11:39 06/11/2022

Xu thế dòng tiền: Tránh xa các cổ phiếu đang hứng chịu áp lực giải chấp

Nguyễn Hoàng

Áp lực bán tăng vọt trong phiên cuối tuần qua một lần nữa ép VN-Index thủng ngưỡng 1.000 điểm. Các chuyên gia cho rằng thị trường đang chịu áp lực tâm lý quá lớn, cộng với các đợt bán kỹ thuật ở những cổ phiếu bị cầm cố. Đây không phải là các giao dịch giải chấp đối với nhà đầu tư cá nhân....

Chỉ số VN-Index thể hiện thị trường vẫn đang trong một bear-market.
Chỉ số VN-Index thể hiện thị trường vẫn đang trong một bear-market.

Áp lực bán tăng vọt trong phiên cuối tuần qua một lần nữa ép VN-Index thủng ngưỡng 1.000 điểm. Các chuyên gia cho rằng thị trường đang chịu áp lực tâm lý quá lớn, cộng với các đợt bán kỹ thuật ở những cổ phiếu bị cầm cố. Đây không phải là các giao dịch giải chấp đối với nhà đầu tư cá nhân.

Liên tục những tuần trao đổi gần đây, các chuyên gia nhấn mạnh về rủi ro khối lượng cầm cố quy mô lớn để rút tiền mặt đảm bảo thanh khoản cho các giao dịch ngoài thị trường chứng khoán. Việc cổ phiếu giảm giá liên tục sẽ đẩy khối lượng cầm cố này đến ngưỡng rủi ro và lần lượt các cổ phiếu sẽ chịu áp lực rất lớn.

Để xác định các cổ phiếu như vậy, ý kiến khuyến cáo nhà đầu tư tìm hiểu kỹ tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, cơ cấu nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy vậy các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng không nên đánh đồng tất cả các doanh nghiệp với cùng một mức rủi ro. Tác động từ thị trường sẽ khiến nhiều doanh nghiệp tốt khác bị ảnh hưởng, cổ phiếu giảm mạnh và đó là cơ hội chứ không phải rủi ro. Đây chính là thời điểm để sàng lọc các cổ phiếu tốt bị ảnh hưởng chung để thực hiện chiến lược đầu tư dài hạn.

 
Xu thế dòng tiền: Tránh xa các cổ phiếu đang hứng chịu áp lực giải chấp - Ảnh 1

Hiện việc giải chấp quy mô lớn bởi cầm cố cổ phiếu có liên quan tới lãnh đạo là những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao hoặc có dư nợ trái phiếu lớn. Trong bối cảnh thời điểm trả nợ vay hoặc đáo hạn trái phiếu tới gần nhưng các kênh huy động vốn bị thu hẹp như phát hành mới khó khăn hay room tín dụng bị hạn chế, thì kênh cầm cố cổ phiếu trên thị trường chứng khoán được đẩy mạnh nhằm tạo dòng tiền cho doanh nghiệp. Và từ đây, rủi ro giải chấp sẽ hình thành khi mà giá cổ phiếu giảm mà dòng tiền bên ngoài thì đã cạn rồi.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Nguyễn HoàngVnEconomy

Sự kiện nổi bật tuần qua là việc FED tăng lãi suất. Thị trường trong nước đã có một ngày sau đó khá bình yên, nhưng bất ngờ phiên cuối tuần lại chìm trong bán tháo. VN-Index thủng 1.000 điểm lần nữa. Vì sao nhà đầu tư đột nhiên lại trở nên hoảng loạn như vậy? Anh chị có nghĩ lần này thị trường sẽ tìm đáy mới hay không?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, một trong những yếu tố quyết định chính tới vận động của thị trường thời điểm hiện tại là dòng tiền chung đang rất eo hẹp. Rõ ràng như chúng ta thấy, thị trường vẫn đang trong một xu hướng giảm chính và dòng tiền suy giảm liên tục. Ngay trong tuần tăng điểm trước khi FED họp thì mức thanh khoản vẫn khá thấp, củng cố tín hiệu những phiên “bình yên” chỉ mang tính tạm thời của một nhịp hồi kỹ thuật.

