14:00 03/07/2019

Báo động tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học thành thị

Nhật Dương

Khẩu phần ăn uống giàu năng lượng nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp, dẫn đến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học thành thị tăng cao…

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, để cải thiện tầm vóc của người Việt Nam cần chú trọng dinh dưỡng học đường.
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, để cải thiện tầm vóc của người Việt Nam cần chú trọng dinh dưỡng học đường.

Ngày 3/7, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về "Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam".

Đây là một nghiên cứu độc lập của Viện Dinh dưỡng quốc gia, được tiến hành trong 12 tháng trên 5.028 học sinh từ 7-17 tuổi ở 75 trường học tại Tp.Hà Nội, Tp.HCM, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Nghệ An và tỉnh Sóc Trăng.

Theo nghiên cứu, học sinh tiểu học có khẩu phần ăn uống giàu năng lượng và protein thậm chí cao hơn nhiều so với ngưỡng khuyến nghị, nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp, dẫn đến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học khá cao, nhất là ở khu vực thành thị.

Cụ thể, trong khi học sinh tiểu học ở thành thị có tỷ lệ béo phì là 22,7% thì học sinh ở vùng nông thôn chỉ chiếm 7,4%. Khi tính chung, tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học thành thị chiếm 41,9% và nông thôn là 17,8%.

Đối với học sinh trung học cơ sở, học sinh thành thị thừa cân chiếm 20,9%, trong khi học sinh nông thôn là 7,9%.

Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, tỷ lệ thừa cân trẻ em từ 6 - 11 tuổi ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Cụ thể, tại Tp.HCM, tỷ lệ thừa cân béo phì năm 1996 là 12,2% thì đến năm 2009 đã tăng lên 42,3%. Tại Hà Nội, năm 1995 có tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì là 3,3% nhưng đến năm 2011 đã tăng lên 40,7%.

Trong khi đó, khẩu phần ăn của học sinh ở lứa tuổi trung học hiện chưa đạt ngưỡng khuyến nghị về năng lượng, sắt, kẽm, canxi và các loại vitamin, dẫn đến tỷ lệ thấp còi ở học sinh trung học cơ sở còn cao. Đáng chú ý, học sinh trung học cơ sở vùng nông thôn lại có tỷ lệ thấp còi lên tới 20,1%, còn học sinh thành thị là 3,8%.

Tương tự, học sinh trung học cơ sở vùng nông thôn có tỷ lệ gầy còm lên tới 15,6%, trong khi tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện học sinh chiếm trên 1/4 dân số cả nước, là tương lai của đất nước. Do đó, nếu muốn cải thiện tầm vóc, thể lực của người Việt Nam thì việc triển khai các can thiệp về sức khỏe học đường nói chung, đặc biệt là dinh dưỡng học đường nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu đã đưa ra những phát hiện quan trọng, cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì giảm dần theo độ tuổi của học sinh và có khác biệt lớn giữa các khu vực.

Nhóm thừa cân béo phì có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất đạm trong khi đó nhóm không thừa cân béo phì lại có xu hướng tiêu thụ các loại đồ uống có đường sản xuất công nghiệp và các thực phẩm có đường…

Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, bao gồm tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội và trình độ văn hóa của bố mẹ...

Ngoài ra, chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng liên quan trực tiếp đến tình trạng này. Đặc biệt, việc thường xuyên ngồi trước màn hình, sử dụng nhiều đồ uống có đường chế biến và bán trên đường phố (như nước mía, nước đá bào siro, trà sữa...) làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.

Theo nghiên cứu, tần suất sử dụng đồ uống có đường trên đường phố là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thừa cân béo phì của học sinh trung học phổ thông lên 1,4 lần.

Trước những thực tế như vậy, PGS.TS Trần Thúy Nga, Chuyên gia nghiên cứu Viện Dinh dưỡng quốc gia, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khuyến nghị rằng, cần định hướng các chương trình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng nông thông và phòng chống thừa cân béo phì ở khu vực thành thị. 

Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và các ban ngành cần tạo điều kiện cho trẻ bữa ăn lành mạnh, cân đối, tạo sân chơi để trẻ vận động, chơi thể thao, đảm bảo giấc ngủ hàng ngày cho trẻ.