16:04 16/10/2024

Nên khám sức khỏe trước khi tham gia giải chạy?

Hoài Phương

Khi phong trào chạy bộ tăng lên, tình trạng tình trạng người sốc nhiệt khi tham gia các giải chạy marathon và thể thao đường dài gia tăng. Sốc nhiệt hay xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và thể dục hay gắng sức...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 15/10, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thông tin về việc tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốc nhiệt khi tham gia một giải chạy marathon. Theo đó, sáng 13/10, có 6 bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốc nhiệt rối loạn ý thức. Các bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu. 

Kết quả xét nghiệm các bệnh nhân có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành làm mát cơ thể người bệnh, truyền dịch, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, chức năng tạng. Sau đó, cả 6 bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc và khoa Nội thận lọc máu để tiếp tục điều trị. Hiện tại, tình trạng cả 6 bệnh nhân tạm thời ổn định, huyết động trong giới hạn, chức năng thận dần hồi phục.

Tương tự, sáng 14/10, bác sĩ Vũ Đức Nhân, Phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết khoa cấp cứu bệnh viện vừa tiếp nhận 3 người (gồm 2 nam 46 tuổi, 38 tuổi và 1 nữ, 19 tuổi) với chẩn đoán là ngất do gắng sức khi tham gia một giải chạy được diễn ra vào ban đêm tại TP.HCM. Tại bệnh viện, sau khi được thăm khám và điều trị, ba bệnh nhân đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định. Hiện một bệnh nhân đang theo dõi tại khoa nội để tầm soát thêm các bệnh lý tim mạch, hai bệnh nhân còn lại đã xuất viện.

Trước đó, vụ việc nam thanh niên sinh năm 1990 đột quỵ khi chạy gần đến vạch đích ở một giải chạy tại Hà Nội hồi tháng 4 cũng đã thu hút sự quan tâm và ý kiến của nhiều chuyên gia. Theo báo cáo ban đầu của ban tổ chức, nam thanh niên tham gia giải chạy có tiền sử mắc bệnh tim, rối loạn nhịp và việc quá sức trên đường đua đã khiến vận động viên này bị đột quỵ và tử vong. 

Dự phòng sốc nhiệt khi chơi thể thao rất quan trọng để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dự phòng sốc nhiệt khi chơi thể thao rất quan trọng để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo TS.BS Phạm Đăng Hải, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Nội khoa và Chống độc, sốc nhiệt làm tăng nguy cơ tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học. Chúng gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí tử vong. Theo TS Hải, hiểu về sốc nhiệt, dấu hiệu nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời cũng như dự phòng sốc nhiệt khi chơi thể thao rất quan trọng để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đặc biệt, hãy đảm bảo cơ thể được bù nước đủ. Người chạy dài không nên chỉ uống mỗi nước lọc. Bởi khi chạy, cơ thể đổ mồ hôi nhiều khiến tình trạng mất nước, rối loạn điện giải gia tăng. Vì thế, hãy đảm bảo cơ thể được bổ sung muối (natri) ngoài nước lọc. Thông thường, oresol được khuyến nghị uống trong trường hợp cơ thể ra nhiều mồ hôi. Ngoài ra, các nước uống thể thao có muối, đường cũng được khuyến nghị.

Ngoài ra, việc lắng nghe cơ thể khi tập luyện thể thao là rất quan trọng. “Nếu cảm thấy cơ thể không khỏe dù chỉ là một chút, hãy dừng chạy, dừng luyện tập. Việc tập luyện, thi đấu là cả quá trình, không đến đích lần này, bạn vẫn có cơ hội lần sau. Không nên gắng sức dễ gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe,” bác sỹ Hải nói.

Tương tự, Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TP.HCM, cũng cho rằng bên cạnh mặt tích cực, bộ môn chạy bộ vẫn còn nhiều yếu tố bất cập. Phần lớn tham gia theo trào lưu và cảm thấy được động viên, hưng phấn, nên cố gắng chạy hết sức mà không rõ được nguy cơ đối với sức khỏe của bản thân. Đặc biệt ở người trẻ thường đối diện nguy cơ hơn khi chủ quan nghĩ rằng bản thân mình còn trẻ khỏe. Với cung đường chạy dài thì rủi ro rất cao như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, dẫn đến khó thở cấp tính, lên cơn hen suyễn, thậm chí đột quỵ tim, đột quỵ não, ngừng tim.

