08:52 28/06/2024

Những “lỗ hổng” đằng sau cơn sốt thuốc giảm cân

Hoài Phương

Cuối năm ngoái, Oprah Winfrey khiến công chúng tò mò khi có màn thay đổi sắc vóc ngoạn mục. Nữ MC thú nhận sử dụng thuốc giảm cân để vóc dáng thon thả hơn. Nhưng mới đây, Oprah đã phải nhập viện do phản ứng thuốc…

Ảnh: The New York Times
Ảnh: The New York Times

"Bà trùm truyền thông" 70 tuổi tiết lộ trong mấy tháng qua, bà đã nhờ tới sự trợ giúp từ loại thuốc thường được kê đơn cho bệnh nhân tiểu đường type 2 để giảm cơn thèm ăn và giảm béo. Một số khán giả có kiến thức về y khoa đã chia sẻ quan điểm về việc này: "Oprah Winfrey đang dùng thuốc giảm cân giống như dạng Ozempic. Nó ngăn chặn sự thèm ăn. Nó cũng có thể ức chế hệ thống miễn dịch dẫn đến bệnh tật".

Người khác bày tỏ: "Mọi người dùng Ozempic thường không theo dõi lượng calo của họ. Họ có thể bị suy dinh dưỡng và gặp các vấn đề về dạ dày". Theo WebMD.com, một số tác dụng phụ của thuốc ozempic bao gồm nôn mửa và tiêu chảy, đồng thời họ khuyên bất kỳ ai bị đau dạ dày hoặc đau bụng nghiêm trọng nên đi khám ngay lập tức. Vào tháng 10 năm ngoái, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cũng cho thấy dùng thuốc trị tiểu đường để giảm cân có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm về đường tiêu hóa, bao gồm bệnh đường mật, liệt dạ dày, viêm tụy hoặc tắc ruột.

Đầu tháng 6, MC nổi tiếng Oprah Winfrey đã phải nhập viện do nhiễm vi rút dạ dày và phải hủy việc xuất hiện trên sóng truyền hình.
Đầu tháng 6, MC nổi tiếng Oprah Winfrey đã phải nhập viện do nhiễm vi rút dạ dày và phải hủy việc xuất hiện trên sóng truyền hình.

Là sản phẩm của Novo Nordisk, khi cơn sốt Ozempic lên đến đỉnh điểm, loại thuốc tiêm semaglutide này có giá lên tới 1.300 USD/liều, nhưng một nghiên cưu mới cho thấy nó không đáng để người tiêu dùng "đốt tiền". Mục đích của loại thuốc này ban đầu là để điều trị tiểu đường type 2, nhưng vì nhu cầu dùng thuốc để giảm cân quá cao gây ra tình trạng thiếu hụt và giá cả đắt đỏ.

Theo WSJ, thuốc giảm cân thậm chí đang tác động đến nhiều ngành kinh doanh ở Mỹ, đặc biệt là ngành thực phẩm. Khi cân nặng suy giảm, nhiều người Mỹ chuyển sang các khẩu phần ăn ít hơn, buộc các nhà kinh doanh thực phẩm phải điều chỉnh kích cỡ của sản phẩm. Nhiều nhà bán lẻ thời trang thậm chí bắt đầu thấy doanh thu tăng lên nhờ nhu cầu mới của khách hàng đối quần áo có kích cỡ nhỏ hơn.

Theo Deirdre Quinn, CEO của Lafayette 148, thương hiệu thời trang ở New York, khoảng 5% khách hàng của thương hiệu này mua trang phục mới vì cân nặng giảm đáng kể. Khách hàng thường thay đổi từ quần áo cỡ 12 sang cỡ 6 hoặc 8. Tương tự, Jennifer Hyman, đồng sáng lập kiêm CEO của Rent the Runway, công ty cho thuê quần áo ở New York, cho biết lượng khách hàng chuyển sang thuê quần áo cỡ nhỏ lớn hơn bất kỳ lúc nào trong 15 năm qua.

Theo hãng thăm dò ý kiến ​​Gallup, khoảng 15,5 triệu người, tương đương 6% dân số Mỹ, cho biết đã thử dùng thuốc giảm cân dạng tiêm để giảm trọng lượng cơ thể. Thuốc giảm cân không có tác dụng với tất cả mọi người và chi phí đôi khi có thể vượt quá 1.000 đô la/tháng. Hơn nữa, nhiều người nhanh chóng tăng cân trở lại sau khi ngưng sử dụng thuốc này. Tuy nhiên, JP Morgan Healthcare cho rằng thị trường thuốc giảm cân có thể đạt giá trị đáng kinh ngạc 100 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

Là sản phẩm của Novo Nordisk, khi cơn sốt Ozempic lên đến đỉnh điểm, loại thuốc tiêm semaglutide này có giá lên tới 1.300 USD/liều.
Là sản phẩm của Novo Nordisk, khi cơn sốt Ozempic lên đến đỉnh điểm, loại thuốc tiêm semaglutide này có giá lên tới 1.300 USD/liều.