Và cái gì tới cũng phải tới, những khó khăn về thanh khoản đã bộc phát tại những điểm yếu nhất, cổ phiếu thuộc nhóm Bất động sản xuất hiện trạng thái dư bán sàn ngay đầu phiên cuối tuần mà không thể tìm thấy lực cầu, như NVL, PDR có lượng dư bán sàn lớn... Như giọt nước tràn ly, tâm lý hoảng loạn bị đẩy lên cao với nhiều cổ phiếu khớp giá sàn, VN-Index cũng thủng luôn ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm.

Từ giờ tới cuối năm, tình hình vĩ mô trong nước cũng như thế giới vẫn diễn biến phức tạp và theo hướng tiêu cực, khi xu hướng chung của các nước cũng như Việt Nam vẫn là thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất. Với quan điểm rất rõ ràng, Ngân hàng nhà nước (SBV) sẽ ưu tiên ổn định tỷ giá hơn. Điều này cho thấy các biến số khác như lãi suất, room tín dụng sẽ bị siết chặt, và thanh khoản có thể tiếp tục bị thu hẹp. Hay nói cách khác, xu hướng chung vẫn là tiền bị rút ra, nên thị trường chứng khoán tiếp tục đối diện với rủi ro đi tìm đáy mới.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thấy giai đoạn này tâm lý nhà đầu tư rất yếu và bị ảnh hưởng rất nhiều từ những tin đồn hoặc tin xấu. Khi thấy tin đồn đoán hoặc tin xấu và có lực bán ra là nhà đầu tư lại hoảng loạn bán theo, trong khi cầu cổ phiếu hiện tại không nhiều rất dễ dẫn đến giảm mạnh.

Theo tôi khả năng tìm đáy mới của thị trường là khá thấp và tôi đang có góc nhìn thị trường sẽ tạo đáy theo mô hình “Vai - Đầu – Vai” ngược.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Trong bối cảnh các tin đồn thất thiệt không được kiểm chứng liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp, đi kèm với diễn biến giảm sàn của cổ phiếu liên quan đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Áp lực bán tăng mạnh phiên tái cơ cấu các quỹ ETFs khiến nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh trong khi lực cầu bắt đáy yếu ớt do tâm lý thận trong của thị trường là nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index điều chỉnh mạnh phiên thứ 6.

Tôi cho rằng yếu tố chi phối thị trường trong ngắn hạn giai đoạn hiện tại là yếu tố tâm lý. Nếu không xuất hiện các thông tin tiêu cực, tôi kỳ vọng thị trường sẽ quay trở lại xu hướng hồi phục trong tuần sau.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Mặc dù thị trường đã giảm điểm rất mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước trong bối cảnh VN-Index giảm có lúc hơn 40 – 44 điểm. Chỉ số có lúc giảm sâu về quanh vùng đáy cũ 960 – 980 điểm, nhưng kết phiên đà giảm đã được thu hẹp đánh kể.

Tôi nghĩ vẫn còn chút hy vọng về khả năng VN-Index bật nảy một số phiên trong tuần tới tại ngưỡng hỗ trợ này. Vẫn phải lưu ý nhà đầu tư là một vùng hỗ trợ rất mạnh khác khu vực 900 – 910 điểm ngay ở sát phía dưới.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Hiện mạch kết quả kinh doanh quý 3 đã kết thúc và những tháng cuối năm thị trường bước vào khoảng trống thông tin hỗ trợ, trong khi lại vẫn phải đối diện với những rủi ro liên quan đến lãi suất. Ngoài ra là nguy cơ sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý 4 khi các chi phí dần được phản ánh vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu phải chỉ ra yếu tố hỗ trợ trong ngắn hạn, theo anh chị điều gì có thể làm điểm tựa lúc này?

