Oceans, và MIH Capital. Như vậy, TômTex đã huy động được tổng số tiền lên 4,15 triệu đô la Mỹ, với 1,9 triệu đô có được từ vòng trước đó.

Hiện tại, nguyên liệu phân hủy sinh học tự nhiên của Tômtex được chia thành hai dòng tùy theo nguồn gốc xuất xứ. Đó là dòng WS làm từ phế liệu vỏ hải sản và dòng M mới làm từ nấm. Dẫn xuất chitosan sau đó được trộn với các nguyên liệu cấu thành khác (cũng thân thiện với môi trường) trong quy trình hóa học “xanh 100%” để tạo ra vải dệt.

Theo Fashion United, công ty khởi nghiệp gần đây đã thành công trong việc sản xuất vật liệu cuộn liên tục đầu tiên, với độ dài liên tục khoảng 30m trong lần thử nghiệm đầu tiên. Kế hoạch tiếp theo là đạt được cột mốc mới trong việc sản xuất, với độ dài lớn hơn gấp 10 lần. Theo Tômtex, thì điều này sẽ đánh dấu cho sự khởi đầu của quá trình sản xuất với quy mô lớn mạnh hơn, nhằm phục vụ các đơn đặt hàng thương mại lớn hơn. 

Hiện tại, nguyên liệu phân hủy sinh học tự nhiên của Tômtex được chia thành hai dòng: WS làm từ phế liệu vỏ hải sản và dòng M làm từ nấm.
Hiện tại, nguyên liệu phân hủy sinh học tự nhiên của Tômtex được chia thành hai dòng: WS làm từ phế liệu vỏ hải sản và dòng M làm từ nấm.

Eric Ng, đối tác của quỹ Happiness Capital chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng được trở thành một đối tác quan trọng trong hành trình của Tômtex. Công nghệ vật liệu sinh học của họ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, không chỉ vì khả năng tồn tại trên thị trường mà còn vì tính bền vững. Đầu tư vào TômTex có nghĩa là đầu tư vào một nền tảng có thể mở rộng, có tiềm năng cách mạng hóa các ngành công nghiệp, đồng thời tạo ra tác động tích cực đến môi trường sống của chúng ta”.

Sản phẩm sinh học TômTex được sáng lập vào năm 2020 bởi Uyên Trần và Atom Nguyen, một người gốc Việt khác từng làm việc tại Gap với tư cách là chuyên gia marketing. Họ gặp Ross McBee - khi đó đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ sinh học tại Đại học Columbia, tại một vườn ươm khởi nghiệp. Anh tham gia với tư cách là người đồng sáng lập thứ ba sau khi tốt nghiệp vào năm 2022.

Ý tưởng về vật liệu TomTex được hình thành từ chính những bộ quần áo second-hand - đồ cũ bỏ đi từ các nước phương Tây. Uyên Trần luôn trăn trở về vấn đề ô nhiễm môi trường tại những bãi tập trung phế thải sản phẩm may mặc làm từ polyester và vải tổng hợp cùng quá trình làm việc với các loại da thật, da nhân tạo. Loại vật liệu này sẽ không bị phân huỷ trong vòng 500 năm khi bị đào thải ra ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Từ vỏ tôm và bã cà phê đến vòng gọi vốn 4,15 triệu USD - Ảnh 1
Từ vỏ tôm và bã cà phê đến vòng gọi vốn 4,15 triệu USD - Ảnh 2
 

Sản phẩm sinh học TômTex đến từ hai nguồn chính là chitin, được dẫn xuất từ vỏ hải sản và sợi nấm. Đầu tiên họ chiết xuất chitosan sau đó kết hợp với chất kết dính sinh học, đem trộn cùng chất màu tự nhiên như cafe. Hỗn hợp này đổ vào khuôn, phơi khô ở nhiệt độ phòng trong khoảng 2 - 3 ngày là có thể sử dụng. Quá trình này không cần nhiệt bởi thế tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải carbon.Vật liệu tạo ra cũng có khả năng chống nước tự nhiên, một tính năng có thể được nâng cao bằng cách phủ thêm một lớp sáp ong lên trên.