Không chỉ được ưa chuộng tại Mỹ, năm ngoái, công ty dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk đã ghi nhận doanh thu bán thuốc trị tiểu đường Ozempic tăng gấp đôi tại Trung Quốc, lên gần 700 triệu USD, chiếm 5% doanh số toàn cầu. Theo trang Al Jazeera, Ozempic đã được Trung Quốc chấp thuận sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường vào năm 2021. Tuy nhiên, nhờ có thành phần chống béo phì là semaglutide, nhu cầu về loại thuốc này đã tăng vọt. Nhiều người gọi đây là thuốc giảm cân của người nổi tiếng.

Bà Pan Wang, giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại Đại học New South Wales (Australia), chia sẻ: Những người muốn giảm cân bằng mọi giá không chỉ giới hạn ở những phụ nữ trẻ, có ý thức làm đẹp trên mạng xã hội. Trung Quốc có số lượng người thừa cân hoặc béo phì lớn nhất thế giới, với khoảng một nửa dân số bị thừa cân. Bà Wang cho biết tỷ lệ béo phì gia tăng, kết hợp với tiêu chuẩn làm đẹp khắt khe, khiến thị trường Trung Quốc trở thành triển vọng hấp dẫn đối với các nhà sản xuất thuốc như Ozempic.

Nhiều công ty dược phẩm do đó đã tham gia vào cuộc đua. Novo Nordisk đã nộp đơn lên cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc để mở rộng sử dụng thuốc trị tiểu đường Ozempic làm thuốc giảm cân. Công ty này cũng đang kỳ vọng thuốc giảm cân Wegovy sẽ được chấp thuận tại Trung Quốc trong năm nay. Tháng 5, Công ty dược phẩm Eli Lilly có trụ sở tại Indianapolis, Indiana (Mỹ) đã được các cơ quan quản lý Trung Quốc cấp phép cho loại thuốc giảm cân Tirzepatide...

Dù ngày càng có nhiều công ty tham gia vào thị trường này, nhưng nhu cầu về thuốc giảm cân vẫn vượt xa nguồn cung. Ông Allan Von Mehren, nhà phân tích trưởng và nhà kinh tế Trung Quốc tại Danske Bank, nhận định: “Thị trường xám của các loại thuốc giảm cân đang bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới. Thuốc giảm cân nằm trong một thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn”.

Trung Quốc đang chứng kiến một cơn sốt lớn trong ngành giảm cân, với sự xuất hiện của các loại thuốc vốn dùng để điều trị tiểu đường.
Trung Quốc đang chứng kiến một cơn sốt lớn trong ngành giảm cân, với sự xuất hiện của các loại thuốc vốn dùng để điều trị tiểu đường.

Dù vậy, chính Giám đốc điều hành (CEO) công ty dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk, Lars Fruergard Jorgensen, đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng lạm dụng các loại thuốc giảm cân chứa hoạt chất semaglutide là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ông cũng cho biết Novo Nordisk đang phối hợp với nhà chức trách ở một số nước để giải quyết vấn nạn hàng giả.

Theo nghiên cứu của Đại học Columbia, Ozempic và các loại thuốc tương tự chỉ có tác dụng giảm cân ở mức từ trung bình từ 15 - 20%. Khoảng 1/3 số người dùng thuốc Ozempic giảm 10% trọng lượng cơ thể. Tất cả các loại thuốc dựa trên semaglutide và tirzepatide trên thị trường hiện nay cũng yêu cầu phải sử dụng suốt đời để duy trì quá trình giảm cân. Đi kèm với đó, chúng cũng có một số tác dụng phụ không mong muốn.

Tờ Nature cho biết, trong một thử nghiệm lâm sàng, gần 75% số người tham gia dùng semaglutide đều gặp phải tình trạng khó chịu về đường tiêu hóa. Khoảng 7% số người tham gia dùng thuốc đã bỏ thử nghiệm vì các tác dụng phụ, về đường tiêu hóa hoặc lý do khác. Ngoài ra, một số người sẽ gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy và táo bón nghiêm trọng đến mức họ phải bỏ thuốc. Sau khi bỏ thuốc semaglutide, một số người cho biết mức độ đói của họ tăng cao hơn trước khi bắt đầu điều trị.

Một báo cáo cũng cho biết trong năm 2023, ba người tại Mỹ đã phải điều trị y tế do lượng đường trong máu xuống đến mức nguy hiểm. Họ được cho là đã dùng phải thuốc Ozempic giả. Cơ quan y tế Áo và Liban cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp hạ đường huyết sau khi sử dụng thuốc Ozempic giả và phải nhập viện điều trị.

Đó là chưa kể thực tế các hãng dược đang âm thầm giảm danh mục thuốc insulin của mình để tập trung vào một nhóm thuốc khác gọi là thụ thể GLP-1, giúp điều chỉnh hormone đường ruột ảnh hưởng đến cơn đói. Thị trường thuốc giảm cân sinh lợi hơn, nhưng việc thiếu hụt thuốc insulin sẽ gây ảnh hưởng đến những người phụ thuộc vào thuốc này.