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Các yếu tố rủi ro đang chiếm ưu thế, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh các áp lực từ tỷ giá, lạm phát và lãi suất. Mặc dù vậy, xét về yếu tố tăng trưởng, kinh tế vĩ mô vẫn đang phát đi tín hiệu tích cực, trong khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, dù xuất hiện các yếu tố bất lợi, cũng được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong quý 4 ở hầu hết các nhóm ngành niêm yết (ngoại trừ 1 số ngành có yếu tố giá đầu ra biến động bất lợi hoặc các ngành thâm dụng vốn, sử dụng đòn bẩy cao).

Theo tôi đây là yếu tố tạo kỳ vọng nhất cho thị trường trong bối cảnh hiện tại. Thêm vào đó, diễn biến giảm sâu của thị trường thời gian quan cũng đã phản ánh đầy đủ các yếu tố rủi ro hiện tại. Nếu các yếu tố rủi ro này hạ nhiệt, thị trường hoàn toàn có thể xuất hiện một nhịp hồi đáng kể.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Hiện tại đang giai đoạn vùng trống thông tin nhưng tôi thấy báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 vừa rồi nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt nhưng giá bị ảnh hưởng bởi tâm lý hoảng loạn ngắn hạn. Khi điều này qua đi những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt sẽ có nhịp hồi phục tốt đem lại hiệu quả lợi nhuận tốt. Đợt này tôi đặc biệt chú ý dòng ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt và dòng tiền tham gia mạnh.

 
Xu thế dòng tiền: Tránh xa các cổ phiếu đang hứng chịu áp lực giải chấp - Ảnh 3

Câu chuyện hiện tại không phải là “ngay và luôn” mà đó là cổ phiếu gì, vùng giá thấp với tư duy đầu tư tầm nhìn dài có lẽ sẽ phù hợp hơn.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Nếu không tính đến một số nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan thì nhiều doanh nghiệp bất động sản, tài chính, ngân hàng, năng lượng lại có kết quả kinh doanh kém khởi sắc. Yếu tố hỗ trợ ngắn hạn có lẽ một số tín hiệu vĩ mô tích cực, tăng trưởng GDP 3 quý tính đến giai đoạn cuối tháng 10. P/E của thị trường đã giảm về mức 10.6 lần cũng là mức trung bình thấp nhất trong 10 năm trở lại, giá nhiều cổ phiếu đang về mức giá rẻ hấp dẫn so với giá trị nội tại của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Đúng như bức tranh được miêu tả, thị trường chứng khoán nhìn về hai tháng cuối năm này thì không thấy có lý do nào để tham gia cả, khi các yếu tố bất lợi từ những biến số vĩ mô khó lường như tỷ giá, lãi suất, đe dọa nền kinh tế suy thoái... hay tới yếu tố vi mô như lợi nhuận của doanh nghiệp dự báo sẽ sụt giảm bởi các yếu tố đầu ra cũng như đầu vào gặp bất lợi.

Tuy nhiên, sau giai đoạn giảm dài từ đầu tháng 4 tới nay, thị trường đã có mức chiết khấu khá lớn và mức định giá của thị trường đã về vùng hấp dẫn với P/E của thị trường ở mức 10x. Đây là mức định giá khá thấp trong nhiều năm trở lại đây, trong đó có nhiều nhóm ngành về mức định giá P/E là 7x như nhóm hóa chất và ngân hàng, với cá biệt có nhiều cổ phiếu trong hai nhóm này về mức P/E từ 3-5 lần như CSV, DGC, LPB, ACB, TCB...

Và theo tôi, nếu để tìm yếu tố hỗ trợ trong giai đoạn hiện tại, thì nhà đầu tư nên quan tâm tới yếu tố định giá của doanh nghiệp sau khi đã có sự đánh giá kỹ lưỡng về yếu tố cơ bản và triển vọng kinh doanh của quý 4 này cũng như của năm 2023.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Nhà đầu tư đang lo sợ hiện tượng giải chấp từ quy mô margin rất lớn đang có ở các công ty chứng khoán. Nhiều cổ phiếu cụ thể đang chịu áp lực bán cực lớn và rất có thể là do ảnh hưởng từ mức sụt giảm tài sản đảm bảo. Thực tế cũng đã có những thông báo giải chấp cổ phiếu của nhiều lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp gần đây. Trong trao đổi tuần trước, anh chị cũng đồng tình về hiện tượng cầm cố cổ phiếu trên quy mô lớn để lấy tiền mặt đang tạo rủi ro ngày càng cao nếu thị trường tiếp tục suy giảm. Làm cách nào để nhà đầu tư nhận diện những cổ phiếu có rủi ro này?

