16:41 03/01/2017

Tiểu đường - “bệnh không của riêng ai”

PV

Tiểu đường - “bệnh không của riêng ai” - Ảnh 1

Đái tháo đường có thể gặp ở trẻ em

Bệnh tiểu đường, còn gọi là đái tháo đường hay bệnh dư đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước.  Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương... Có 2 tuýp bệnh đái tháo đường chính, đó là: - Đái tháo đường tuýp 1, trước đây gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin. Bệnh thường gặp ở người trẻ dưới 30 tuổi, nguyên nhân là do thiếu insulin gần như hoàn toàn nên bắt buộc phải điều trị bằng insulin từ đầu. - Đái tháo đường tuýp 2, trước đây gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin. Bệnh thường gặp ở người trên 30 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do kháng insulin và có thể do cả thiếu insulin. Có thể điều trị bệnh bằng chế độ ăn và các thuốc uống nhưng cũng có thể phải điều trị bằng insulin. Bệnh tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn tuýp 1, chiếm khoảng 75-85% tổng số bệnh nhân tiểu đường.

Tiểu đường - “bệnh không của riêng ai” - Ảnh 2

Lối sống khoa học, tập luyện có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Tiểu đường không chỉ xảy ra ở người cao tuổi Khi bước vào tuổi trung niên, các chức năng của cơ thể thường suy yếu dần, cùng với chế độ ăn uống dư thừa chất béo và đường, người cao tuổi dễ mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, phần lớn mọi người đều nhầm tưởng rằng bệnh tiểu đường chỉ xuất hiện ở người cao tuổi. Song thực tế, đái tháo đường xuất hiện ở mọi độ tuổi. Bệnh cũng có thể gặp ở trẻ em, trẻ lứa tuổi vị thành niên hay người trưởng thành. Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ tuổi vị thành niên hay thậm chí là trẻ dưới 5 tuổi được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2. Vào những năm 1976-1980, rất hiếm trường hợp bị bệnh tiểu đường tuýp 2 ở độ tuổi dưới 40 tuổi. Nhưng nay, rất nhiều người mắc bệnh khi mới 25-30 tuổi. Năm 2004, Việt Nam phát hiện ra người trẻ nhất mắc đái tháo đường tuýp 2 khi mới 11 tuổi. Trước thập niên 90, trên 95% trẻ em bị tiểu đường là tuýp 1. Gần đây, số lượng trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên, bị tiểu đường tuýp 2 rất cao và có xu hướng tăng nhanh. Có khoảng 10 – 15% trẻ em mắc bệnh trên tổng số người mắc bệnh tiểu đường.

Tiểu đường - “bệnh không của riêng ai” - Ảnh 3

Người bệnh tiểu đường nên “kết thân” với một thực đơn lành mạnh

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh  Đối với bệnh tiểu đường tuýp 1 thì nguyên nhân chính gây bệnh là do tụy không tiết đủ insulin hoặc do tế bào không sử dụng được insulin, khiến cơ thể thiếu hụt lượng insulin cần thiết, làm tăng đường huyết và gây tiểu đường. Bệnh tiểu đường tuýp 2 được gây ra bởi sự ảnh hưởng của quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể làm cho cơ thể tạo nên sức đề kháng đối với insulin. Nguyên nhân của bệnh tiểu đường hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có thể là do di truyền, nếu cha mẹ bị bệnh tiểu đường thì con của họ sẽ dễ có khả năng cao bị bệnh. Một nguyên nhân khác là do lối sống, bao gồm chế độ ăn và tập luyện, cũng giữ một vai trò quan trọng. Đái tháo đường tuýp 2 có khuynh hướng dễ xảy ra hơn ở người thừa cân, béo phì. Thói quen sống thiếu lành mạnh là nguyên nhân chính khiến tiểu đường sớm tìm đến giới trẻ. Lối sống thay đổi là một trong những nguyên nhân khiến số người mắc tiểu đường gia tăng và trẻ hóa. Hiện nay, nhiều người 'nạp' quá nhiều năng lượng, trong khi lại lười vận động; lạm dụng rượu, bia. Điều này khiến năng lượng dư thừa và tích lũy, làm tăng lượng mỡ trong có thể, gây tình trạng kháng insulin và rối loạn chuyển hóa. Lâu dần dẫn đến bệnh tiểu đường. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, vì thời gian học tập của trẻ quá nhiều, thời gian rảnh lại chơi game, xem ti vi… không vận động thể dục thể thao. Ngoài ra, trẻ ăn thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh quá nhiều cũng là những nguyên nhân hàng đầu gia tăng tỷ lệ béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Có nhiều trường hợp phát hiện tiểu đường từ giai đoạn trẻ sơ sinh (0,3%) hoặc trẻ dưới 2 tuổi (8%).

Tiểu đường - “bệnh không của riêng ai” - Ảnh 4

Chủ động thăm khám định kỳ để phòng bệnh tiểu đường

Cần phòng ngừa sớm  Mặc dù hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi bệnh tiểu đường nhưng trên 60% trường hợp có nguy cơ mắc bệnh là có thể phòng tránh được. Để phòng ngừa, việc đầu tiên và cần thiết là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, định kỳ kiểm tra sức khỏe tổng quát và thực hiện các xét nghiệm về đường huyết hay trong nước tiểu. Mọi người cần có thói quen vận động, lao động tích cực, nên hướng tới một môn thể thao yêu thích và tập luyện đều đặn. Ngoài ra, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tiểu đường sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh và từ đó góp phần làm giảm các biến chứng nguy hiểm. Thường xuyên tham vấn ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc, chế độ ăn để có được sự điều trị hợp lý.
Dấu hiệu bệnh tiểu đường
Người bệnh đái tháo đường thường có những dấu hiệu sau:
- Đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm, nước tiểu có thể có kiến hoặc ruồi bâu
- Thấy khát nước liên tục, đặc biệt thích uống nước đá hoặc nước ngọt
- Rất chóng đói, có khi vừa ăn xong 1-2 giờ đã lại thấy đói cồn cào.
- Luôn thấy mệt mỏi, có cảm giác không đủ sức làm việc gì.
- Gầy sút cân dù ăn rất khoẻ.
- Nhìn mờ một hoặc cả hai mắt.
- Da hay có mụn nhọt hoặc ngứa nhiều.
Tuy nhiên các triệu chứng này thường chỉ rõ ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Có nhiều bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 chỉ thấy người không được khoẻ trong thời gian khá dài nhưng không biết là do đường máu của họ cao. Vì vậy, nếu thấy người mệt hoặc có ít nhất 1 trong các dấu hiệu trên thì nên đi đo đường máu hoặc khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán đái tháo đường.


Huyền My (TH)