Vì sao ông chủ Circle K quyết tâm thâu tóm 7-Eleven?
Công ty Alimentation Couche-Tard (ACT) của Canada đã chủ động đưa ra một đề xuất mới cho Seven & i Holdings, doanh nghiệp Nhật Bản sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Mức đề nghị đã tăng 22% lên khoảng 47 tỷ USD, tương đương 18,19 USD/cổ phiếu…
Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của một công ty Nhật Bản với đối tác nước ngoài. Đây cũng sẽ là thương vụ thâu tóm xuyên biên giới lớn nhất toàn cầu năm nay. “Mức giá mới rõ ràng là hấp dẫn hơn nhiều so với đề xuất ban đầu. Mặc dù vẫn còn một số rào cản pháp lý, nhưng hội đồng quản trị của Seven & I nên cân nhắc thêm để xem liệu thỏa thuận có khả thi hay không”, ông Manoj Jain, nhà đồng sáng lập và giám đốc đầu tư của Maso Capital tại Hồng Kông nhận xét.
Seven & I cho biết trong một tuyên bố rằng đề xuất mới là riêng tư và không ràng buộc, đồng thời công ty dự định giữ bí mật các cuộc đàm phán theo yêu cầu của Couche-Tard. Cổ phiếu Seven & I “nhảy vọt” gần 12% ngay sau tin tức, nhưng sự hưng phấn đã giảm bớt phần nào vào cuối ngày. Cổ phiếu chốt phiên tăng 4,7% lên 2.335 yên/cổ phiếu (15,7 USD). Điều này một lần nữa cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ về khả năng thành công của thương vụ.
Hồi tháng 8, ACT đề xuất mua Seven & I Holdings với giá khoảng 38 tỷ USD. Một tháng sau đó, Seven & I từ chối với lý do "định giá thấp" công ty. Trong thông báo hôm 6/9, Seven & I Holdings cho biết họ luôn "cởi mở và cân nhắc chân thành" với bất kỳ lời đề nghị nào có lợi nhất cho các cổ đông. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ từ chối những đề xuất không đánh giá đúng giá trị thực của công ty, hoặc không giải quyết được các lo ngại pháp lý", thông báo viết.
Đề xuất mua lại của ACT được đưa ra khi một số cổ đông của Seven & I, như quỹ đầu tư ValueAct Capital và Artisan Partners, cho rằng công ty này nên tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là cửa hàng tiện lợi. Năm 2021, Seven & I mua Speedway - công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi tại các trạm xăng ở Mỹ với giá 21 tỷ USD. Seven & I còn sở hữu các siêu thị, một ngân hàng và chuỗi nhà hàng…
Seven & I hiện có 85.000 cửa hàng tiện lợi tại 20 quốc gia. Họ muốn mở rộng con số này lên 100.000 tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2030. Trong khi đó, ACT hiện có khoảng 17.000 cửa hàng tại 30 quốc gia, với các thương hiệu Couche-Tard và Circle K. Trong tài khóa kết thúc vào tháng 4/2024, Alimentation Couche-Tard đạt doanh thu 69,2 tỷ USD. Còn doanh thu của Seven & I trong tài khóa kết thúc vào tháng 2/2024 là 11.000 tỷ Yên (75 tỷ USD).
Theo tờ Nikkei Asia, lợi nhuận hoạt động quý 2 của Seven & I có khả năng giảm 20% so với cùng kỳ năm trước do lạm phát ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng tại thị trường Mỹ. Tới đây, công ty có thể sẽ công bố kế hoạch bán một phần cổ phần ngân hàng Seven Bank và đơn vị siêu thị của mình trong báo cáo tài chính sắp tới, ông Travis Lundy của Quiddity Advisors lưu ý trong một ghi chú trên nền tảng Smartkarma. Doanh nghiệp cũng đang cân nhắc việc thay đổi tên để phản ánh sự tập trung vào mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi, theo báo cáo của TV Tokyo.