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi nghĩ cách nhận biết có 2 điểm: Thứ nhất, nhà đầu tư theo dõi cung cầu cổ phiếu trên sàn, cổ phiếu nào có lực cầu đỡ khỏe là những cổ phiếu ít rủi ro. Cổ nào lực cầu đỡ yếu sẽ là những cổ phiếu rủi ro. Thứ hai, doanh nghiệp nào tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu càng cao đặc biệt tiền càng ít, thì doanh nghiệp đó tỷ lệ rủi ro càng cao.

 
Xu thế dòng tiền: Tránh xa các cổ phiếu đang hứng chịu áp lực giải chấp - Ảnh 4

Tuần tới nếu có phiên tiền vào tăng mạnh sẽ là thời điểm giải ngân tốt vì lúc đó VN-Index sẽ củng cố luận điểm chỉ số hình thành mô hình “Vai - Đầu – Vai” ngược và sẽ có nhịp hồi phục tốt.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Theo tôi cũng không khó khăn gì khi nhận ra những cổ phiếu có rủi ro nếu các nhà đầu tư lưu ý về cơ cấu cổ đông, đặc điểm loạt hình kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động repos cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng như cấu trúc các loại nợ của doanh nghiệp đối với các tổ chức tài chính và đặc biệt là kết quả kinh doanh trong bối cảnh ngành nghề, nền kinh tế biến động; Những doanh nghiệp có những khoản nợ vay lớn, các khoản vay ngoại tệ, các hoạt động xuất nhập khẩu...

Trong những giai đoạn thế này thì những doanh nghiệp cơ bản, ổn định, ngành nghề thiết yếu tiện ích, bảo hiểm, tiêu dùng, bán lẻ... thường sẽ chống chịu tốt với những khó khăn, cú shock biến động ngắn hạn của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi để hạn chế rủi ro trong đầu tư cổ phiếu thì có nhiều cách, nhưng cách bền vững nhất đối với nhà đầu tư là nâng cao năng lực phân tích của mình, cả về năng lực phân tích cơ bản doanh nghiệp tới phân tích đồ thị kỹ thuật và diễn biến giá giao dịch trên sàn. Đặc biệt là phân tích được năng lực tài chính của doanh nghiệp mà mình dự định đầu tư.

Thị trường đang có hiện tượng, nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán cực lớn và có liên quan tới việc giải chấp cổ phiếu của nhiều lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Hiện tượng này cho thấy vấn đề cạn kiệt thanh khoản ở nhiều doanh nghiệp đang bộc lộ dần qua kênh cầm cố cổ phiếu khi giá trị cổ phiếu suy giảm nhưng không còn đủ tiền đối ứng bù vào.

Qua quá trình phân tích, tôi nhận thấy rằng, hiện việc giải chấp quy mô lớn bởi cầm cố cổ phiếu có liên quan tới lãnh đạo là những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao hoặc có dư nợ trái phiếu lớn. Trong bối cảnh thời điểm trả nợ vay hoặc đáo hạn trái phiếu tới gần nhưng các kênh huy động vốn bị thu hẹp như phát hành mới khó khăn hay room tín dụng bị hạn chế, thì kênh cầm cố cổ phiếu trên thị trường chứng khoán được đẩy mạnh nhằm tạo dòng tiền cho doanh nghiệp. Và từ đây, rủi ro giải chấp sẽ hình thành khi mà giá cổ phiếu giảm mà dòng tiền bên ngoài thì đã cạn rồi.

