14:08 14/01/2010

Vay cầm đồ lên ngôi tại Mỹ

Mai Phương

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Mỹ tìm đến với các tiệm cầm đồ để vay tiền với lãi suất “cắt cổ”

Một tiệm cầm đồ của công ty Cash America ở bang Texas.
Một tiệm cầm đồ của công ty Cash America ở bang Texas.
Trong bối cảnh các ngân hàng thắt chặt hầu bao và các công ty thẻ tín dụng thắt chặt rút bớt hạn mức cho vay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Mỹ tìm đến với các tiệm cầm đồ để vay tiền với lãi suất “cắt cổ”.

“Số khoản vay cầm đồ đã tăng 20-25%”, ông David Crume, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà cầm đồ Mỹ, ước tính.

Giám đốc của hiệp hội này, bà Dana Meineke, cho biết, nền kinh tế suy yếu và những khó khăn trên thị trường tín dụng đã giúp mở rộng số lượng khách hàng của các tiệm cầm đồ. “Chúng tôi có thêm nhiều khách hàng mới”, ông Daniel Feehan, Chủ tịch kiêm Giám đốc của Cash America International, một hiệu cầm đồ ở Fort Worth, bang Texas, nói.

Tỷ lệ thất nghiệp cao chắc chắn là một lý do quan trọng giúp các tiệm cầm đồ đông khác, nhưng còn một lý do nữa giúp lĩnh vực này ăn nên làm ra thời gian qua là việc giá vàng tăng cao. Cuối năm 2009, giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 1.200 USD từ mức 860 USD hồi đầu năm. Với mức giá vàng kỷ lục, nhiều người đổ xô mang đồ trang sức cũ tới tiệm cầm đồ để vay tiền nhanh. Số tiền mà họ vay được bằng cách cầm cố nữ trang khi giá vàng cao chắc chắn nhiều hơn ở thời điểm giá vàng thấp.

Cũng giống như ở nhiều nơi khác trên thế giới, các tiệm cầm đồ ở Mỹ kiếm tiền bằng cách cho khách hàng vay những khoản ngắn hạn dựa trên các tài sản cầm cố như nữ trang, hàng điện tử, dụng cụ, nhạc cụ, và các hàng hóa khác. Ngoài ra, họ cũng có thể mua hàng trực tiếp từ khách với mức giá càng rẻ càng tốt. Thời hạn của các khoản vay cầm đồ thường là 3 tháng, với mức phí cất giữ đồ và lãi suất ở mức 10-20% mỗi tháng tính trên giá trị khoản vay. Nếu khách hàng không thanh toán đúng hạn, chủ hiệu cầm đồ có thể bán tài sản thế chấp của khách đó.

Mặc dù lãi suất cho vay cầm đồ cao hơn nhiều lãi suất cho vay ngân hàng hoặc vay trên thẻ tín dụng, ưu điểm của hình thức cho vay này là nhanh chóng, không đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp, lại không ảnh hưởng gì tới điểm tín dụng cá nhân. Tuy nhiên, nhược điểm của vay cầm đồ là con nợ rất dễ bị mất tài sản thế chấp, có khi là nhà hoặc xe.

Tại Mỹ, vàng là một trong loại tài sản thế chấp được sử dụng phổ biến trong vay cầm đồ, đồng thời, trang sức vàng chính là nguồn lợi nhuận chính của các tiệm cầm đồ.

Là một công ty cầm đồ có mạng lưới rộng ở Mỹ và Mexico, First Cash Financial mới đây đã tăng dự báo lợi nhuận cho năm tài khóa 2009 và 2010 nhờ sự khởi sắc doanh thu thời gian qua. “Trong quý 4 năm ngoái, doanh thu của chúng tôi cao hơn dự kiến”, ông Rick Wessel, Giám đốc của First Cash Financial, cho biết. Công ty này dự báo, tăng trưởng lợi nhuận quý 4/2009 sẽ đạt mức 20-26%, cả năm tài khóa 2009 đạt 14%, và cả năm tài khóa 2010 đạt mức 16%.

Các đối thủ của First Cash Financial thậm chí còn dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn. Cash America và EZCorp cho hay, mức tăng trưởng lợi nhuận của họ trong năm 2010 có thể lên tới 20%. Giá cổ phiếu của các công ty cầm đồ năm qua tăng mạnh, như cổ phiếu của Cash America tăng 28%, của First Cash tăng 16%, của EZCorp tăng 13%, và được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong năm nay.

Tuy nhiên, suy thoái vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới ngành cầm đồ ở Mỹ. Do cắt giảm chi tiêu, nhiều khách hàng cầm đồ chỉ muốn vay những khoản vay nhỏ, trong khi khách hàng mua các món đồ thanh lý từ tiệm cầm đồ cũng trả giá thấp hơn trước kia. Các công ty cầm đồ hy vọng, tình trạng này sẽ được cải thiện khi nền kinh tế phục hồi.

Một trở ngại nữa đối với ngành cầm đồ ở Mỹ hiện nay là vấn đề pháp lý. Ngoài cho vay cầm đồ, ba công ty cầm đồ đã niêm yết trên thị trường chứng khoán là Cash America, First Cash và EZCorp còn có dịch vụ cho vay “nóng”, với thời hạn thường là 30 ngày, không cần thế chấp, lãi suất từ 10-20% tính theo mỗi hai tuần, tương đương với mức lãi suất trên 300%/năm. Để ngăn chặn sự nở rộ của dịch vụ cho vay “cắt cổ” này, một số bang như Ohio đã thiết lập mức trần lãi suất cho vay “nóng”.

Hạn chế như vậy khiến các công ty cho vay “nóng” khó kiếm được lợi nhuận từ hình thức cho vay này, buộc họ phải ngừng dịch vụ này tại một số bang. Trong khi đó, ước tính, dịch vụ vay “nóng” chiếm 35% doanh thu của Cash America, 22% doanh thu của EZCorp, và 10-12% doanh thu của First Cash. First Cash mới đây đã đóng cửa 22 cửa hàng cho vay ‘nóng” ở các bang California, Washington và Oregon để tránh vấp phải những rắc rối về pháp lý.

Các chính  trị gia của Mỹ hiện đã đề xuất áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động cho vay “nóng” trên phạm vi toàn liên bang. Một dự luật về vấn đề này đang được Quốc hội Mỹ thảo luận.

(Theo Time)