13:51 13/11/2022

Xu thế dòng tiền: Áp lực tỷ giá, lãi suất hạ nhiệt, chứng khoán có cơ hội?

Nguyễn Hoàng

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục chứng kiến áp lực giải chấp bán tháo ồ ạt ở nhiều cổ phiếu cuối tuần qua, bên cạnh những nỗ lực ngược dòng ở các nhóm khác. Các chuyên gia tin rằng thị trường vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ các giao dịch giải chấp, nhưng tình hình sẽ dịu bớt trong giai đoạn tới và nhiều cổ phiếu đang được định giá ở mức “mơ ước” so với quá khứ...

Diễn biến VN-Index trên khung thời gian tuần cho thấy xu hướng giảm vẫn rất mạnh.
Diễn biến VN-Index trên khung thời gian tuần cho thấy xu hướng giảm vẫn rất mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục chứng kiến áp lực giải chấp bán tháo ồ ạt ở nhiều cổ phiếu cuối tuần qua, bên cạnh những nỗ lực ngược dòng ở các nhóm khác. Các chuyên gia tin rằng thị trường vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ các giao dịch giải chấp, nhưng tình hình sẽ dịu bớt trong giai đoạn tới và nhiều cổ phiếu đang được định giá ở mức “mơ ước” so với quá khứ.

Dù vậy các chuyên gia lại không cho rằng việc nhắm mắt mà mua hay “tất tay” là một lựa chọn tốt. Hiện tượng giải chấp chéo vẫn đang tác động đến giá nhiều cổ phiếu không liên quan đến bất động sản, đồng thời việc định thời điểm cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng lợi nhuận.

Đánh giá về áp lực giải chấp và các rủi ro liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia vẫn nhận định đây là yếu tố khiến tâm lý thị trường rất bi quan. Thị trường cần nhìn thấy các tín hiệu rõ ràng hơn từ việc giảm rủi ro này. Trong những tháng cuối năm, nhu cầu thanh khoản vẫn sẽ khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán khó phục hồi. Tình hình sẽ bớt căng thẳng hơn đầu năm 2023 khi “room” tín dụng được thiết lập lại.

Một trong những yếu tố tích cực được đánh giá là tín hiệu hạ nhiệt trong đà tăng lạm phát ở Mỹ qua số liệu tháng 10. Điều này khiến xu hướng giảm giá của USD trở nên rõ ràng hơn. Khi hai áp lực lãi suất và tỉ giá nhẹ đi, áp lực tăng lãi suất trong nước cũng sẽ suy yếu. Dù vậy các chuyên gia không cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ đảo chiều, có chăng chỉ là giảm tốc độ tăng hoặc giữ ở mặt bằng cao. Đây vẫn là tín hiệu lạc quan và tạo kỳ vọng cho thị trường chứng khoán.

 
Xu thế dòng tiền: Áp lực tỷ giá, lãi suất hạ nhiệt, chứng khoán có cơ hội? - Ảnh 1

Khi trong cùng một danh mục sử dụng margin mà có nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh thì danh mục đó sẽ đối mặt với rủi ro bán giải chấp, và khi cổ phiếu này không bán được thì sẽ phải bán cổ phiếu khác, hay còn gọi là call margin chéo. Nếu thị trường vẫn diễn biến tiêu cực trong tuần tới, thì áp lực giải chấp có thể còn tăng lên chứ khó lòng giảm được.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Nguyễn HoàngVnEconomy

Áp lực giải chấp vẫn đè nặng lên thị trường trong suốt tuần giao dịch, tuy nhiên đến cuối tuần diễn biến đã tích cực hơn. Nhu cầu giải chấp chỉ còn khoanh lại đối với một số cổ phiếu bất động sản. Có thể kỳ vọng thị trường đã vượt qua được áp lực giải chấp hay chưa?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm với nhiều tín hiệu tiêu cực. Phiên cuối tuần có tăng về mặt điểm số nhưng bản chất số cổ phiếu giảm vẫn chiếm áp đảo, thậm chí vẫn còn cả 100 cổ phiếu giảm giá sàn trên hai sàn giao dịch. Nhiều cổ phiếu trong số đó tiếp tục dư bán sàn với khối lượng lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản.

