Lịch sử lặp lại, có cần biện pháp can thiệp “cứu” thị trường chứng khoán?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng chứng kiến các đợt giải chấp dữ dội, khiến giá cổ phiếu lao dốc không sao dừng lại được trong bối cảnh mất hẳn thanh khoản. Lịch sử 15 năm trước dường như đang lặp lại...
Đà sụt giảm đang diễn ra khiến ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệp cũng cảm thấy bối rối. Dù giá cổ phiếu lao dốc liên tục đến mức rất thấp so với lịch sử, nhưng vẫn chưa dừng lại. Dòng tiền đứng im bên ngoài không chịu mua vào. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu ngấm đòn đau, ngay cả những người từng kinh qua nhiều giai đoạn của thị trường cũng bế tắc.
NHÀ ĐẦU TƯ THUA LỖ NẶNG
"Quá kinh khủng, VN-Index còn thảm khốc hơn cả chiến tranh. Chưa bao giờ từng thấy hàng mất thanh khoản la liệt như thế này. Tôi gần như trắng tay, thật sự đau lòng", anh Nguyễn Dương, một nhà đầu tư cá nhân F0 chia sẻ.
Đầu tư chứng khoán trong giai đoạn thị trường bùng nổ 2020-2021 với chỉ 1 tỷ đồng trong tay, anh Dương lãi gấp 3 tài khoản trong vòng hơn một năm nhờ dòng tiền khi đó dồi dào, VN-Index lên như diều gặp gió. Cứ tưởng đây là cơ hội làm giàu mới khi cả toàn dân nói về đầu tư chứng khoán, anh Dương nghỉ công việc chính là nhân viên bán bảo hiểm cùng với 3 tỷ đồng sử dụng margin ở 2 công ty chứng khoán để mua bán cổ phiếu trong một thời gian liên tục. Hầu hết những cổ anh cầm đều là hàng cơ bản, nội tại tốt, từng được đánh giá là cổ phiếu quốc dân như HPG, hay ít nhất là dạng top đầu ngành như VHM, CTG. Nhưng chỉ trong vòng nửa năm, thành quả đã bay hết sạch.
"Khi thị trường rớt mạnh lúc tháng 4, tháng 5 tôi đã thoát hàng và đứng ngoài một thời gian ngắn. Nhưng sau đó có tín hiệu hồi phục, nghe môi giới phân tích tôi lại xuống tiền giải ngân. Kể từ lúc giải ngân thì liên tục là những thông tin xấu dồn dập ra thị trường, tôi đã hạn chế margin chỉ dùng tiền thịt để trading nhưng cổ phiếu càng nắm giữ càng rớt mạnh như HPG. Thậm chí những cổ phiếu kinh doanh tốt như DCM, DPM mà vào không đúng trend thì cũng mất tiền như thường. Tôi đã đóng tài khoản khi số tiền chỉ còn lại chưa đầy 300 triệu đồng. Quá đau lòng", anh Dương tâm sự.
Anh Dương chỉ là một ví dụ điển hình cho những nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nặng trong giai đoạn downtrend của thị trường. Đã có những nhà đầu tư âm đến 90% tài sản, buộc phải bán đi những tài sản khác như đất cát để cứu lấy danh mục của mình.
Làn sóng bán đồ đạc cá nhân thương hiệu xa xỉ phẩm như túi sách , đồng hồ, cầm cố tài sản, vay mượn người thân để trung bình giá kịch liệt nở rộ khắp thị trường. Một thương nhân chuyên thu mua túi xách hàng hiệu tại Hà Nội tiết lộ, trung bình mỗi ngày giá trị thu mua gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Do kinh tế khó khăn, nhiều người cần tiền mặt làm ăn muốn bán, trong đó không ít nhà đầu tư chứng khoán phải bán tháo với giá rẻ.
