Báo động chậm giải ngân đầu tư công trong 3 tháng đầu năm
Báo cáo giải ngân đầu tư công của Bộ Tài chính cho biết đến cuối quý 1/2025 vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân và 6 địa phương giải ngân dưới 5%. Đáng lưu ý, đây là cột trụ của tăng trưởng năm nay...

Tại báo cáo cập nhật tình hình giải ngân vốn đầu tư công vừa công bố, Bộ Tài chính cho biết đến cuối quý 1/2025 vẫn còn 21 trong tổng số 47 bộ, cơ quan trung ương và 35 trong số 63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 62.015,2 tỷ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch; trong đó vốn ngân sách trung ương là 25.454,8 tỷ đồng và vốn cân đối từ ngân sách địa phương là 36.560,4 tỷ đồng.
Bộ Tài chính ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31 tháng 3 năm 2025 là 78.712 tỷ đồng, đạt 8,98% kế hoạch, tương đương 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 11,64% kế hoạch và 12,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Riêng vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ước đạt 3.638,8 tỷ đồng, tương ứng 16,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 888.087,9 tỷ đồng. Cụ thể: Thủ tướng Chính phủ giao 825.922,3 tỷ đồng; phần vốn ngân sách địa phương tự cân đối, giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng giao là 50.716 tỷ đồng; vốn kế hoạch từ các năm trước được phép kéo dài sang năm 2025 là 11.449,7 tỷ đồng.
(Báo cáo của Bộ Tài chính)
Trong 3 tháng đầu năm 2025, có 13 trong tổng số 47 bộ, cơ quan trung ương và 36 trong số 63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt (trên 20%) gồm: Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (23,73%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20,37%), Phú Thọ (35,04%), Bắc Kạn (28,85%), Tuyên Quang (28,14%), Hà Nam (25,58%), Lào Cai (22,89%), Hà Giang (21,75%) và Bình Định (20,25%).
Tuy nhiên, trong cùng thời gian, vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công. Một số đơn vị được nêu tên là Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán Nhà nước…
Ngoài ra, có 16 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 5%. Các đơn vị được nêu tên là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Phước, Cà Mau và Quảng Ninh.
Báo cáo nêu rõ 5 nhóm khó khăn chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Thứ nhất, về cơ chế, chính sách: Luật Đầu tư công năm 2024 và các Nghị định hướng dẫn chưa quy định rõ nội dung, trình tự, thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Nhiều lĩnh vực thiếu định mức chi phí quản lý, tư vấn dự án. Thời hạn điều chỉnh kế hoạch vốn chưa phù hợp, các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm ban hành.
Thứ hai, phân bổ vốn chậm. Tính đến 15/3/2025 còn khoảng 62.015 tỷ đồng chưa phân bổ (7,51% kế hoạch Thủ tướng giao), chủ yếu là vốn cho dự án chưa hoàn tất thủ tục. Một số bộ, ngành phân bổ vốn cho dự án chưa đủ điều kiện, vượt tổng mức, vượt thời gian bố trí vốn.
Thứ ba, tổ chức thực hiện còn vướng. Việc sắp xếp bộ máy hành chính khiến nhiều dự án tạm dừng, kéo dài thời gian thẩm định, thanh toán, quyết toán. Công tác giải phóng mặt bằng chậm do vướng mắc pháp lý, giá vật liệu tăng cao, nguồn cung hạn chế, vướng quy hoạch khoáng sản.
Thứ tư, nguồn thu ngân sách địa phương từ đất chưa đảm bảo theo dự toán, dẫn đến chậm phân bổ và giải ngân.
Thứ năm, liên quan chương trình mục tiêu quốc gia, chưa ban hành quyết định điều chỉnh, hướng dẫn còn chậm và phức tạp, tâm lý e ngại ở địa phương và hạn chế về quỹ đất, định mức hỗ trợ thấp gây khó khăn cho triển khai và giải ngân.
Để bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 95% như kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp trọng tâm, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn đang cản trở tiến độ thực hiện.
Trước hết, với phần vốn đã được phân bổ, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời chủ động rà soát, xử lý những vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Riêng phần vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3/2025, Bộ Tài chính kiến nghị thu hồi để kịp thời điều chuyển cho các dự án đang cần bổ sung vốn, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
Bên cạnh đó, những dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp hoặc trải dài nhiều địa bàn cần được đặc biệt chú trọng trong công tác tổ chức và giám sát, tránh chậm trễ do điều kiện thi công, thiếu vật liệu hoặc vướng mắc hành chính. Bộ cũng khuyến nghị chủ đầu tư sớm triển khai các thủ tục tạm ứng sau khi ký hợp đồng, đẩy nhanh nghiệm thu và thanh toán để rút ngắn thời gian giải ngân.
Đồng thời, việc theo dõi tiến độ giải ngân cần được thực hiện sát sao theo từng tháng, từng quý, làm căn cứ điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp, ưu tiên cho các dự án cấp bách, có khả năng giải ngân cao. Đối với nguồn thu ngân sách địa phương, cần đẩy nhanh tiến độ thu, nhất là thu từ đất, để không làm chậm tiến độ phân bổ vốn đầu tư.