Tôi cho rằng dòng tiền trên thị trường vốn hoạt động theo nguyên lý “bình thông nhau”, khi trong cùng một danh mục sử dụng margin mà có nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh thì danh mục đó sẽ đối mặt với rủi ro bán giải chấp, và khi cổ phiếu này không bán được thì sẽ phải bán cổ phiếu khác để đảm bảo tỷ lệ, hay còn gọi là call margin chéo.

Bởi vậy, nếu thị trường vẫn diễn biến tiêu cực trong tuần tới, thì áp lực giải chấp có thể còn tăng lên chứ khó lòng giảm được.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn. Khi ngành này vẫn diễn biến xấu sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều ngành khác: xây dựng, vật liệu, ngân hàng... Nên nếu ngành bất động sản còn xấu là liên tục giảm mạnh sẽ hảnh hưởng đến các ngành khác ít nhất là tâm lý, sẽ nhiều nhà đầu tư sẽ hạn chế giải ngân trong điều kiện hiện tại khiến dòng tiền vào thị trường yếu và chỉ cần lực bán hơi mạnh sẽ ảnh hưởng đến thị trường làm thị trường giảm mạnh.

Tôi nghĩ lực giải chấp sẽ vấn còn thời gian tới nếu dòng bất động sản chưa ổn định. Điểm sáng thị trường giai đoạn này là nhiều cổ phiếu đã có dấu hiệu tạo đáy và đáy sau cao hơn đáy trước (đặc biệt là nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn như: VCB, BID, CTG, ACB...)

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Sau các phiến điều chỉnh sâu, áp lực giải chấp ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, ngoại trừ ở số ít cổ phiếu bất động sản, đã xuống mức thấp, nhất là trong bối cảnh tâm lý bi quan của thị trường khiến không nhiều nhà đầu tư sử dụng margin ở trạng thái cao. Quan trọng hơn, áp lực tâm lý của thị trường hiện khá xấu do vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi các thông tin liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Diễn biến khó khăn với áp lực giải chấp ở một số cổ phiếu vẫn còn. Theo tôi VN-Index vẫn đang biến động quanh ngưỡng hỗ trợ 950 – 960 điểm. Sự cẩn trọng trong giao dịch vẫn là điều mà các nhà đầu tư cần lưu ý.

Hồ Nguyễn Thủy TiênGiám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Thị trường phiên cuối tuần, ngày 11/11/2022 mở cửa trong sắc xanh, thể hiện lực mua khá tốt so với phiên trước đó. Nhưng càng về cuối phiên, áp lực bán càng mạnh, khiến nhiều cổ phiếu đồng loạt giảm sàn, khi-VN Index đóng cửa với chỉ số tăng nhẹ, nhưng thực tế là “xanh vỏ đỏ lòng”, khi số lượng cổ phiếu giảm vẫn nhiều hơn so với cổ phiếu tăng. Thanh khoản thị trường không đột biến so với bình quân các phiên giao dịch trước đó.

Nhìn chung, thị trường phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành và vốn hóa lớn. Nhóm vốn hóa lớn giao dịch ổn định đã giúp thị trường duy trì sắc xanh cho đến hết phiên giao dịch. Nhóm Ngân hàng đóng góp tích cực nhất vào đà hồi phục của thị trường chung, tuy nhiên cũng có không ít cổ phiếu không thể trụ vững trước diễn biến gia tăng áp lực bán. Ngoài ra, lực bán có xu hướng tập trung hơn ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là ở nhóm Bất động sản, Chứng khoán, Hóa chất...

Hiện tại, theo tôi, áp lực tâm lý là lớn nhất trong lúc này, khi nhiều nhà đầu tư bán trong hoảng loạn, tức tự mình bán cổ phiếu vì quá sợ độ lao dốc của thị trường, chứ không chỉ đơn giản là áp lực bán giải chấp từ công ty chứng khoán.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tín hiệu vĩ mô khá tích cực là lạm phát Mỹ có tín hiệu chậm lại, đồng nghĩa với sức ép giữ nguyên tốc độ tăng lãi suất cũng giảm đi. Nếu lãi suất của FED tăng chậm hơn, đồng USD giảm giá thì sức ép lên tỷ giá trong nước cũng nhẹ và Ngân hàng nhà nước cũng giảm áp lực tăng lãi suất. Đây là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Anh chị có cho rằng áp lực tăng lãi suất đã đạt đỉnh?

