01:14 21/02/2010

Bao giờ cho đến... Tết xưa

Nguyễn Chí Thành

Nhiều người bảo, Tết bây giờ nhạt hơn trước. Dẫu ăn ngon, mặc đẹp hơn. Cái sự háo hức, "vui như Tết" cũng nhạt hẳn

Ở phố bây giờ hiếm nhà gói bánh chưng khi Tết đến.
Ở phố bây giờ hiếm nhà gói bánh chưng khi Tết đến.
Nhiều người bảo, Tết bây giờ "nhạt" hơn trước. Dẫu ăn ngon, mặc đẹp hơn. Cái sự háo hức, "vui như Tết" cũng nhạt hẳn.

Có thật mọi thứ đều nhạt đi? Hay là đã qua thời, thiếu đủ mọi thứ, người ta phải tựa vào nhau, xích lại gần nhau? Nay thì no và ấm, xóm giềng hóa thừa. Tắt lửa đã có bếp ga, bếp điện. Tối đèn thì có đèn xạc. Bước sang thời “đèn nhà ai nhà nấy rạng” rồi sao?

Xóm "cấp bốn"

Tôi nhớ, cách đây hơn hai chục năm, nơi tôi ở gọi là xóm “cấp bốn”. Mái lợp ngói, nhiều chỗ vá víu giấy dầu. Mưa rào là dột tứ tung phải hứng xô  thùng, nồi chậu. Mùa hè hầm hập như hoả lò. Xóm cấp bốn nhưng dân “cấp cao”. Toàn nghệ  sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, nhà báo và nhà giáo. Nhà nọ ngăn nhà kia qua vách cót ép. Đố ai ăn giấu, ăn diếm được. Trẻ khóc, vợ chồng thủ thỉ giữa đêm khuya nghe như sát bên tai. Sống tập thể, chen chúc mãi hoá quen.

Chiều về hay đêm xuống, xóm cấp bốn náo nhiệt như xóm lao động. Mỗi khung cửa như cửa chuồng chim câu. Ríu rít tiếng trẻ. Í ới các cô vợ xin nhau hành tỏi, thìa mỡ, thìa mắm. Vay bơ gạo, chai dầu. Bưng cho nhau bát canh cua, đĩa dưa muối, quả cà nén. Dân trên nhà năm tầng ngó xuống không sao hiểu nổi.

Cơm tối xong, mọi nhà đều túa ra ngoài đường. Đàn ông đồng loạt cởi trần, túm tụm bên ấm trà, điếu thuốc. Om xòm chuyện thời sự, bóng đá. Trẻ con trải chiếu như trên bãi biển. Đàn bà, con gái vén quần tít lên. Da trắng vỗ bì bạch dưới trăng vàng. Mỗi lần ngước lên toà nhà chắn trước mặt, dân xóm tôi ước ao: “Bao giờ xóm mình ngóc lên bằng họ?”.

Giờ thì đố ai nhận ra dãy “chuồng chim” tập thể ấy. Mọi nhà đều xây lên ba bốn tầng. Vênh mặt với ngôi nhà năm tầng ọp ẹp, tróc lở vôi vữa. Vẫn là những người quen cũ, thế mà như người dưng nước lã. Chiều và tối, cả xóm im ắng như không người. Cổng sắt, cửa xếp, cửa cuốn im ỉm suốt ngày đêm. Hoạ hoằn mới thấy mặt nhau lúc đổ rác. Khẽ gật đầu, đưa mắt, thế thôi. Lạnh tanh như ngoài bến xe, bến tầu. Hay là có một bức màn vô hình bao bọc từng nhà, từng người?

Lại nhớ thời xa vắng. Ai đi nước ngoài về đều có quà cho cả xóm: viên đá lửa, chiếc bút bi. Hút một điếu 555 thơm cả xóm. Quả táo Tây cắt ra thơm khắp năm gian.

Bao giờ cho đến... ngày xưa? Hình như vật chất lên thì tình người xuống. Có lẽ đang diễn ra một sự xáo trộn lớn nhưng thầm lặng trong đời sống tinh thần.

Một học giả người Pháp đã cảnh báo: “Có nghĩa gì những tiến bộ kỹ thuật, văn minh nếu nó giết chết dần tinh thần?”. Guồng máy kiếm tiền ngày một quay hối hả. Đâu chỉ người giầu, cả người nghèo cũng bị cuốn vào. Tất cả có gì xấu đâu. Nhưng thử ghé mắt qua khe cửa, là thấy có hơi lạnh lọt ra.

Tôi biết, ở Hà Nội có những ông bố, bà mẹ nghỉ hưu, cả đời không biết đến máy tính. Thế mà giờ họ tự giam mình trong thế giới mạng để được nghe giọng con, tiếng bi bô của cháu. Để vơi bớt nỗi nhớ. Chúng đâu phải “ở xa tổ quốc”, gần lắm, vài cây số thôi.

Tôi quen một bà cụ có con trai làm giám đốc một công ty nổi tiếng ở phía Nam. Bà sống trong một chung cư khu đô thị mới ven đô. Xung quanh là những căn hộ kín như bưng, nhìn ra rặt đất hoang cỏ dại rậm rì. Hàng ngày cụ làm bạn với mấy con chó Nhật. Không hàng xóm, láng giềng. Họ hàng ngại đến, bạn già thì ngại thăm. Tối tối, bà ôm chiếc vi tính nối mạng với con cháu. Tình cảm, nỗi nhớ có nối được không? Một buổi tôi đến, thấy cụ gục đầu trước màn hình. Trên gò má nứt nẻ như vỏ cây kiệt nhựa, ngấn vệt nước mắt.

