14:09 09/07/2025

Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững

Băng Sơn

Từ sàn diễn Paris, một tín hiệu rõ ràng được gửi đi: "Tôi không thiết kế để quần áo chỉ mặc lên người, tôi thiết kế để người và tự nhiên có thể thở cùng nhau". Iris Van Herpen chia sẻ về bộ sưu tập Haute Couture của mình như vậy...

Ảnh: Vogue
Ảnh: Vogue

Lựa chọn nhà hát 200 năm tuổi Elysée Montmartre là nơi tổ chức, Iris Van Herpen ra mắt bộ sưu tập Haute Couture Thu - Đông 2025, một lần nữa xóa nhòa ranh giới giữa thời trang, khoa học và trải nghiệm giác quan. Trình diễn chỉ 18 thiết kế, show diễn không đơn thuần là một cuộc diễu hành thời trang, mà là sự sống dưới hình hài vải vóc. 

Tựa như những cấu trúc điêu khắc, mỗi thiết kế mở ra đối thoại giữa nghệ thuật, sinh học và công nghệ. Nếu thời trang Haute Couture từng được coi là đỉnh cao của sự xa xỉ, thì với Iris Van Herpen, nó lại là đỉnh cao của tầm nhìn tương lai. Thực tế khi nói về thời trang bền vững, đa phần các thương hiệu dừng ở mức tái chế hoặc giảm lượng nước, năng lượng, nhưng Iris Van Herpen luôn đi trước một bước.

Nhà thiết kế nữ này không chỉ tìm cách "bảo vệ môi trường", mà đang chủ động tái sinh môi trường thông qua thiết kế: Những sợi tảo phát quang, vải Air Fabric gần như không trọng lượng, và vải bio-protein thuần sinh học, tất cả tạo nên một “hệ sinh thái mặc”. Từ đó, những thiết kế váy tuyệt vời như thách thức trọng lực, khơi gợi những suy nghĩ sâu sắc về hành tinh.

Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 1
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 2
 
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 3
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 4
 
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 5
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 6
 

Xuyên suốt bộ sưu tập, là một hành trình truy vấn vật liệu và chuyển động. “Khi vui, chúng sẽ phản ứng với từng chuyển động của người mặc,” nhà thiết kế chia sẻ trong buổi preview bộ sưu tập Haute Couture lần này. Không bỏ sót bất kỳ giác quan nào, cô cũng đã nhờ chuyên gia nước hoa Francis Kurkdjian phát triển một loại nước hoa riêng biệt, tỏa ra như một làn sóng trong suốt buổi trình diễn.

Một bộ đầm dài xuyên thấu, dệt từ sợi tảo phát sáng (bioluminescent algae) mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho sàn runway. Những sợi vải được nuôi cấy với vi tảo phát quang tạo nên hiệu ứng lấp lánh dịu dàng, gợi nhớ đến những con sóng âm thầm phát sáng dưới đại dương.

Thiết kế này được đồng thực hiện cùng Christopher Bellamy, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp Bio Crafted. Anh chia sẻ rằng loại tảo được nuôi dưỡng trong nước biển, sau đó được đựng trong gel có dưỡng chất. Gel này được đặt vào trong khung xương in 3D họa tiết trên chiếc váy. Như vậy, 125 triệu tảo biển vi sinh này vẫn đang sinh sống bên trong chiếc váy.

Cấu trúc vai được xử lý như vây cá, xếp nếp mảnh, uốn lượn ôm sát cánh tay, thể hiện tinh thần "hữu cơ sống động" mà Iris Van Herpen luôn theo đuổi. “Chúng đòi hỏi được chăm sóc như cây cảnh vậy”, anh Christopher Bellamy giải thích. Thậm chí, chúng cũng cần ngủ như con người.

Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 7
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 8
 
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 9
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 10
 
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 11
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 12
 

Do đó, thiết kế đặc biệt trong BST Iris Van Herpen Haute Couture Thu - Đông 2025 cần được bảo quản trong một môi trường mô phỏng ngày và đêm. Nếu được nuôi dưỡng tốt, chúng sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở trong chiếc váy, khiến thiết kế càng phát sáng rực rỡ hơn nữa.

Nếu ví các thiết kế Couture truyền thống như những tượng đài điêu khắc, thì Air Fabric lại giống như một làn hơi thở, mơ hồ, bay bổng. Vải di chuyển mềm mại đến mức đôi khi gần như biến mất dưới ánh đèn runway, chỉ còn lại bóng mờ siêu thực của những hình khối điêu khắc lơ lửng. Với chất liệu này, Iris Van Herpen không chỉ dừng lại ở câu chuyện mặc đẹp, mà còn đặt ra câu hỏi: "Liệu thời trang có thể nhẹ đến mức trở thành một trạng thái?"

