20:00 04/07/2024

Việt Nam tiến đến mục tiêu không còn ung thư cổ tử cung

Khánh Hòa

Dự phòng HPV, sàng lọc và điều trị các tổn thương tiền ung thư đều là những hoạt động hiệu quả để các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tiến đến mục tiêu không còn ung thư cổ tử cung…

Ung thư cổ tử cung gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng với phụ nữ, gia đình và xã hội.
Ung thư cổ tử cung gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng với phụ nữ, gia đình và xã hội.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ với khoảng 660.000 ca mắc mới và 350.000 trường hợp tử vong vào năm 2022 (1). Chỉ riêng tại Việt Nam, mỗi ngày có 7 phụ nữ qua đời vì căn bệnh này (2)

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG QUAN TÂM 

Nhiều phụ nữ và gia đình của họ đã và đang trải qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần khi không may mắc phải ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa được. Các týp HPV với nguy cơ cao được phát hiện trong gần 100% trường hợp ung thư cổ tử cung (3). Với mục tiêu hướng tới một cộng đồng không còn ung thư cổ tử cung, năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các quốc gia cần có kế hoạch để đảm bảo 90% trẻ em gái trước 15 tuổi được dự phòng HPV, 70% phụ nữ trước 35 tuổi được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, 90% phụ nữ tiền ung thư, đang mắc bệnh được chữa trị đầy đủ đến năm 2030 (4)

Theo UNFPA Việt Nam (quỹ dân số Liên Hợp Quốc), Việt Nam hoàn toàn có thể xoá bỏ ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới với việc hoạch định, áp dụng chiến lược dự phòng HPV, khám sàng lọc của WHO (5). Thoát khỏi gánh nặng bệnh tật cũng đồng nghĩa hạnh phúc nhiều gia đình sẽ không còn xáo trộn, phụ nữ có thể yên tâm vui sống, chăm lo gia đình hoặc thậm chí phát triển sự nghiệp trong những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời. Điều này đồng thời cũng đóng góp vào lợi ích kinh tế, giáo dục và bình đẳng giới trong xã hội. 

Hướng đến xã hội không còn ung thư cổ tử cung là mục tiêu của các quốc gia trên thế giới.
Hướng đến xã hội không còn ung thư cổ tử cung là mục tiêu của các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Việt Nam vẫn còn thấp. Chỉ 7,5% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15 - 29 đã được dự phòng HPV, 28,2% phụ nữ từ 30 - 49 tuổi đã được khám sàng lọc ung thư (6). Những con số này phản ánh quá trình hướng đến mục tiêu không còn ung thư cổ tử cung tại Việt Nam trong 30 năm tới sẽ còn nhiều gian nan. 

BƯỚC TIẾN MỚI TRONG CÔNG TÁC DỰ PHÒNG

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chiến dịch, hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung như: Đưa dự phòng HPV vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng từ năm 2026, cho phép các địa phương có thể triển khai sớm hơn cho người dân nếu bố trí được kinh phí (7); phát động chương trình Tầm soát ung thư cổ tử cung ngày hôm nay…

Các dự án, chiến dịch phổ cập kiến thức về HPV và ung thư cổ tử cung cũng được giới thiệu đến công chúng. Để đạt được mục tiêu không còn ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới, cần rất nhiều sự chung tay của cộng đồng. Bước sang tuổi 30, phái nữ nên sàng lọc ung thư cổ tử cung từ 5 - 10 năm; sàng lọc ung thư hiệu suất cao ở tuổi 35, một lần nữa vào tuổi 45. Dự phòng HPV trong độ tuổi 9 - 14 được xem là phương pháp dự phòng phổ biến để ngăn ngừa nhiễm HPV, ung thư cổ tử cung và bệnh ung thư khác liên quan đến virus này (8)

Chưa bao giờ là quá muộn để mỗi phụ nữ cần chủ động dự phòng HPV, tầm soát ung thư cổ tử cung. (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ).
Chưa bao giờ là quá muộn để mỗi phụ nữ cần chủ động dự phòng HPV, tầm soát ung thư cổ tử cung. (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ).

Nếu như trước đây, dự phòng HPV được chỉ định cho độ tuổi từ 9 - 26 tuổi và chưa quan hệ tình dục, thì hiện nay, bước tiến mới trong việc dự phòng ung thư cổ tử cung đã xoá bỏ toàn bộ rào cản này, mở ra cơ hội dự phòng cho độ tuổi từ 27 - 45 dù đã thực hiện quan hệ tình dục. Vì vậy, không bao giờ là quá muộn để chủ động bảo vệ tương lai, hạnh phúc của bản thân.  

Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều đang nỗ lực đạt mục tiêu loại bỏ ung thư cổ tử cung trong những thập kỷ tới. Với sự chung tay của cộng đồng, phụ nữ dù trong độ tuổi nào cũng có sự chủ động bảo vệ bản thân ở hiện tại và tương lai khỏi HPV cũng như ung thư cổ tử cung. 

* Nguồn tham khảo:

(1) (3) (8) World Health Organization (WHO). Cervical cancer. Updated Mar 2024 [https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cervical-cancer] [20-4-2024]

(2) HPV Information Centre. Viet Nam: Human Papillomavirus and Related Diseases, Summary Report 2023 [https://hpvcentre.net/statistics/reports/VNM.pdf] [18-3-2024]

(3) WHO. Cervical Cancer Elimination Initiative.[https://www.who.int/initiatives/cervical-cancer-elimination-initiative]  [7-5-2024]

(4) UNFPA. Đã đến lúc phải đầu tư nhân rộng toàn quốc tiêm chủng HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung. 10 May, 2023.[https://vietnam.unfpa.org/vi/news/da-den-luc-phai-dau-tu-nhan-rong-toan-quoc-tiem-chung- hpv-sang-loc-va-dieu-tri-ung-thu-co-tu] [5-5-2024]

(5) Tổng cục Thống kê & UNICEF. Kết quả tóm tắt điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021. [https://www.unicef.org/vietnam/media/8716/file/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20t%C3%B 3m%20t%E1%BA%AFt%20-%20MICS%206.pdf] [7-5-2024]

(6) Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030. [https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/08/104-cp.signed.pdf] [18-5-2024]

Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục. VN-GSL-00958 02072026.