15:47 28/11/2022

Việt Nam rất khan hiếm mặt bằng đủ rộng và phù hợp để xây các trung tâm logistics

Song Hoàng -
Hiện nay, thách thức đặt ra với ngành logistics là rất lớn trong việc xanh hóa hoạt động của chuỗi cung ứng, tích cực đẩy mạnh cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng đi đôi với cải thiện môi trường và phát triển bền vững…

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức từ năm 2013 đến nay.

Năm nay chủ đề “Logistics xanh” nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu. Đây cũng là mối quan tâm của Chính phủ trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hóa, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Bên cạnh phiên toàn thể, hội thảo chuyên đề với chủ đề: “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” đẫ thảo luận, tìm các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics.

Theo các chuyên gia, hiện tốc độ tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống logistics phục vụ cho thương mại điện tử, trong đó bao gồm các trung tâm logistics.

Từ góc độ của một công ty thương mại điện tử quốc tế đồng thời là một trong những đơn vị khai thác thương mại điện tử lớn nhất tại Đông Nam Á, ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam, đánh giá các trung tâm logistics không chỉ góp phần gia tăng hiệu quả trong hoạt động logistics mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phát biểu tại hội thảo, bà Fion Ng, Giám đốc Vận hành, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW cho hay: “Là nền tảng bất động sản công nghiệp và hậu cần cho thuê lớn nhất Việt Nam, chúng tôi nhận thấy những địa điểm đủ rộng và phù hợp để xây dựng các trung tâm logistics là rất khan hiếm. Về phía BW, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để có thể tìm kiếm những vị trí sở hữu lợi thế chiến lược. Ví dụ ở vùng Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã xây dựng các trung tâm logistics để phục vụ cho giao hàng của Shopee, J&T Express. Hiện chúng tôi đang cân nhắc xây dựng các trung tâm logistics chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu cho những mặt hàng tiêu dùng nhanh FMCG hoặc dược phẩm”.

Trong phần trình bày kết thúc phiên thảo luận 1, bà Fion Ng cũng đưa ra những bài học từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để áp dụng tại Việt Nam trong việc xây dựng mạng lưới các trung tâm logistics trong logistics đô thị nhằm tối ưu hóa chi phí và đáp ứng mục tiêu giảm lượng phát thải về bằng “0”.

Phiên thảo luận 2, các diễn giả tập trung thảo luận về các sáng kiến hướng tới phát triển xanh và bền vững, nhất là trong bối cảnh việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu hướng tất yếu.

Là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể thể bỏ qua xu hướng này, để đảm bảo tính cạnh tranh của mình trên thị trường thế giới, đặc biệt là để phục vụ các thị trường khó tính như Châu Âu và Châu Mỹ.