Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao
Theo WHO, năm ngoái có khoảng 8,2 triệu người mới được chẩn đoán mắc bệnh lao, con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995, tăng so với mức 7,5 triệu người được báo cáo vào năm 2022…
"Bệnh lao vẫn khiến nhiều người tử vong là một thực tế thật đáng buồn. Bởi chúng ta có đủ công cụ để phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, phát biểu ngày 30/10. Số ca nhiễm tăng cao khiến lao trở thành bệnh truyền nhiễm chết chóc nhất trong năm 2023, vượt qua Covid-19, với 1,25 triệu người qua đời. Do lao có thể mất nhiều năm mới gây tử vong, các nhà khoa học chưa thể ước tính tác động thực sự của mầm bệnh. WHO cho rằng con số mắc bệnh thực tế có thể lên tới 10,8 triệu người.
Báo cáo cho biết, việc xóa sổ bệnh lao vẫn là một mục tiêu xa vì cuộc chiến chống lại căn bệnh này đang phải đối mặt với những thách thức dai dẳng như tình trạng thiếu kinh phí. Cũng theo WHO, các mốc quan trọng và mục tiêu toàn cầu nhằm giảm gánh nặng bệnh tật đang đi chệch hướng và cần phải đạt được những tiến bộ đáng kể để đạt các mục tiêu khác đã đề ra vào năm 2027. Các nước có thu nhập thấp và trung bình, chịu 98% gánh nặng của căn bệnh này, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính lớn.
Hiện Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao và 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Năm 2023, ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Trong đó, lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao phát hiện. So với miền Bắc và miền Trung, dịch tễ lao tại miền Nam nặng nề hơn rất nhiều. Tại một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ như An Giang và Cần Thơ, số ca lao phát hiện và tỷ lệ mắc lao trên dân số năm 2023 lần lượt là 5.467 (270/100.000 dân) và 2.713 (218/100.000 dân), và trong một số khu vực, nhóm nguy cơ cao có tỷ lệ mắc bệnh lao rất cao, khoảng 400 - 500/100.000 dân.
Đáng chú ý, số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (năm 2023 phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thế). Như vậy, sẽ có hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để phát hiện bệnh lao, xét nghiệm Xpert MTB/RIF là xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán lao và lao đa kháng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo từ tháng 12/2010. Đến nay trên thế giới đã có khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện xét nghiệm này. Tại Việt Nam, xét nghiệm Xpert MTB/RIF đã được Chương trình Chống lao Quốc gia (Chương trình Chống lao Quốc gia) triển khai từ năm 2011 tại Labo lao chuẩn Quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã và đang lắp đặt đưa vào sử dụng, quản lý 332 máy GeneXpert tại 182 điểm máy triển khai trên toàn quốc. Số lượng xét nghiệm toàn quốc tăng dần theo từng năm, 2023 đã thực hiện 452.279 xét nghiệm trên cả nước, tăng hơn 113% so với năm 2022.
Giữa tháng 10 vừa qua, tại Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức Hội nghị triển khai Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao và giao ban sơ kết Chương trình Chống lao quốc gia năm 2024. TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia, cho biết Chương trình ngoại kiểm MTB/RIF của Bệnh viện Phổi Trung ương đã cung cấp bộ mẫu ngoại kiểm các nước như: Lào, Myanmar, Philipines, Bangladesh, Papua New Guinea trong các năm gần đây.
Năm 2024, Bệnh viện Phổi Trung ương vẫn duy trì hai hoạt động cung cấp bộ mẫu ngoại kiểm cho 2 nước Bangladesh, Papua New Guinea với hơn 200 bộ mẫu và hỗ trợ tư vấn công nghệ sản xuất bộ mẫu cho Phillippines. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của CDC-US Việt Nam, chương trình đang trên lộ trình mở rộng, phát triển trở thành trung tâm ngoại kiểm khu vực với các xét nghiệm phân tử mới như Xpert MTB/XDR, Truenat MTB/RIF và cung cấp dịch vụ trong nước trong năm 2024 và dự kiến có thể cung cấp cho các đơn vị ngoài nước trong những năm tiếp theo.
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động thăm khám, điều trị, từ năm 2023, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM đã triển khai việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đọc phim và chuẩn đoán bệnh này, nhằm hỗ trợ các y bác sĩ nâng cao năng lực, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Việc áp dụng nằm trong kế hoạch triển khai chuyển đổi số của bệnh viện nói riêng và của ngành y tế thành phố nói chung.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao TP.HCM, việc ứng dụng AI trong việc tầm soát bệnh lao được chứng minh là hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng cường độ chính xác... Với những nỗ lực của toàn ngành y tế TP.HCM, trong năm 2023, chương trình chống lao của thành phố đã tầm soát bệnh bằng AI cho hơn 70.000 người tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và trong cộng đồng.
Bước sang năm 2024, kể từ tháng 3, mô hình sử dụng AI tích hợp vào các thiết bị X quang để tầm soát bệnh lao tiếp tục được mở rộng ra nhiều cơ sở y tế khác trên địa bàn thành phố. Chương trình đã tầm soát cho những người có nguy cơ mắc lao cao gồm người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao, người mắc các bệnh như HIV, viêm gan siêu vi B/C, các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người trên 60 tuổi, đặc biệt là những người có triệu chứng nghi lao như ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, sốt về chiều, đổ mồ hôi đêm,…
Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, Phụ trách phòng khám lao động thuộc trung tâm y tế quận 8, TP.HCM: “Nếu như trước đây, bệnh nhân phải đợi kết quả chụp X-quang đến hàng giờ đồng hồ thì hiện nay, với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết quả được trả trong vài giây. Từ đó, người bệnh có cơ hội được chăm sóc nhanh chóng, không phải ngồi chờ. Cơ sở khám chữa bệnh cũng giảm được nhiều áp lực”.
Cùng với những tiến bộ về khoa học, công nghệ và quá trình chuyển đổi số quốc gia, áp dụng trong ngành y tế, điển hình như việc áp dụng AI trong tầm soát bệnh lao tại TP.HCM đang đem đến những cơ hội được chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả nhất cho người bệnh. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng y tế cho toàn xã hội. Đây cũng là phương hướng mà nhiều cơ sở y tế trong cả nước đang hướng tới hiện nay.