 
Xu thế dòng tiền: Áp lực tỷ giá, lãi suất hạ nhiệt, chứng khoán có cơ hội? - Ảnh 3

Cho dù về lý thuyết, đỉnh lạm phát, đỉnh lãi suất có thể phát đi tín hiệu đáy của chứng khoán nhưng nền kinh tế cũng cần thêm thời gian lấy lại được sự ổn định. Nhà đầu tư cũng cần lấy lại niềm tin.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Trên thực tế ngay trong ngày thứ 6 cuối tuần Ngân hàng nhà nước đã giảm nhẹ giá bán USD, dù mức giảm là không lớn (từ 24,870 VND/USD xuống 24,860 VND/USD). Tuy nhiên đây là lần giảm đầu tiên sau 6 lần tăng liên tiếp, phản ánh tín hiệu tự tin về xu hướng hạ nhiệt áp lực tỷ giá của nhà điều hành sau khi đồng USD (đo lường bằng chỉ số DXY) lao dốc sau số liệu lạm phát tháng 10 của Mỹ.

Tôi kỳ vọng xu hướng suy yếu của đồng USD, kết hợp với nguồn ngoại tệ chảy vào qua xuất siêu, FDI và kiều hối sẽ tiếp tục giúp tỷ giá hạ nhiệt trong thời gian tới. Đây là một trong những yếu tố tạo kỳ vọng về việc áp lực tăng lãi suất sẽ suy giảm. Tuy nhiên kỳ vọng SBV có hạ lãi suất hay không sẽ còn phụ thuộc vào xu hướng lạm phát và trạng thái thanh khoản của các ngân hàng.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Lạm phát Mỹ có tín hiệu giảm tốc, chứng khoán Mỹ cũng xuất hiện một số phiên hồi phục tích cực, FED cũng có thể giảm biên độ tăng lãi suất trong kỳ họp giữa tháng 12 tới.. Theo tôi cho dù việc FED có thể giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng bối cảnh, thực trạng chứng khoán Việt Nam vẫn tồn tại một số bất ổn. Thị trường cần thêm thời gian điều chỉnh tích lũy tạo đáy cân bằng đi kèm với sự cải thiện về thanh khoản.

Cho dù về lý thuyết, đỉnh lạm phát, đỉnh lãi suất có thể phát đi tín hiệu đáy của chứng khoán nhưng nền kinh tế cũng cần thêm thời gian lấy lại được sự ổn định. Nhà đầu tư cũng cần lấy lại niềm tin sau những sự cố Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...

Hồ Nguyễn Thủy TiênGiám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Theo số liệu giao dịch hợp đồng tương lai, tốc độ tăng lãi suất Fed đã có xu hướng hạ nhiệt từ nửa cuối tháng 10 sau đà tăng nhanh nhiều tháng trước đó. Lãi suất chạm mức 5,1% tại ngày 21/10/2022, sau đó có xu hướng đi ngang ở mức 4,8%-4,9% cho đến nay. Nếu lãi suất Fed tiếp tục được thị trường kỳ vọng giữ ở mức này trong thời gian tới, sẽ khiến giảm áp lực rút ròng đồng USD tại các quốc gia, từ đó sẽ giảm áp lực lên tỷ giá và lãi suất. Do đó, chúng ta có thể kỳ vọng, áp lực tăng lãi suất có thể vẫn còn, nhưng sẽ không quá mạnh như trước.

 
Xu thế dòng tiền: Áp lực tỷ giá, lãi suất hạ nhiệt, chứng khoán có cơ hội? - Ảnh 4

Tôi kỳ vọng xu hướng suy yếu của đồng USD, kết hợp với nguồn ngoại tệ chảy vào qua xuất siêu, FDI và kiều hối sẽ tiếp tục giúp tỷ giá hạ nhiệt trong thời gian tới. Đây là một trong những yếu tố tạo kỳ vọng về việc áp lực tăng lãi suất sẽ suy giảm. Tuy nhiên kỳ vọng SBV có hạ lãi suất hay không sẽ còn phụ thuộc vào xu hướng lạm phát và trạng thái thanh khoản của các ngân hàng.