Cũng ở một khu đô thị nơi Hà Nội mở rộng, có hai ông bà  già. Các con góp tiền sắm cho một căn hộ cao cấp. Hàng tuần, theo định lịch, ông bà hẹn “voice chat” với con cháu ở xa. Lần ấy đứt mạng, họ không biết gọi ai đến sửa. Thế là thuê xe ôm chở đến cửa hàng Internet trong phố. Lỡ một cuộc hẹn trên mạng, cha mẹ không thể bỏ. Nếu họ có mệnh hệ gì, chắc con cái cũng đành lỡ suốt đời.

Đèn dầu ấm áp hơn... đèn điện

Hẳn nhiên, chẳng nên “bi kịch hoá” xã hội đang tiến lên hiện đại như thế. Nhưng ngay lúc này có thể thấy trước, thấy từ xa, những con sóng vô tình và  vô cảm đang tiến đến gần. Đang ngấp nghé ngoài ngưỡng cửa xã hội. Chả mấy lâu sẽ ập tới bậc thềm mỗi nhà. Bi kịch chính vì, những người sắm vai chính lại “vô tư” đón nhận làn sóng ấy như là một điều kiện cần cho sự phát triển, một quy luật muôn đời.

Nhiều lúc chợt thấy mình mỏi mệt, mỏi bã người. Cứ như sợi dây đàn căng và đứt rời. Như ngọn cây bị cưa lìa khỏi gốc. Tự nhiên nghe lòng rỗng không, vô vị. Thấy một mình giữa đông người. Giật mình quay lại đằng sau, phía không có ai, phía một mình.

Chính lúc ấy, lúc đứng trên ban công, tôi mới phát hiện ra một xóm lao động. Nó nằm trong ngõ nhỏ, ngay trước mắt mà lâu nay mình không để mắt ngó xuống. Nhiều lần chỉ phóng xe máy vụt qua, lướt qua những gương mặt nhuốm màu nắng bụi, sương gió. Mùa đông ngày ngắn, đêm dài, tối sập lúc nào không hay.

Tôi lững thững đi bộ, đến cái quán cóc ở sâu cuối ngõ. Thì ra hầu như nhà nào cũng chỉ thắp một ngọn điện. Hỏi chuyện, bà lão bán chè chén bảo: “Nghèo thì phải hà tiện. Một ngọn điện cũng đủ sáng cả nhà”.

Vậy sao trong nhà cụ lại thắp thêm một ngọn đèn dầu. Rót cho tôi chén trà nóng hổi, cụ chậm rãi: “Các cụ xưa dạy, chỉ có đèn dầu mới ấm nhà. Xóm tôi, nhà nào vẫn dùng than tổ ong. Những lúc mất điện, hàng xóm vẫn chạy sang nhau xin lửa”.

Ở Hà Nội còn nhiều lắm những ngõ nhỏ, xóm nhỏ lao động. Hiện tại của họ là quá khứ của mình. Còn hiện tại của mình có trở thành tương lai của họ không? Chẳng lẽ cứ phải sống nghèo, sống thiếu thì mới cần tình làng nghĩa xóm?

Trong một ngõ nhỏ  ven Hồ Tây, có một gia đình người Mỹ thuộc diện “di dân tái định cư”. Ông Mark Rapoport, dân gốc New York và bà vợ đã “tạm trú” ở Hà Nội hơn tám năm nay. Mới rồi, ông mở một gallery nằm trong 36 phố phường, để giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Không có năm nào hai người con lớn của họ không sang thăm bố mẹ và tranh thủ đi thăm Hà Nội. Cuối cùng, cả hai đã “chấm” Hà Nội là nơi lựa chọn số 1 để cả nhà cùng sống.

Sau khi bàn bạc, gia đình người Mỹ này đã lập một danh mục gồm 100 lý do khiến họ yêu thích sống ở Hà Nội. Không thể liệt kê hết 100 lý do, song lý do đầu tiên mà họ lựa chọn là con người “Thân thiện nhất, trung thực nhất và nồng ấm nhất so với bất cứ nơi nào. Con người làm việc cần cù nhất, ít cằn nhằn nhất, lạc quan nhất so với bất cứ đâu”.

Gia đình ông bà Mark Rapoport ấn tượng nhất là: “Hàng xóm của chúng tôi thật thân thiện và cởi mở. Họ không bao giờ quên nhắc con cái chào “hello” với những người hàng xóm nước ngoài như chúng tôi”.

Những “người Mỹ trầm lặng” cảm thấy ấm cúng bởi tình cảm của những người hàng xóm như người thợ sửa giày, cụ già bán bánh mì sáng, cô bán đồng nát, những người đàn bà đẩy xe rác, nhất là lũ trẻ hàng xóm... Từ bỏ một thế giới thừa thãi vật chất, bước sang Hà Nội để rồi ăn đời ở kiếp, người Mỹ, người Pháp hay những người nước ngoài tìm gì? Có gì đâu, chỉ là những thứ quá nhỏ bé và giản dị...