Môn thể dục thể thao nào cũng tốt cho sức khỏe người tập, khi tập đúng và phù hợp thể trạng.
Môn thể dục thể thao nào cũng tốt cho sức khỏe người tập, khi tập đúng và phù hợp thể trạng.

Không những thế, một số giải thi đấu diễn ra vào ban đêm và sáng sớm. Đây là thời điểm cơ thể thông thường được nghỉ ngơi và ngủ, nhưng lại thi chạy khiến đồng hồ sinh học bị rối loạn, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và an toàn trên đường chạy. Trước những rủi ro nhất định đối với sức khỏe người tham gia, theo bác sĩ Huy Đổng, nên phân loại các giải chạy và tổ chức chặt chẽ hơn. Có đội ngũ y tế đầy đủ phân bố nhiều cung đường và phù hợp với số lượng người chạy.

Với tư cách là một cựu vận động viên chạy bộ, chị Nguyễn Hằng (Hà Nội) chia sẻ bộ môn thể dục thể thao nào cũng tốt cho sức khỏe người tập, khi tập đúng và phù hợp thể trạng. Việc đặt nặng thành tích dẫn tới hệ quả là việc tập luyện hay thi đấu quá sức giới hạn chịu đựng của bản thân dẫn tới một số hệ luỵ đáng tiếc với người chạy. Chia sẻ về kinh nghiệm, cựu vận động viên cho biết, khi có ý định tham gia các giải chạy đường dài, chạy marathon, tốt nhất cần thăm khám để xem mình có mắc các bệnh lý tiềm tàng hay không, bởi có một số bệnh lý, nhất là bệnh về tim mạch sẽ phát sinh khi cơ thể đạt công suất tối đa.

Về việc khám tầm soát trước khi tham gia các giải chạy, ThS.Nguyễn Tuấn Long, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khẳng định tập luyện thể dục gắng sức như chạy bộ cường độ cao… có thể dẫn tới đột quỵ ở cả người già và người trẻ. Đặc biệt là đối tượng mắc bệnh lý nền như cơ tim giãn nở bệnh mạch vành… Đây là nhóm bệnh lý thường không bộc lộ triệu chứng rõ rệt. Chỉ khi người bệnh vận động gắng sức, đột ngột mới phát hiện bệnh.

Các vận động viên nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần, bao gồm khám lâm sàng, test gắng sức, điện tim, siêu âm tim…
Các vận động viên nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần, bao gồm khám lâm sàng, test gắng sức, điện tim, siêu âm tim…

Vì vậy, tầm soát sức khỏe là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện các nguy cơ, bệnh tiềm ẩn. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn môn thể dục phù hợp với sức khỏe, tránh rủi ro. Riêng với vận động viên, việc khám tầm soát rất quan trọng để phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn và có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Theo đó, các vận động viên nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần, bao gồm khám lâm sàng, test gắng sức, điện tim, siêu âm tim… Vận động viên cũng nên khám sàng lọc tiền sử bệnh tật, chia sẻ đầy đủ tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình cho bác sĩ. Nếu có yếu tố nguy cơ cao, vận động viên có thể được chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn như chụp cộng hưởng từ tim, xét nghiệm di truyền…

Bác sĩ Long lưu ý nhiều trường hợp bệnh nhân dù có đi khám sức khỏe định kỳ nhưng vẫn không phát hiện ra bệnh do khi đó người bệnh chưa gắng sức, không có dấu hiệu ra bên ngoài. Vì thế, người có yếu tố nguy cơ cao như bản thân, gia đình có bệnh tim, đái tháo đường, thận mạn tính, tăng lipid máu… hoặc vận động viên chuyên nghiệp cần tham gia tầm soát chuyên sâu.