An ninh lương thực toàn cầu bị đe doạ vì thiếu mưa ở Ấn Độ
Nguồn cung lúa gạo có thể nổi lên thành một thách thức mới đối với an ninh lương thực toàn cầu, do tình trạng thiếu mưa ở các vùng canh tác của Ấn Độ khiến diện tích trồng trọt ở nước này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm...
Theo Bloomberg, trong vụ gieo trồng hiện tại, tổng diện tích canh tác nông nghiệp tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, đã giảm 13% do thiếu mưa ở một số khu vực, bao gồm bang West Bengal và Uttar Pradesh. Đây là hai bang chiếm khoảng 25% tổng sản lượng lúa gạo nước này.
Điều này diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang lao đao với giá thực phẩm tăng vọt và lạm phát cao.
Nhiều người lo ngại rằng sản lượng lúa gạo sụt giảm sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của Ấn Độ và dẫn tới việc nước này áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Động thái như vậy sẽ tác động sâu rộng tới hàng tỷ người sử dụng lúa gạo làm lương thực chính khi Ấn Độ chiếm 40% thương mại lúa gạo toàn cầu. Chính phủ nước này hiện đang hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường để bảo vệ an ninh lương thực và kiểm soát giá cả trong nước.
“Giá lúa gạo tăng vọt ở Ấn Độ phản ánh mối lo về sản lượng. Giá một số loại gạo đã tăng hơn 10% trong hai tuần qua ở các bang canh tác nông nghiệp lớn như Tây Bengal, Odisha và Chhattisgarh do thiếu mưa và nhu cầu từ Bangladesh tăng lên”, ông Mukesh Jain, giám đốc hãng vận chuyển lúa gạo Sponge Enterprises Pvt. “Giá xuất khẩu có thể tăng lên 400 USD/tấn vào tháng 9, từ mức 365 USD hiện nay, tính theo giá giao hàng trên tàu (free on board)".
Hầu hết lúa gạo của thế giới được trồng và tiêu thụ tại châu Á, do đó đây là mặt hàng có vai trò quan trọng với sự ổn định kinh tế, chính trị ở khu vực này. Ngược lại với sự tăng vọt của giá lúa mì và ngô sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, giá gạo đến nay được kiểm soát nhờ sản lượng canh tác và nguồn dự trữ dồi dào, giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực lớn hơn.
Sản lượng lúa gạo của thế giới phụ thuộc không nhỏ vào vụ thu hoạch tại Ấn Độ và diễn biến gió mùa ở nước này. Một số nhà khoa học về nông nghiệp tỏ ra lạc quan rằng vẫn còn thời gian để tiếp tục canh tác và bù đắp phần nào sự thiếu hụt do diện tích canh tác bị thu hẹp. Tháng 8 và tháng 9 được dự báo sẽ mưa bình thường, giúp tăng sản lượng.
Tuy nhiên, nhiều nông dân Ấn Độ tỏ ra không mấy lạc quan. Ông Rajesh Kumar Singh, 54 tuổi, một nông dân ở bang Uttar Pradesh, trong vụ này, ông chỉ canh tác trên một nửa diện tích trên tổng số 2,8 hecta đất của mình do mưa ít trong tháng 6 và tháng 7.
“Tình hình thực sự rất bấp bênh”, ông chia sẻ.
Theo giáo sư Himanshu tại Đại học Jawaharlal Nehru, giá gạo đang chịu áp lực.
"Hiếm khi việc gieo mạ được thực hiện sau thời điểm giữa tháng 7, vì vậy hy vọng tình hình khởi sắc rất khó. Sản lượng sụt giảm là một rủi ro lớn đối với lạm phát”, ông nhận định.
Lạm phát tại nước này hiện vẫn ở mức vượt giới hạn cho phép 6% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) năm nay.
“Diện tích gieo mạ giảm trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu từ Bangladesh và các nước Trung Đông khác tăng lên đã đẩy giá các loại gạo tăng tới 30% kể từ tháng 6. Điều này đặt ra thách thức về lạm phát lương thực”, nhà kinh tế Kaushik Das của Deutsche Bank nhận định.
Theo các nhà phân tích, ngân hàng trung ương Ấn Độ có thể nâng thêm lãi suất cho vay trong tuần này do đồng Rupee yếu đã làm giảm tác dụng của việc một số mặt hàng như nhiên liệu và dầu thực vật giảm.
“Nếu sự chênh lệch về lượng mưa theo giữa các vùng địa lý tiếp diễn, việc này có thể gây tác động bất lợi đến sản lượng canh tác và gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và việc kiểm soát lạm phát”, nhà kinh tế Sonal Varma tại Nomura Holdings Inc., nhận định.
Ấn Độ cung cấp lúa gạo cho hơn 100 quốc gia, trong đó Bangladesh, Trung Quốc, Nepal và một số nước Trung Đông là những khách hàng lớn nhất.
Đối với thế giới nói chung, tình hình an ninh lương thực vẫn có một số điểm sáng như Mỹ chuẩn bị có vụ lúa mỳ bội thu hay Ukraine đã nối lại xuất khẩu ngũ cốc lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh nổ ra.