Thị trường thực phẩm chức năng online tiềm ẩn nhiều rủi ro
Nhiều sự việc ghi nhận gần đây tiếp tục là lời cảnh báo về tình trạng người dân tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân, mỹ phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, không được kiểm định y tế…

Bệnh viện Quân y 175 vừa điều trị thành công một nữ bệnh nhân sức khỏe nguy kịch do sử dụng các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Cụ thể, bệnh nhân T. (40 tuổi, ngụ tại phường Hạnh Thông) nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, mệt mỏi, nổi ban đỏ khắp cơ thể, kèm theo tổn thương da nghiêm trọng và đau rát vùng miệng, họng khiến ăn uống trở nên khó khăn.
Trước đó khoảng một tháng, bệnh nhân đã sử dụng các sản phẩm “giảm mỡ bụng” và “collagen làm đẹp da” được quảng cáo là có khả năng giảm cân, thải độc và tăng cường sức khỏe. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàng loạt chỉ số sinh hóa bất thường: tăng bạch cầu, tăng men gan, suy thận và phản ứng viêm lan rộng...
“CHỢ MẠNG” BÁN THỰC PHẨM CHỨC NĂNG
Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, tính riêng tại TP. Hà Nội có khoảng 63% người trưởng thành từng sử dụng thực phẩm chức năng; trong đó nhóm tuổi từ 30 đến 55 là nhóm tiêu dùng chính. Thị trường hiện có hàng nghìn sản phẩm đến từ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các dòng sản phẩm phổ biến nhất bao gồm: Thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa, xương khớp, tăng cường miễn dịch, làm đẹp da và bổ sung vitamin…

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Hùng, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: “Sử dụng bừa bãi hoặc mua phải sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc có thể gây hại gan, thận hoặc dẫn đến ngộ độc”. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng trôi nổi chứa các thành phần hóa học tổng hợp không được công bố hoặc vượt quá liều lượng an toàn. Những chất này có thể gây tổn thương khi dùng kéo dài, đặc biệt là với người cao tuổi hoặc có bệnh nền.
Ông Hùng cũng cho biết: “Tôi từng gặp bệnh nhân đái tháo đường nhập viện vì hôn mê do hạ đường huyết sau khi dùng thực phẩm chức năng được quảng cáo là ổn định đường huyết tự nhiên”.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, thực phẩm bổ sung không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là khi bị gian lận về ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng. Những độc tố từ hóa chất bảo quản, vi sinh vật, kim loại nặng... có thể âm thầm tích tụ trong cơ thể và ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan, thận, hệ miễn dịch.
Thực tế, thị trường thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada… vẫn đang hỗn loạn bởi tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan. Không khó để tìm thấy những sản phẩm được quảng cáo “thần tốc” về hiệu quả giảm cân, tăng chiều cao, cải thiện sinh lý… nhưng không có giấy công bố sản phẩm, không ghi tên nhà phân phối, không mã vạch hoặc mập mờ về xuất xứ.

Nhiều sản phẩm thậm chí chưa được đăng ký với Bộ Y tế, nhưng vẫn gắn mác “hàng nội địa Nhật”, “hàng Mỹ chính hãng”, tạo cảm giác yên tâm giả tạo cho người tiêu dùng. Trong khi đó, chế tài hiện hành còn nhẹ, việc kiểm duyệt và gỡ bỏ sản phẩm vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn do quy mô quá lớn và sự thiếu hợp tác từ phía một số đơn vị vận hành sàn.
Đơn cử, vào ngày 27/5, qua công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm phát hiện một số sản phẩm thực phẩm chức năng thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quảng cáo và kinh doanh nhưng chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, được bán trên các sàn thương mại điện tử.
Các sản phẩm này bao gồm: Omega 3-6-9 1600 mg; Natto Kinase 4000fu; Estroven - Complete Multi - Sympton; Kirkland Glucosamine 1500 mg và Chondroitin 1200 mg; Glucosamine 1500mg With MSM 1500mg…
CẦN SIẾT CHẶT CÔNG TÁC HẬU KIỂM
Trước thực trạng thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung ngày càng phát triển mạnh trên môi trường số, Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP, với nhiều quy định mới nhằm siết chặt quản lý, đặc biệt là công tác hậu kiểm đối với các sản phẩm tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.

Theo dự thảo mới, ngoài các nội dung hậu kiểm truyền thống như kiểm tra tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu kiểm nghiệm, cơ quan chức năng sẽ đối chiếu thông tin sản phẩm trên các nền tảng số với thực tế. Điều này bao gồm so sánh nội dung quảng cáo, hình ảnh, nhãn mác sản phẩm giữa sàn thương mại điện tử và hàng hóa lưu thông thực tế.
Đây là điểm hoàn toàn mới, chưa được đề cập trong Nghị định 15 hiện hành. Bộ Y tế nhấn mạnh, bước kiểm tra chéo này nhằm kiểm soát tình trạng quảng cáo sai lệch công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp được hậu kiểm đột xuất, bao gồm khi có dấu hiệu vi phạm, phản ánh từ người dân, thông tin cảnh báo từ trong và ngoài nước, hoặc trong các đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm.
Nội dung hậu kiểm gồm kiểm tra sự phù hợp với tiêu chuẩn công bố, nhãn mác, tài liệu liên quan, truy xuất nguồn gốc và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sản phẩm. Nếu có nghi vấn, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm theo quy định.
Đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quyền thu hồi các giấy tờ pháp lý như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, nhằm tăng tính răn đe và đảm bảo minh bạch thông tin.
Dự thảo lần này bổ sung yêu cầu bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bổ sung, đồng thời kiểm soát nội dung quảng cáo, công dụng. Các nhóm thực phẩm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ trên 36 tháng sẽ phải đăng ký bản công bố trước khi lưu thông, thay vì chỉ tự công bố như trước.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nhóm sản phẩm đặc biệt này sẽ phải đạt chuẩn GMP, HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương, thay vì chỉ cần đủ điều kiện an toàn thực phẩm thông thường. Bộ Y tế cũng đề xuất giám sát cả người thực hiện, người chuyển tải quảng cáo (KOLs, người nổi tiếng) và công khai mối quan hệ tài trợ giữa họ và doanh nghiệp.
Về phía quản lý nhà nước, Bộ Y tế kiến nghị kết nối dữ liệu giữa các bộ ngành và địa phương qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, để đảm bảo thống nhất hậu kiểm, chia sẻ kết quả và truy vết nguồn gốc trên toàn quốc.