Ông Trần Đức Anh

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Đúng vậy, nếu FED hạ nhiệt tốc độ tăng lãi suất như hiện tại thì sức ép lên tỷ giá trong nước sẽ bớt đi, và từ đó Ngân hàng nhà nước (SBV) cũng sẽ lỏng tay điều hành chính sách hơn.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy FED chưa có dấu hiệu gì về việc sẽ hạ nhiệt đà tăng trong kỳ họp tháng 12. Số liệu lạm phát Mỹ tháng 10 vẫn khá cao, dù nó có thấp hơn đôi chút so với dự báo của Phố Wall, nhưng điều đó là chưa đủ để khẳng định FED sẽ thay đổi chính sách của mình, bởi vì phát biểu của các lãnh đạo của FED sau cuộc họp tháng 11 vừa qua vẫn khá “diều hâu”. Tôi vẫn nghiêng về kịch bản là SBV có thể cũng chưa dừng lại đà tăng lãi suất.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Áp lực tăng lãi suất có thể giảm trong thời gian tới nhưng nói tạo đỉnh tôi nghĩ giờ còn hơi sớm. Nếu FED đảo ngược xu hướng tăng lãi suất thì khả năng áp lực tăng lãi suất tại Việt Nam sẽ tạo đỉnh.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Dòng tiền trên thị trường vẫn rất nhỏ và càng về cuối năm nhu cầu tiền mặt càng lớn, khiến dòng vốn vào chứng khoán bị cạnh tranh, chưa kể áp lực bán các tài sản thanh khoản cao như cổ phiếu để rút tiền mặt sẽ vẫn còn. Trong hai tháng còn lại của năm 2022, theo anh chị liệu thị trường có thể cải thiện được thanh khoản, hay phải chờ đến đầu năm sau khi room tín dụng được làm mới?

Hồ Nguyễn Thủy TiênGiám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Rủi ro thông tin và áp lực thanh khoản của thị trường vốn khiến thị trường chứng khoán thời gian qua có diễn biến tiêu cực. Trong ngắn hạn, tôi cho rằng những vướng mắc trên của thị trường sẽ chưa thể cởi bỏ, và sự giới hạn dòng tiền khó tạo nên diễn biến tăng điểm đồng loạt của các ngành hay cổ phiếu. Sẽ có sự luân chuyển nhanh hơn và ngắn hơn giữa các nhóm ngành và cổ phiếu. Với diễn biến này, theo tôi trong ngắn hạn thị trường sẽ khó có sự cải thiện về thanh khoản.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Hiện giờ là giai đoạn trống thông tin, nhu cầu tiền mặt cuối năm lớn, thị trường chứng khoán giai đoạn này kiếm lợi nhuận khó nên tôi nghĩ dòng tiền vào thị trường từ giờ đến cuối năm vẫn khá yếu và chắc phải cần sang năm khi room tín dụng được làm mới cũng như thị trường cần có thời gian cân bằng và tạo đáy dài hạn.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Đúng là dòng tiền chung trên thị trường đang chịu sức ép như vậy. Với sức ép từ nhu cầu đáp ứng thanh khoản bên ngoài thì dòng tiền trong thị trường chứng khoán sẽ còn chịu nhiều áp lực trong hai tháng cuối năm nay. Tôi cho rằng tình hình thanh khoản thấp trong thị trường có thể sẽ duy trì, chứ không hề suy giảm trong phần còn lại của năm nay.

 
Xu thế dòng tiền: Áp lực tỷ giá, lãi suất hạ nhiệt, chứng khoán có cơ hội? - Ảnh 5

Hiện giờ là giai đoạn trống thông tin, nhu cầu tiền mặt cuối năm lớn, thị trường chứng khoán giai đoạn này kiếm lợi nhuận khó nên tôi nghĩ dòng tiền vào thị trường từ giờ đến cuối năm vẫn khá yếu và chắc phải cần sang năm khi room tín dụng được làm mới cũng như thị trường cần có thời gian cân bằng và tạo đáy dài hạn.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Trong ngắn hạn, thanh khoản thị trường sẽ phụ thuộc vào xu hướng của mặt bằng lãi suất (khó có thể giảm trong 2 tháng cuối năm) và tâm lý của nhà đầu tư. Một động lực tăng trưởng đủ mạnh nếu xuất hiện, giúp xoá bỏ tâm lý tiêu cực có thể kéo dòng tiền quay trở lại thị trường và hỗ trợ xu hướng hồi phục của thanh khoản.