Khi một sản phẩm của Tômtex đã hết tuổi thọ, Uyên khẳng định nó có thể được tái chế hoặc để phân hủy sinh học. Uyên giải thích: “Vật liệu sinh học Tômtex tái chế có hiệu suất và chất lượng cao giống như vật liệu ban đầu, vì vậy nó tối đa hóa vòng đời của sản phẩm đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, tôi không tin vào việc thiết kế thứ gì đó tồn tại mãi mãi. Nếu Tômtex được đưa vào bãi rác, nó sẽ phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên trong vài tháng và có thể hoạt động như một loại phân bón cho cây trồng”.

Với những ưu điểm thân thiện với môi trường, TômTex đã nhận các giải thưởng trong làng thời trang thế giới như LVMH Innovation Award (giải thưởng ủng hộ các sáng kiến và ý tưởng đổi mới), quán quân CFDA K11 Innovation dành cho tư duy thiết kế sáng tạo trong các hệ thống thời trang bền vững từ hiệp hội Thời trang Mỹ (CFDA)... Chất liệu xanh từng xuất hiện trên sàn diễn New York Fashion Week 2022 và được nhà thiết kế Peter Do tôn vinh trong bộ sưu tập Xuân-Hè 2023. Nhà sáng lập Uyên Trần cũng lọt vào danh sách những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á của Forbes năm 2022 (Forbes Under 30 Asia 2022).

Tômtex là doanh nghiệp sản xuất vật liệu sinh học bền vững được sáng lập bởi nữ doanh nhân người Việt Uyên Trần, có trụ sở tại New York.
Tômtex là doanh nghiệp sản xuất vật liệu sinh học bền vững được sáng lập bởi nữ doanh nhân người Việt Uyên Trần, có trụ sở tại New York.

Nếu mọi việc thuận lợi, Uyên ước tính TômTex sẽ bắt đầu sản xuất và thương mại hóa vào năm 2024. Cuối năm nay, TômTex dự kiến sản xuất khoảng 1.000m2 vật liệu đầu tiên, có thể lên tới 10.000m2 vào cuối năm sau và 1 triệu mét vuông vào cuối năm 2024. Ngoài thân thiện với môi trường, chất liệu của TômTex còn có ưu điểm về chi phí - rẻ hơn khoảng một nửa so với các loại da thông thường vì nguyên liệu từ phụ phẩm rẻ hơn và quy trình sản xuất không mất nhiều chi phí nhân công.

Uyên cho biết, việc tìm ra vật liệu không chỉ đến từ khát vọng thành công còn đến từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. “Tôi muốn tạo dựng được doanh nghiệp đề cao giá trị con người và đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu”, Uyên Trần nói. Theo cô, sản phẩm “da vỏ tôm, bã cà phê” này được làm từ nguồn nguyên liệu 100% tự nhiên vốn rất dồi dào, không bao gồm bất kỳ loại nhựa dẻo nào để tạo nên chất liệu bền vững. “Khách hàng mục tiêu của chúng tôi là các hãng thời trang cao cấp, các nhà buôn và nhà phân phối hàng dệt may. Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào thương mại điện tử”.

“Đây là loại vật liệu mới, chứ không phải là một sự thay thế”, Uyên Trần chia sẻ. Cô đặc biệt nhấn mạnh, TomTex có thể điều chỉnh công thức sản xuất để cho ra đời các loại vải đúng yêu cầu của khách hàng. Dù hiện tại, vải từ vỏ tôm của TomTex mới được sử dụng trong ngành thời trang, nhưng Uyên Trần hình dung, trong tương lai không xa, loại vật liệu mới này sẽ có ích với nhiều ngành khác như sản xuất vỏ điện thoại hay một số bộ phận trong ngành công nghiệp ô tô.