Cơn hoảng loạn bao trùm toàn thị trường. “Không hiểu điều gì xảy ra chiến tranh Nga - Ukraina thì họ cũng không bán như vậy”; “Âm 70% có nên bán thu tiền về nữa không các bác”? Là những câu hỏi của nhà đầu tư khắp các room nhóm. Thậm chí có rất nhiều câu hỏi túng quẫn như “Liệu nó có về 1.000 - 2.000 đồng không hay mất trắng không?”.
Với mức thua lỗ chưa từng có, đến các quỹ đầu tư cũng phải thốt lên những lời ngạc nhiên đến chua xót. Ông Petri Deryng, người quản lý quỹ từng nói không hiểu điều gì đang xảy ra với chứng khoán Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, quỹ đã âm 36,11%, mức lổ kỷ lục từ ngày đầu tư vào chứng khoán Việt năm 2013.
GẦN MỘT NỬA CỔ PHIẾU TRÊN THỊ TRƯỜNG VỀ MỆNH
Vấn đề của thị trường nằm ở chỗ thanh khoản. Thanh khoản bị tắc nghẽn áp lực chủ yếu đến từ thị trường trái phiếu sau sự kiện Vạn Thịnh Phát diễn ra từ đầu tháng 10 cùng với động thái nâng thêm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hai lần trong tháng 9 và tháng 10.
Dòng tiền trên thị trường phải cạnh tranh trực tiếp với lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng, trong khi đó áp lực bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo các doanh nghiệp diễn ra diện rộng. Các quỹ cũng bán bớt cổ phiếu như tại VEIL đưa tỷ trọng tiền mặt về cao nhất trong nhiều năm 9,49%. Tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng nặng nề, xuất hiện những đợt bán tháo ồ ạt như phiên 10/11 hơn 310 mã lau sàn, cổ phiếu chất đống nhưng không có lực mua.
Chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Trong khi hầu hết các thị trường đều hồi phục mạnh thời gian gần đây sau chu kỳ giảm giá kéo dài suốt những tháng vừa qua. Trong vòng một tháng qua, chỉ số S&P 500 tăng 8%; chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 7,3%; Sensex của Ấn Độ tăng 5,8%; PCOMP của Philippines tăng 7,2%; NKY của Nhật tăng 6,1%. Các chỉ số gồm MSCI thị trường phát triển tăng 7,1%. Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam giảm 9,2% trong tháng 10 và giảm 24,8% trong vòng 3 tháng. Hiện tại, VN-Index còn 947 điểm, rơi về vùng giá cuối 2019 đầu 2020 trước khi dịch Covid19 xảy ra.
Dòng tiền chảy vào giai đoạn Covid-19 quá nhiều khiến thị trường tăng nóng và thời điểm này hiệu ứng rút tiền ra khiến thị trường điều chỉnh giảm về đúng vùng giá cũ là hợp lý. Những ngành nghề mang tính chu kỳ như thép điều chỉnh là dĩ nhiên. Tuy vậy, cũng có quá nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá đáy 10 năm nhưng không ai còn muốn mua.
Tính đến thời điểm 10/11, đã có 730 cổ phiếu rơi về mệnh giá. Con số này tăng mạnh gấp đôi so với tháng 9/2022. Trong đó, nhóm tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán bảo hiểm có đến 38 cổ phiếu rơi về mệnh; Nhóm bất động sản và Xây dựng 260 mã về mệnh; Nguyên vật liệu 71 mã; Năng lượng 50 mã; Công nghệ 15 mã. Tốc độ cổ phiếu rơi nhanh chưa từng có lịch sử. Những cổ phiếu rớt 60-80% thị giá nhan nhản khắp thị trường.
GIẢI PHÁP NÀO "CỨU" THỊ TRƯỜNG?
"Thật đau lòng khi xảy ra tình trạng bán tháo như hôm nay. Đề nghị Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán nên tìm giải pháp gấp để lấy lại niềm tin và sự ổn định", chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp nêu vấn đề.