Hãng tin Bloomberg nhận định rằng vị thế của các cửa hàng 7-Eleven như một biểu tượng không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản đồng nghĩa với việc thương vụ này gần như là “bất khả thi”, dù có áp lực về việc các doanh nghiệp trong nước cần thể hiện sự cởi mở đối với đề xuất mua lại từ nước ngoài. "7-Eleven là một trong những chuỗi bán lẻ truyền thống tốt nhất thế giới. Việc bán 7-Eleven cho Couche-Tard đối với Nhật Bản sẽ chẳng khác nào biến Toyota trở thành một công ty nước ngoài”, Hiroaki Watanabe, một nhà phân tích độc lập về ngành bán lẻ, nhận xét.
Trên thực tế, 7-Eleven bắt nguồn là một chuỗi cửa hàng tiện lợi của Mỹ do Southland Corporation điều hành tại Dallas vào năm 1927và chính thức đến năm 2005, 7-Eleven mới thuộc sở hữu hoàn toàn của Nhật Bản thông qua tập đoàn Seven & i Holdings. Kể từ đó, các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven dần trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật Bản.
Với nhịp sống hối hả và thời gian làm việc kéo dài, hệ thống cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7 giúp người dân dễ dàng có được bữa ăn nhanh đồng thời hoàn tất các việc lặt vặt hàng ngày như gửi bưu kiện và thanh toán hóa đơn. Một chi tiết đáng chú ý khác là những cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven luôn được nhắc đến là một phần không thể thiếu trong dịch vụ ứng phó khẩn cấp của Nhật Bản, đặc biệt trong việc cung cấp nhanh chóng các nhu yếu phẩm sau thảm họa thiên nhiên.
Không chỉ mỗi Nhật Bản, chuỗi cửa hàng 7-Eleven còn tạo dựng được danh tiếng và vị thế dẫn đầu ở nhiều thị trường nước ngoài khác như Thái Lan và Đài Loan. Mạng lưới 7-Eleven ở Thái Lan lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Nhật Bản và Mỹ, với tổng cộng 14.500 cửa hàng hiện nay. Còn ở Đài Loan, 7-Eleven lại được ca ngợi là một điểm đến du lịch không nên bỏ qua. Bởi lẽ, hệ thống ở Đài Loan có những nét độc đáo riêng mà chưa nơi nào có: đó là 100 cửa hàng theo chủ đề hoạt hình vô cùng đáng yêu...
ACT, với giá trị thị trường lên đến 57,53 tỷ USD, cũng đã nhanh chóng mở rộng vị thế của mình trong ngành nhiên liệu và cửa hàng tiện lợi trong vài năm trở lại đây. Song song với công bố đề xuất cùng Seven & I, Couche-Tard cũng thông báo về việc sẽ mua lại chuỗi 270 trạm xăng GetGo từ nhà điều hành siêu thị Giant Eagle. Năm ngoái, tập đoàn đã mua hơn 2.000 địa điểm trạm xăng ở châu Âu từ TotalEnergies SE.
Nếu thương vụ 7-Eleven thành công, Couche-Tard chắc chắn sẽ có thể nâng tầm vị thế của mình trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới. Tập đoàn có thể sử dụng quy mô mới của mình để cạnh tranh giá với các đối thủ khác trên thị trường và thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, Michael Causton, đồng sáng lập công ty nghiên cứu JapanConsuming, đã gọi đề nghị mua lại của ACT là một “giấc mơ viển vông" và sẽ khó có thể thành hiện thực. Ông Causton dự đoán thương vụ sẽ đối mặt với sự phản đối của gia đình sáng lập Masatoshi Ito, những người hiện vẫn sở hữu 8,1% cổ phần (tương đương khoảng 3,1 tỷ USD) trong Seven & I. Nhìn từ góc độ rộng lớn hơn, có hàng loạt lập luận chỉ ra rằng chính phủ Nhật Bản sẽ không muốn để một nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu nằm trong tay người nước ngoài.
Trước đó, ACT cũng từng thất bại trong nỗ lực mua lại công ty bán lẻ Carrefour của Pháp với giá 20 tỷ USD, khi chính phủ Pháp thẳng thừng từ chối vì lo ngại an ninh lương thực.