Kinh tế Việt Nam 2025: Bứt phá nhờ cải cách thể chế và đầu tư công hiệu quả
Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại 2024 của Trường Đại học Thương mại dự báo GDP Việt Nam năm 2025 có thể đạt mức 7,52% trong kịch bản cơ sở – cao nhất kể từ sau đại dịch. Những động lực chính được xác định gồm: cải cách thể chế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thu hút FDI chất lượng cao và chính sách điều hành vĩ mô linh hoạt. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý một số rủi ro cần theo dõi chặt chẽ như áp lực lạm phát, địa chính trị và tiến độ cải cách thực thi...

Mới đây, Trường Đại học Thương mại đã công bố “Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại 2024 – Công nghệ AI trong kỷ nguyên số”. Đây là ấn phẩm lần thứ bảy trong chuỗi báo cáo thường niên nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế và thương mại nổi bật trong năm, đồng thời đề xuất các định hướng chính sách trọng yếu.
Trình bày kết quả nghiên cứu, PGS.TS Phan Thế Công – thành viên nhóm biên soạn – cho biết, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ. Đây được xem là thời điểm bản lề, khi những động lực đến từ cải cách thể chế, thúc đẩy đầu tư công và gia tăng dòng vốn FDI chất lượng cao có thể tạo ra bước ngoặt cho tăng trưởng.
GDP VIỆT NAM 2025 CÓ THỂ ĐẠT 7,52%
Theo Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại 2024 của Trường Đại học Thương mại, có ba kịch bản tăng trưởng GDP được xây dựng cho năm 2025. Trong đó, kịch bản cơ sở – được đánh giá là có xác suất cao nhất – dự báo GDP sẽ tăng 7,52%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ở mức 3,87%. Đây là mức tăng trưởng được nhận định là ấn tượng, cao nhất kể từ sau đại dịch Covid-19.
Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực trong năm 2024, với mức tăng trưởng GDP đạt 7,09%, vượt mục tiêu 6,0–6,5% do Quốc hội đề ra. Tổng quy mô GDP thực tế ước đạt 476,4 tỷ USD, cao hơn cả dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 469,7 tỷ USD, qua đó đưa Việt Nam tiến gần tới vị trí nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, vượt Philippines.
Cũng theo kịch bản cơ sở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 dự kiến đạt 884,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 454,19 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 430,26 tỷ USD, tạo ra mức xuất siêu khoảng 23,93 tỷ USD.
Một điểm đáng chú ý là tỷ lệ đầu tư toàn xã hội so với GDP được kỳ vọng duy trì ở mức 33,5%, phản ánh niềm tin của các chủ thể kinh tế vào triển vọng trung và dài hạn. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đóng vai trò là động lực chính của tổng cầu, với mức tăng khoảng 9,18%.

Trong năm 2025, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động, phối hợp hiệu quả với chính sách tài khóa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Kiểm soát lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, đồng thời cần duy trì dư địa chính sách để ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có sức lan tỏa cao như đầu tư hạ tầng chiến lược, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiệu quả chi tiêu công cần được nâng cao, trong khi nợ công phải được kiểm soát trong giới hạn an toàn.
Một trong những động lực tăng trưởng chủ đạo trong năm 2025 được Báo cáo nhấn mạnh là đầu tư công. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dự kiến sẽ có chuyển biến rõ nét nhờ quyết tâm chính trị từ trung ương đến địa phương, đặc biệt tại TP.HCM và Hà Nội.
Việc thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành hay các dự án năng lượng xanh sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tới khu vực doanh nghiệp và thị trường lao động.
Báo cáo đánh giá, nếu nâng cao được năng lực giải ngân vốn đầu tư công, yếu tố này sẽ là chìa khóa kích thích tổng cầu, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường kết nối vùng miền, từ đó cải thiện năng suất nền kinh tế.
Song song với đầu tư trong nước, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị cần điều chỉnh cách tiếp cận trong chính sách thu hút FDI. Thay vì chỉ dựa vào ưu đãi thuế, Việt Nam cần chú trọng hơn đến hỗ trợ thực chất như phát triển hạ tầng, giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất xanh, năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo và chuỗi cung ứng thông minh được xác định là trọng tâm trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các ưu đãi dựa trên hiệu quả và cam kết môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn phát triển bền vững như COP21 và COP26.
BƯỚC NGOẶT CẢI CÁCH THỂ CHẾ
Một điểm nhấn có tính chiến lược được nêu trong Báo cáo là yêu cầu tiếp tục cải cách thể chế để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Năm 2025, trong bối cảnh tổ chức Đại hội Đảng các cấp và chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, sẽ mở ra cơ hội để đẩy mạnh cải cách sâu rộng. Việc tinh gọn bộ máy hành chính, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh và nâng cao năng lực hoạch định chính sách sẽ là yếu tố then chốt trong phân bổ hiệu quả nguồn lực và thu hút đầu tư tư nhân.
Mặc dù triển vọng tăng trưởng năm 2025 được đánh giá tích cực, Báo cáo cũng chỉ ra một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến kết quả. Trong đó, đáng chú ý là nguy cơ lạm phát quay trở lại do biến động giá hàng hóa toàn cầu, thay đổi chính sách tiền tệ từ các nền kinh tế lớn và căng thẳng địa chính trị.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn có thể gặp trở ngại nếu không xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến mặt bằng, cơ chế phối hợp liên ngành và năng lực quản lý tại địa phương.
Bên cạnh đó, nếu không nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu – đặc biệt trong các ngành công nghệ cao.
Các chuyên gia nhận định năm 2025 có thể trở thành bước ngoặt trong hành trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nếu tận dụng tốt các nền tảng đã tích lũy sau giai đoạn phục hồi hậu dịch, đồng thời kiên định với các cải cách thể chế, thúc đẩy đầu tư công hiệu quả và chuyển hướng thu hút FDI theo chiều sâu, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bước vào chu kỳ tăng trưởng mới – ổn định, bền vững và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Báo cáo Thường niên “Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2024 - Công nghệ AI trong kỷ nguyên số” do GS - TS. Đinh Văn Sơn chủ biên, gồm 4 phần chính:
1- Kinh tế thế giới năm 2024.
2- Kinh tế và thương mại Việt Nam năm 2024
3- Công nghệ AI trong kỷ nguyên số
4- Dự báo và hàm ý chính sách năm 2025.