12 siêu vi khuẩn kháng kháng sinh là gì?
Kháng kháng sinh là khả năng của một vi sinh vật (vi trùng, virus) ngăn chặn tác dụng của một thuốc chống lại nó. Hậu quả là, các phương pháp điều trị chuẩn trở nên không hiệu quả, vi sinh vật gây bệnh vẫn tồn tại và có thể lan sang người khác.
Trong những năm qua, việc sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh đã làm tăng số lượng và chủng loại vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, nhiều bệnh truyền nhiễm có thể một ngày nào đó sẽ trở nên không kiểm soát được. Với sự phát triển của thương mại và du lịch toàn cầu, các vi sinh vật kháng thuốc có thể lây lan nhanh chóng đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo dự báo đến năm 2050, số lượng tử vong do kháng thuốc sẽ lên đến con số 10 triệu người, dẫn đầu và vượt xa so với ung thư 8,2 triệu; đái tháo đường 1,5 triệu; tai nạn giao thông 1,2 triệu và các nguyên nhân khác.Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố một danh sách 12 loại siêu vi khuẩn nguy hiểm hàng đầu thế giới. Được đặt tên là danh sách "ưu tiên", các siêu vi khuẩn này hiện nay đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người. Các siêu vi khuẩn trong danh sách của WHO được liệt kê theo 3 nhóm, dựa trên mức độ cấp bách mà chúng ta cần tới loại thuốc mới để điều trị chúng.
Đứng đầu danh sách 12 loại siêu vi khuẩn này là các vi khuẩn gram âm, từng được biết đến như một nỗi ám ảnh kinh hoàng tại bệnh viện. Các vi khuẩn gram âm kháng quá nhiều loại kháng sinh trong điều trị. Acinetobacter baumannii và pseudomonas aeruginosa, hai loài được đặt trên đầu mức độ ưu tiên "tới hạn", có khả năng kháng lại Carbapenem, một trong những loại kháng sinh mạnh nhất của con người. Chúng thường bủa vây trong các bệnh viện, cơ sở y tế và nhà dưỡng lão, lan truyền qua các thiết bị như quạt thông gió hoặc nhiễm cả vào ống tiêm, để rồi gây ra những ca nhiễm khuẩn chết người. Đứng ở hàng thứ 3 trong nhóm đầu là Enterobacteriaceae, cả một họ vi khuẩn bảo gồm những loài như E. coli và chi klebsiella. Enterobacteriaceae cũng là một mối đe dọa lớn trong các bệnh viện hiện tại.Nằm trong nhóm Ưu tiên cao, chúng ta có thể nhận ra vi khuẩn Salmonella và vi khuẩn lậu. Cùng với đó là Campylobacter gây ngộ độc thực phẩm và Helicobacter pylori gây viêm dạ dày. Mặc dù chưa thể đạt tới mức độ gây khủng hoảng, tiến sĩ Enne tin rằng các loại thuốc dành cho nhóm vi khuẩn này cũng phải được phát triển nhanh chóng. Có một cách để chúng ta kéo dài thời gian với nhóm này. Đó là việc phát triển các hình thức chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Qua đó, thuốc có thể được sử dụng đúng để tiêu diệt chúng ngay lần đầu tiên, tránh sử dụng kháng sinh tiếp theo không cần thiết.
WHO cũng đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 hiệu quả thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4. Đáng lo ngại hơn, nước ta đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Bởi vậy, Tiến sĩ Marie-Paule Kieny, trợ lý giám đốc tại WHO nhấn mạnh: "Yêu cầu về những phương pháp điều trị mới và hiệu quả dành cho chúng là điều bắt buộc phải có".
Thông thường, để đưa ra đời một loại kháng sinh mới phải mất gần 10 năm cho các khâu nghiên cứu, thử nghiệm và lượng giá trước khi được sử dụng trên con người trong khi chỉ cần vài ba năm cho vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, trước tình hình bùng nổ các chủng vi khuẩn đề kháng và sự bão hòa các thuốc kháng sinh, các tổ chức y tế toàn cầu buộc phải đưa ra những phác đồ phối hợp nhiều loại kháng sinh mạnh nhằm tạm thời ứng phó với đề kháng kháng sinh. Chính vì điều đó trong vài năm sắp tới, chúng ta phải gánh chịu chi phí khổng lồ từ việc sử dụng kháng sinh cũng như tỷ lệ tử vong ngày càng gia tăng.WHO cũng dự báo đến năm 2050 chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trong mỗi năm. Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với khủng hoảng tài chính.
Phân tích về yếu tố nguy cơ dẫn đến kháng kháng sinh trầm trọng như hiện nay, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết: Có nhiều lý do dẫn đến kháng kháng sinh nhưng lý do quan trọng là việc lạm dụng, sử dụng kháng sinh quá nhiều và không đúng cách xảy ra ở tất cả các nơi, kể cả ở bệnh viện. Ngoài ra, thực trạng các bác sĩ tùy tiện kê kháng sinh, cộng đồng mua kháng sinh không cần kê đơn, sử dụng tùy tiện dẫn đến hệ lụy những loại thuốc kháng sinh đang dùng để điều trị các bệnh cơ bản không còn hiệu lực. Không chỉ sử dụng kháng sinh bừa bãi trên người, hiện nay việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi như một chất kích thích tăng trưởng cũng là một nguyên nhân gây kháng thuốc.