Ở một thiết kế khác, bộ bodysuit ôm sát, đính hàng trăm dải sợi tảo phát sáng đan vào nhau, tạo nên chuyển động ánh sáng theo từng nhịp chân. Khi người mẫu di chuyển, toàn bộ dải sợi rung lên như những xúc tu biển sâu, phát ra ánh xanh lạnh, khiến người xem có cảm giác "nhìn thấy" nhạc điệu. Với Iris, đây không chỉ là một chất liệu, mà còn là một tuyên ngôn: thời trang có thể tự “thở”, tự “sống” và thậm chí đóng góp vào việc tái tạo oxy - một bước tiến xa hơn cả khái niệm "bền vững".

Tương tự, “Biolace” - ren sinh học - là một bộ váy cocktail dài ngang bắp chân, toàn bộ được đan từ sợi tảo biển siêu mảnh, tạo nên họa tiết ren hữu cơ lượn sóng. Những lỗ hở trên bề mặt gợi liên tưởng đến cấu trúc tế bào khi soi dưới kính hiển vi. Phần ngực và lưng đan xen những đường thêu bằng sợi phát sáng, phát ra ánh lân tinh nhẹ khi đèn sân khấu hạ xuống, biến toàn bộ trang phục thành một "cánh đồng ánh sáng" thu nhỏ.

Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 13
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 14
 
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 15
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 16
 
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 17
Thời trang cao cấp tiến xa hơn cả ý niệm bền vững - Ảnh 18
 

Trong khi đó, tác phẩm “Rebirth Bride” - Cô dâu tái sinh - chính là chiếc váy cưới từ bio-protein kết thúc show, tạo nên hình ảnh đọng lại mạnh mẽ nhất. Chiếc váy cưới trắng tinh khôi, nhẹ như sương mỏng, được tạo nên từ vật liệu sinh học được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm Nhật Bản, có khả năng phân hủy hoàn toàn và tái chế 100%.

Phần thân trên ôm sát với các chi tiết gợn sóng như vỏ sò, đính những hạt "giọt nước" trong suốt mô phỏng hạt sương buổi sáng. Tà váy dài, xếp nếp mỏng manh như cánh sứa, trôi nhẹ phía sau. Được chiếu sáng từ bên trong, chiếc váy tựa như một sinh vật biển phát sáng, ám chỉ sự sống vĩnh hằng, sự tuần hoàn không ngừng của thiên nhiên, một biểu tượng mạnh mẽ về tương lai của thời trang và mối quan hệ giữa con người với hành tinh.

Bộ sưu tập mới tiếp tục khẳng định sức sáng tạo của Iris Van Herpen và cách cô định nghĩa thế nào là thời trang cao cấp. Càng đáng ngưỡng mộ khi cô có thể theo đuổi đam mê của mình mà không cần phải phụ thuộc vào những tập đoàn thời trang tỷ USD.

Nhà thiết kế Iris Van Herpen.
Nhà thiết kế Iris Van Herpen.

Được coi là nhà thiết kế thời trang sử dụng ít vải nhất trong làng mốt, trước đó cô đã từng thử sức với các chất liệu như thủy tinh borosilicate, màng mylar, polyurethane, organza thủy tinh, bột polyamit và polyme thạch cao nhiệt…  Có thể nói thông qua thời trang, cô đang đặt ra những câu hỏi về một thế giới hiện đại bị cuốn vào những nghịch lý, bị bóp nghẹt bởi khí hậu và khủng hoảng xã hội.

Ý thức được các vấn đề của thời đại mình, hết mùa này sang mùa khác, bằng sự hợp tác nhạy cảm, sáng suốt của cô với các phòng thí nghiệm và công ty công nghệ, Iris van Herpen coi thời trang như một “ngôn ngữ giao tiếp” liên ngành, một thứ tiếng mà bất kỳ lĩnh vực nào đều hiểu được. 

Cô giải thích: "Việc kết hợp công nghệ hiện đại với tay nghề truyền thống sẽ mang lại tầm nhìn thời trang cao cấp vào thế giới ngày nay. Khi thời đại AI bắt đầu, thời trang Haute Couture là lời nhắc nhở về vẻ đẹp cần được tiếp nối khi làm ra từ một bàn tay chứ không phải của một cỗ máy. Chính điều này đang đưa thời trang hướng đến tương lai”.