Trên các diễn đàn chứng khoán, hàng loạt đề xuất được nêu lên với mong muốn "cứu" lấy tài khoản đang thua lỗ nặng. Thậm chí có đề xuất hạ biên độ giao động giá trên HoSE 7% xuống còn 3% thậm chí 1%. Thị trường từng phải áp dụng biện pháp này. Ngày 27/3/2008, biên độ dao động giá của HSX được hạ từ 5% xuống còn 1%, tại HNX được hạ từ 10% xuống còn 2%. Các giải pháp này đã đem lại 10 phiên tăng giá, ít nhất là trong ngắn hạn.
Với đề xuất này, theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, giải pháp này có thể chặn được đà giảm mạnh ngay lập tức của cổ phiếu nhưng hiệu ứng có thể tiêu cực hơn vì nếu cổ phiếu giảm 10% thì chỉ cần 2 phiên trong khi đó giảm biên độ xuống thì phải mất đến 4 phiên thậm chí lại gây mất thanh khoản của thị trường.
Nguyên nhân thị trường điều chỉnh có rất nhiều từ việc Fed tăng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine, trong nước lạm phát tỷ giá xu hướng tăng, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ, hút tiền về. Ngoài ra, một số sự kiện liên quan đến thị trường trái phiếu hoặc điều tra những vụ án lãnh đạo doanh nghiệp như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát làm cho thị trường điều chỉnh. Những việc này nằm ngoài khả năng can thiệp của Uỷ ban chứng khoán, Bộ Tài chính.
"Nếu có can thiệp thì có rất ít biện pháp can thiệp, hiệu quả không cao, nên để cho thị trường tự cân bằng, đến một thời điểm nào đó thị trường rơi về vùng giá thích hợp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng tốt, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả", ông Anh nhấn mạnh và cho rằng nếu can thiệp thì nên ở hướng tăng tính minh bạch thị trường, quản lý tin đồn thất thiệt, tránh gây ra ảnh hưởng xấu hoặc miễn giảm thuế phí giao dịch. Những can thiệp này nhìn chung tác động không lớn mà về lâu dài vẫn phụ thuộc yếu tố ban đầu là tăng trưởng kinh tế tốt. Giá cổ phiếu tăng cuối cùng vẫn dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VAFI cho rằng, miễn hẳn thuế giao dịch chứng khoán trong bối cảnh thị trường khó khăn sẽ đem lại tâm lý rất tích cực cho nhà đầu tư bởi sắc thuế này thu không nhiều cho ngân sách mà lợi ích nó mang lại gấp nhiều lần.
Một giải pháp khả thi khác để bình ổn thị trường là mua cổ phiếu quỹ. Luật Chứng khoán hiện hành "trói chân tay" doanh nghiệp khi muốn mua cổ phiếu quỹ nhiều thủ tục, xin ý kiến đại hội đồng cổ đông, trình Ủy ban Chứng khoán, không được trả cổ tức bằng cổ phiếu. "Tuần sau Vafi kiến nghị Thủ tướng xử lý theo hướng doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ không phải xin phép nếu đủ điều kiện để đỡ giá cho thị trường. Một bộ phận doanh nghiệp lớn tiềm lực tài chính mạnh, trích ra một phần mua, giảm bớt cổ tức tiền mặt, mua bối cảnh này họ cũng lời", ông Hải nhấn mạnh.
Vấn đề của thị trường hiện tại là thanh khoản do đó, theo SGI Captial, nếu không có hỗ trợ kịp thời, trong tháng tới thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực do dòng tiền hạn chế từ áp lực đáo hạn trái phiếu, call margin, và triển vọng tăng trưởng xấu đi. "Điểm mấu chốt là khi nào SBV cùng chính phủ có những thay đổi trong chính sách tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, ổn định lãi suất, tỷ giá, lấy lại niềm tin trong thị trường trái phiếu và thị trường tài chính nói chung", SGI Capital nhấn mạnh.