Tôi kỳ vọng diễn biến suy yếu của lạm phát Mỹ trong tháng 10 cùng đà hồi phục của thị trường chứng khoán toàn cầu là động lực đủ lớn, tuy nhiên dường như tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự được giải toả trong phiên cuối tuần. 

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ có lẽ thanh khoản thấp sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm và phải đợi chờ cho đến quý 1 tới giá trị giao dịch mới có thể được cải thiện trở lại. Tăng trưởng tín dụng cũng được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn giai đoạn đầu năm hơn là cuối năm.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị trông đợi cơ hội giải ngân ngắn hạn. Thị trường đã có nhịp giảm sâu hơn trong tuần này, anh chị có mua vào thêm hay không, tỷ trọng lúc này như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tuần vừa rồi tôi cũng có tham gia lướt sóng trên cổ phiếu sẵn có nhưng đánh khá nhanh và nếu có sai là sửa ngay bằng cổ phiếu sẵn có. Tôi không gia tăng tỷ trọng và nắm giữ nguyên tỷ trọng sẵn có.

 
Xu thế dòng tiền: Áp lực tỷ giá, lãi suất hạ nhiệt, chứng khoán có cơ hội? - Ảnh 6

Với áp lực bán trên thị trường hiện tại ở nhiều cổ phiếu nhìn chung đang áp đảo, tôi cho rằng nhà đầu tư nên bình tĩnh đứng ngoài quan sát thị trường, chờ cơ hội để giải ngân, tuyệt đối chưa nên xài margin.

Hồ Nguyễn Thủy Tiên

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng ở mức trung bình cao, tập trung ở các cổ phiếu cơ bản, hoạt động tăng trưởng ổn định và không chịu tác động tiêu cực bởi các diễn biến trên thị trường tài chính.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Câu chuyện ngắn hạn giai đoạn này có lẽ không nên kỳ vọng nhiều mà thay vào đó là câu chuyện mua và đầu tư tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hơi hơn. Tôi vẫn cho rằng việc mua tích sản định kỳ cổ phiếu định kỳ hoặc chọn lựa các cổ phiếu chất lượng mà giá đang giảm sâu so với mức định giá cơ bản sẽ phù hợp với các nhà đầu tư đang có dư tiền và có nhu cầu giải ngân. Giai đoạn này chiến lược đầu tư giá trị sẽ phù hợp hơn so với việc đầu cơ cổ phiếu ngắn hạn.

Hồ Nguyễn Thủy TiênGiám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt ở giai đoạn này là một lợi thế, với cơ hội nhiều cổ phiếu đang được bán với giá thấp nhất trong vài năm trở lại đây, khi nhiều công ty đang được bán với mức chiết khấu lên tới 50-80%. Tuy nhiên, với áp lực bán trên thị trường hiện tại ở nhiều cổ phiếu nhìn chung đang áp đảo, tôi cho rằng nhà đầu tư nên bình tĩnh đứng ngoài quan sát thị trường, chờ cơ hội để giải ngân, tuyệt đối chưa nên xài margin.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Như đã chia sẻ trong những tuần trao đổi gần đây, yếu tố níu giữ nhà đầu tư tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại có thể chỉ nhìn vào phân tích cơ bản doanh nghiệp và ưu tiên góc nhìn định giá cổ phiếu đã ở vùng giá rẻ rồi, để lấy niềm tin nắm giữ cổ phiếu mà thôi.

Theo quan sát của tôi, thị trường đã xuất hiện nhiều nhóm cổ phiếu có tín hiệu “trơ” với đà giảm của thị trường, các nhóm này đều có mức định giá “mơ ước” so với quá khứ và triển vọng kinh doanh tương đối bền vững, như nhóm hàng tiêu dùng có VNM, SAB... hoặc các nhiều cổ phiếu VN30 thuộc nhóm ngân hàng như BID, CTG... đều có những cơ hội tham gia đầu tư.

Tôi vẫn dành một phần tỷ trọng nhỏ để tham gia giao dịch trên các cổ phiếu dạng này trong tuần qua.