Vì vậy, nhà đầu tư chỉ nên nhận diện rủi ro này ở những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, có liên quan tới phát hành trái phiếu chất lượng thấp, chứ không nên đánh đồng tất cả các doanh nghiệp trên thị trường.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Giao dịch ngắn hạn những ngày qua cũng có cơ hội tốt ở nhiều cổ phiếu. Tuy vậy thanh khoản quá thấp và đa số nhà đầu tư cũng chỉ có quan điểm lướt sóng nhanh và vị thế nhỏ. Anh chị có tham gia lướt sóng không? Hiện một lượng lớn tiền vẫn đang đứng ngoài, nếu phải tư vấn về thời điểm giải ngân, anh chị sẽ chọn thời điểm nào?

 
Xu thế dòng tiền: Tránh xa các cổ phiếu đang hứng chịu áp lực giải chấp - Ảnh 5

Diễn biến giảm sâu của thị trường thời gian quan cũng đã phản ánh đầy đủ các yếu tố rủi ro hiện tại. Nếu các yếu tố rủi ro này hạ nhiệt, thị trường hoàn toàn có thể xuất hiện một nhịp hồi đáng kể.

Ông Trần Đức Anh

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Tôi không lướt sóng ngắn hạn, tuy nhiên đã nâng tỷ trọng danh mục lên mức cao đối với mục tiêu đầu tư dài hạn, tập trung ở các cổ phiếu cơ bản, kỳ vọng tăng trưởng cao, ổn định và không chịu ảnh hưởng bởi các biến động ở thị trường tài chính và mặt bằng lãi suất.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi không nghĩ rằng lướt sóng là dễ dàng đặc biệt là giai đoạn hiện tại. Có thể thị trường đang giảm về vùng đáy hoặc có thể điều chỉnh thêm, nhưng mặt bằng nhiều cổ phiếu về mức giá thấp, hấp dẫn và điều này chỉ thuận lợi cho các nhà đầu tư dư tiền, tâm lý ổn định, tầm nhìn đầu tư trung và dài hạn hoặc ngay kể cả chiến lược tích sản định kỳ có khi mới phù hợp.

Câu chuyện hiện tại không phải là “ngay và luôn” mà đó là cổ phiếu gì, vùng giá thấp với tư duy đầu tư tầm nhìn dài có lẽ sẽ phù hợp hơn. Một số cổ phiếu có thể mang lại lợi suất sinh lời tốt nhưng có lẽ cũng chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc theo sát thị trường và tất nhiên là chỉ với tỷ trọng nhỏ.

Về thời điểm giải ngân, tôi nghĩ có lẽ tháng 11 và tháng 12 là những tháng có thể có thời điểm tốt để tham gia. Một số cổ phiếu sẽ không giảm tiếp kể cả thị trường có chao đảo thế nào là một lựa chọn; một số cổ phiếu có thể vào một vùng giá rẻ hấp dẫn để tiến hành chiến lược mua tích lũy (tham dò + gia tăng tỷ trọng nhỏ...).

Dù thế nào đi nữa tôi cho rằng thị trường có thể xác định đáy rõ nét hơn từ nay đến quý 1/2023. Cơ hội săn tìm cổ phiếu tốt giá hời đã và đang bắt đầu. Tôi nghĩ chúng ta nên hào hứng với quá trình chọn lọc cổ phiếu này.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dưới góc nhìn thị trường vẫn trong một xu hướng giảm dài hạn, và các đợt tăng nếu xuất hiện có thể chỉ mang tính kỹ thuật hoặc ngắn hạn, thì tôi nhận thấy quan điểm lướt sóng nhanh với vị thế nhỏ là hợp lý trong bối cảnh hiện tại.

Cũng dưới quan điểm đó, tôi cho rằng thời điểm tốt để giải ngân có các vị thế như vậy có thể là lúc thị trường xuất hiện dấu hiệu quá bán ngắn hạn và có sự cân bằng tạm thời.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi tuần tới nếu có phiên tiền vào tăng mạnh sẽ là thời điểm giải ngân tốt vì lúc đó VN-Index sẽ củng cố luận điểm chỉ số hình thành mô hình “Vai - Đầu – Vai” ngược và sẽ có nhịp hồi phục tốt.